Những tập tục hôn nhân chỉ có ở đồng bào Cơ Tu

Những tập tục hôn nhân chỉ có ở đồng bào Cơ Tu

Thứ 6, 16/08/2013 11:17

Nằm trên lưng chừng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Cơ Tu vẫn gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền rất riêng, mang đậm hơi thở của đại ngàn.

13 tuổi đã "ngủ duông"

Già làng Bh'riu-Pố (65 tuổi) của thôn Arớh, xã Lăng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) kể lại: "Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10, khi mùa màng đã xong vụ, lương thực được chất đầy kho, các nam thanh nữ tú ở độ tuổi 13 trở lên trong làng được quyền chọn người mình thích để đi "ngủ duông". Tập tục này chỉ xuất hiện vào các dịp Tết đến xuân về hoặc trong những dịp lễ hội lớn của làng như: Lễ ăn mừng nhà Gươl, lễ ăn mừng lúa mới, lễ hội Pơ Ngoót (lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu)…

Lạ & Cười - Những tập tục hôn nhân chỉ có ở đồng bào Cơ Tu

Các cô gái nhảy điệu múa truyền thống là cơ hội để các chàng trai quan sát và chọn cho mình một người thích hợp để rủ đi "ngủ duông" cũng như "bắt" về làm vợ

Theo luật lệ đặt ra, để được đi duông với các cô gái, người con trai phải mang lễ vật như hạt cườm, vòng đeo cổ, các vật dụng có giá trị trong đời sống sinh hoạt đến cho nhà gái để xin "giấy phép". Việc có đi "ngủ duông" hay không hoàn toàn phụ thuộc vào độ hoành tráng của lễ vật và sự quyết định của cha mẹ cô gái. Bởi, một khi cha mẹ các cô đã nhận lễ thì dù không muốn, các cô vẫn phải "đi duông" cùng người con trai đó.

Cũng theo già làng Bh'riu-Pố, địa điểm các chàng trai Cơ Tu ưa thích để chọn làm nơi "ngủ duông" là những khu vực cách thật xa bản làng, nằm tít tận trong rừng sâu hoặc sát bìa rừng. Chỉ có điều, người dân trong làng đều phải biết địa điểm đó. Chọn được nơi ưng ý, các chàng trai sẽ bắt đầu tự mình đi kiếm những vật liệu cần thiết về để xây dựng "chốn riêng tư". Nhiều chàng trai chỉ chọn cách dựng lên một cái chòi tạm bợ bằng cây lá trong rừng kiếm được, song phải che mưa che nắng và mọi người không nhìn thấy. Sau khi xây xong nhà, ban ngày các cặp "tình nhân" không ở đó mà về lại bản làng để làm việc, sinh hoạt chung trong cộng đồng. Khoảng 5- 6h chiều, các chàng trai sẽ chuẩn bị mọi thứ cần thiết lên đường đến đón các nàng về "tổ ấm" riêng của mình để tự do tìm hiểu.

Già Bh'riu-Pố kể: "Mặc dù ngủ chung với nhau trong một chòi nhỏ, sinh sống như vợ chồng nhưng các chàng trai chỉ được phép tâm sự, ăn uống cùng nhau, hôn vào môi và cùng lắm là sờ vào "bầu sữa" của các cô gái, ngoài ra không được làm chuyện gì đi quá giới hạn. Trong đêm trăng thanh gió mát, họ trao cho nhau những câu hát tiếng đàn để hòa quyện tâm hồn vào nhau, từ đó vun đắp tình cảm trong mỗi người. Nếu hợp nhau thì sau vài lần đi như vậy, họ có thể trở thành vợ chồng. Chính vì sự tự do nhưng không đi quá sự cho phép nên họ có thể "ngủ duông" với nhau từ vài ngày cho đến một tháng. Thậm chí, một chàng trai có thể làm điều đó với nhiều người con gái khác nhau trong làng".

