Hội nghị Trung ương 6: Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng
Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) diễn ra từ ngày 4 – 11/10/2017. 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước. Đó là Nghị quyết về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Nghị quyết về "tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập"; Nghị quyết về "tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới"; Nghị quyết về "công tác dân số trong tình hình mới". Ngoài ra Hội nghị còn bàn về các vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2018.
Vấn đề quan trọng tiếp theo là công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6: “Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Hội nghị APEC thành công nâng tầm vị thế Việt Nam
Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2017 diễn ra đầu tháng 11 với 21 lãnh đạo nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Trong các cuộc gặp, trao đổi, lãnh đạo các nền kinh tế đều đánh giá tuần lễ cấp cao hết sức thành công về nội dung và khâu tổ chức. Thành tựu lớn nhất là đã duy trì được mục tiêu của APEC trong bối cảnh thế giới và khu vực có những biến động phức tạp với những chiều hướng khác nhau về kinh tế, thương mại, đầu tư...”.
Lần đầu tiên, Việt Nam đón hai cường quốc thế giới là Trung Quốc và Mỹ tới thăm cấp nhà nước trong hai ngày liên tiếp. Các hợp tác song phương với Mỹ và một loạt thỏa thuận, ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực với Trung Quốc đã được ký kết.
Tờ Asia Times đánh giá, Việt Nam đã thể hiện sự tự tin trong việc tổ chức thành công APEC tại thành phố biển Đà Nẵng. Trong suốt một năm qua, Chính phủ Việt Nam chuẩn bị một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng sau khi đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ APEC tại Hà Nội vào năm 2006. Bên cạnh thách thức thời tiết, Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC tại một thời điểm Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó vai trò của APEC lần này ở Việt Nam gây được sự chú ý rất lớn của truyền thông quốc tế. Thành công của hội nghị thượng đỉnh sẽ tăng cường hơn nữa hình ảnh của đất nước cũng như thành phố miền Trung trong mắt bạn bè năm châu.
TP.HCM có cơ chế đặc thù
Với 93,69% đại biểu Quốc hội đồng ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù cho TP.HCM. TP.HCM được thực hiện 4 nhóm cơ chế đặc thù (gồm: quản lý đất đai , tài chính-ngân sách, cơ chế tạo nguồn lực cải cách tiền lương và cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức).
Thành phố “đầu tàu kinh tế” chiếm 9% dân số cả nước, song đóng góp gần 22% GDP và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế TP trong 30 năm Đổi mới bình quân 10,7 %/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của TP gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, sự phát triển của TP đã giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực (thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh), các yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy cao nhất và số vụ án được xét xử ở TP nhiều nhất cả nước (chiếm khoảng 16% cả nước trong khi dân số chỉ chiếm hơn 9% dân số cả nước).
Đánh giá về Nghị quyết này, Tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đó là "quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời".
Nhiều cán bộ "lùm xùm" về tài sản
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vụ lùm xùm về tài sản khủng có dấu hiệu bất thường của các quan chức được phanh phui. Trong đó ba nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Giám đốc sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh.
Ông Phạm Sỹ Quý bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Giám đốc sở TN&MT Yên Bái vì kê khai tài sản không đầy đủ, thiếu trung thực. Thủ tướng miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng bộ Công Thương với bà Hồ Thị Kim Thoa. Trong số các sai phạm của bà Thoa có việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, mua cổ phần vượt mức cho phép… Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai bị Ban Bí Thư kỷ luật cảnh cáo. Bà Thanh cũng liên quan tới việc kê khai tài sản không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Thiên tai diễn biến bất thường
Năm 2017 là năm có nhiều bão và áp thấp nhiệt đới. Lần đầu tiên những người làm bão ở Việt Nam phải đặt tên cho một cơn bão cuối mùa mang tên bão số 16. Hai cơn bão số 10 và số 12 cường độ rất mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) đã ảnh hưởng vào khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Đây là những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực trong vòng nhiều năm và đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng trong khu vực và để lại hậu quả rất nặng nề.
Các đợt mưa lớn kéo dài liên tục từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 10/2017 với tổng lượng vượt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm. Mưa lớn trái mùa giữa tháng 10 làm lưu lượng về các hồ tăng cao đột ngột trong khi các hồ chứa đã tích đầy nước theo quy trình, lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 8 cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520m3/s.
Năm 2017 có 15 đợt nắng nóng diện rộng. Trong đó từ ngày 1 đến hết 6/6, 2/3 đất nước từ Quảng Ninh đến Phú Yên hứng chịu đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, với mốc nhiệt vượt giá trị lịch sử. Ngày 3-4/6, hơn 30 trạm khí tượng miền Bắc đồng loạt ghi nhận mức nhiệt trên 40oC.
Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 352.943 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 65.350 con gia súc và 2 triệu con gia cầm bị chết; 59.603 ha và 41.920 lồng nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại,...Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.
Lùi chương trình, sách giáo khoa mới vì chưa đảm bảo chất lượng
Quốc hội đã lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới 2 năm so với quy định cũ, được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Để triển khai lộ trình trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
"Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định", nghị quyết này nêu.
Tai biến y khoa nghiêm trọng
Sáng 29/5, 18 bệnh nhân suy thận mãn đang chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người tử vong lần lượt tử vong;10 người được chuyển về bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm. Nguyên nhân do nước cấp cho máy lọc thận không an toàn, còn nhân viên y tế tắc trách, vi phạm các quy định của ngành y tế.
Nhiều cán bộ ngành y đã bị xử lý kỷ luật. Gia đình 8 bệnh nhân bị tử vong yêu cầu bệnh viện bồi thường hơn 2 tỷ nhưng phía bệnh viện không đồng ý. Hiện, sự việc vẫn chưa có hồi kết.