Thống kê tại bệnh viện Răng Hàm Mặt cho thấy, nhu cầu niềng răng đã tăng rất nhiều lần trong 10 năm qua:
Năm 2005 – 2006, số lượng bệnh nhân tới đây điều trị ước chừng khoảng 100 người; đến năm 2008 – 2009 con số đó lên tới hơn 1.000 người và giờ con số lên hơn 6.000 người.
Nhưng xung quanh việc niềng răng ấy cũng có không ít những vấn đề cần lưu ý. Để có cái nhìn đúng đắn nhất cho vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với BS Trần Hải Hà, khoa Nắn chỉnh răng, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.
Theo BS Hà, hiện nay, niềng răng là xu hướng rất phổ biến và mở rộng ra nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi. Tuy nhiên, ở lứa tuổi trẻ em nhiều hơn. Bên cạnh đó, giới hạn điều trị rộng, có nhiều phương tiện, khí cụ thỏa mãn được nhu cầu của rất nhiều người.
Tuy nhiên cũng có không ít người “đánh cược” vẻ đẹp của mình khi nhắm mắt chọn những cơ sở làm răng không biết chất lượng ra sao nhưng có nhiều chiêu thức khuyến mại.
Trao đổi một cách thẳng thắn, BS Hà cho hay, việc niềng răng ở những cơ sở kém chất lượng sẽ dẫn tới nhiều vấn đề.
Thứ nhất là dụng cụ. Dụng cụ bị bong bật làm cho thời gian điều trị kéo dài. Thứ 2, các thông số trên khí cụ không chuẩn xác có thể ảnh hưởng tới quá trình điều trị, mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít phụ thuộc từng loại bệnh và khả năng của bác sĩ xử lý ra sao. Bên cạnh đó, việc làm răng không đúng các yêu cầu kĩ thuật, các bước xử trí, chỉ định cũng dẫn tới nhiều biến chứng.
Ví dụ một số trường hợp những kĩ thuật thực hiện trong thao tác nắn chỉnh răng không đúng sẽ ảnh hưởng tới mức độ xương của răng đó. Bởi lẽ, sự sống còn của răng phụ thuộc vào xương.
“Hiện tại có một số vấn đề chất lượng chưa kiểm định nên việc mọi người tìm tới nơi an tâm phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin cá nhân hay sự quảng cáo của các đơn vị.
Và việc tìm tới nơi nắn chỉnh răng không đảm bảo, bác sĩ chỉ định sai để lại hậu quả rất mệt mỏi. Răng điều trị sai có thể điều chỉnh và làm lại được hoặc đưa tới vị trí mới vì nó vẫn nằm trong giới hạn làm được của răng, còn xương của bạn một khi đã tiêu và mất đi thì không lấy lại được”, BS Trần Hải Hà nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của PV về tuổi thọ của răng khi nắn chỉnh răng, BS Trần Hải Hà chia sẻ, sự lo lắng về tuổi thọ của răng là cần thiết. Để đảm bảo tuổi thọ của răng, mức xương sẽ quyết định sự tồn tại trên khuôn hàm của mình thế nào. Thông thường trong quá trình nắn chỉnh răng, mức xương thay đổi không nhiều nhưng nắn chỉnh không tốt thì ngược lại.
“Việc tiêu xương này còn liên quan nữa tới vệ sinh không tốt, lực làm không phù hợp, răng bạn chen chúc quá bạn không muốn giữ lại hết tất cả các răng cũng là nguyên nhân gây tiêu xương. Việc quyết định tuổi thọ của răng sẽ do mức độ xương quyết định”, BS Trần Hải Hà nói thêm.
Sau khi niềng răng, theo BS Hà, bản thân mỗi người phải kiêng và cần tránh tất cả những gì có nguy cơ làm cho dụng cụ niềng bị bong bật như ăn đồ cứng. Với những loại thức ăn không cần tránh nhưng cách ăn, cách chế biến nên điều chỉnh.
Thời gian điều trị thường kéo dài 2 - 3 năm. Sau khi điều trị, bao giờ người làm nắn chỉnh răng cũng phải đeo hàm giữ để duy trì hàm đó, tránh những ảnh hưởng không có lợi. Ví dụ như thói quen không cần thiết, các tác động khác như nghiến răng và các tật mọi người chưa khắc phục được ngay.
“Liên quan tới điều trị này chủ yếu là thói quen ăn nhai chứ không phải ăn đồ cứng hay mềm. Ví dụ bạn có thói quen ăn ở răng cửa, đó là những yếu tố bất lợi. Còn vệ sinh răng miệng cũng thế, nắn chỉnh hay không nắn chỉnh thì giữ vệ sinh sạch sẽ là đòi hỏi tối cao và đầu tiên.
Tối cao vì trong quá trình nắn chỉnh răng, vệ sinh không tốt ảnh hưởng cực kì nhiều, có thể gây hỏng men răng, tiêu xương. Nếu tiêu xương, quá trình nắn chỉnh sẽ bị ảnh hưởg và cũng ảnh hưởng tới sau khi kết thúc”, BS Trần Hải Hà nhấn mạnh.
Và sau khi đã nắn chỉnh răng, dung mạo thay đổi, BS Hà khuyên mọi người nên đi làm lại chứng minh nhân dân vì đã có trường hợp không xuất cảnh được chỉ vì sự khác lạ sau quá trình làm đẹp.
Nguyễn Huệ