Tuy các đôi nam nữ có quyền tự do tìm hiểu về nhau nhưng luật tục từ ngàn xưa của đồng bào Cơ Tu quy định hình thức xử phạt rất rõ ràng với những ai không tuân theo. Trong trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi và xảy ra mang thai ngoài ý muốn thì đôi nam nữ đó phải chịu sự trừng phạt rất nặng từ các Giàng và già làng. "Tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý nhưng đều theo tục lệ. Đối với người nữ, nếu xảy ra mang thai sẽ bị đuổi ra khỏi bản làng, một mình tự sống trong rừng sâu, không được giao tiếp với bất cứ ai. Còn người nam gây ra chuyện đó cũng phải chịu những hình phạt vô cùng xấu hổ. Người con trai đó phải mua một con heo trắng, xách ngược bốn chân lên trời đi đến từng nhà một trong làng xin tội. Đến nhà nào thì gõ cửa rồi đặt con heo trắng xuống, vỗ vào mông rồi kể tất cả những việc mà mình đã làm với cô gái đó, tất cả đều phải miêu tả lại rõ ràng trước các gia đình rồi xin mọi người và Giàng trong nhà đó tha thứ", Bh'riu-Pố cho biết.

Lạ & Cười - Những tập tục hôn nhân chỉ có ở đồng bào Cơ Tu (Hình 2).

Hình phạt nhớ đời dành cho các chàng trai khi phải mang heo đến xin tội từng nhà

Tự do "bắt vợ"

Tập tục văn hóa tiền hôn nhân

Tiến sĩ Lê Đức Luận (nhà nghiên cứu văn hóa) cho biết: "Ngủ duông" hay còn được gọi là "ngủ mái" là một phong tục tập quán độc đáo của đồng bào Cơ Tu đang sinh sống ở các khu vực miền núi từ các tỉnh Quảng Nam đến Quảng Trị. Đây là một trong những tập tục văn hóa tiền hôn nhân của họ. Suốt quá trình "ngủ duông", có thể  một hoặc nhiều đôi trai gái cùng lúc ngủ giao lưu, họ không giới hạn về thời gian mà chỉ cần kết quả tìm hiểu nhau có thành vợ thành chồng hay không mà thôi. Nét đặc biệt trong phong tục này là họ chỉ tâm tình dưới đêm trăng, chứ không bao giờ có những chuyện đi quá giới hạn trên thân xác".

Với đồng bào dân tộc Cơ Tu, họ chỉ cần thích một người nào đó thì có thể "bắt" ngay về làm vợ của mình. Kể cho chúng tôi nghe tên những cụ trong làng đã nên nghĩa vợ chồng nhờ tục "bắt vợ" trước đây, già làng A Lăng Xiêng (60 tuổi, trú thôn Knoonh 3, xã Ga Ri, huyện Tây Giang) cho biết: "Mặc dù tập tục này đến nay đã không còn nữa nhưng đó là một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào tôi trong những năm trước đây. Cũng như tục "ngủ duông", các chàng trai chọn và bắt những cô vợ cho mình trong những ngày lễ, sau khi kết thúc mùa vụ và mỗi độ xuân về".

Ở tập tục này, những chàng trai sinh ra trong một gia đình có nhiều của cải sẽ chiếm ưu thế. Theo A Lăng Xiêng, đa phần các vụ "bắt vợ" về nhà giàu có đều thành công. Ở những ngày lễ của làng, các chàng trai giàu có sẽ tập hợp bên cạnh mình những người bạn bằng tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn để phô trương thân thế. Sau đó, đợi các cô gái ra múa điệu múa truyền thống, nhảy lửa, các chàng trai sẽ "liếc mắt đưa tình" chọn cho mình một cô nàng ưng ý, rồi nhanh chóng đến bắt người con gái đó lên lưng cõng về nhà, mặc kệ cô gái ra sức vùng vẫy nhằm thoát thân trước sự chứng kiến của mọi người. Kỳ lạ là không có ai vào can ngăn hay giúp đỡ mà họ còn vỗ tay hô hào để cổ vũ tinh thần cho người con trai bắt vợ thành công. Đặc biệt, ở tập tục này không hề có sự tranh giành giữa các chàng trai, bởi dù nhiều người cùng chọn một cô nhưng ai nhanh chân "bắt" được trước thì sẽ là của người đó.

Già làng B'rac (70 tuổi, thôn A Răng 3, xã Ga Ri) cho biết: "Khi xưa, người chú của tôi cưới được vợ cũng nhờ tập tục này nhưng chỉ dám "bắt" trong những dịp bình thường bởi gia cảnh nhà chú tôi không quá giàu có". Ông B'rac kể: Tập tục này chỉ dành cho những cô gái chưa có chồng, chứ đã được gả vào nhà người khác thì già làng không cho phép "bắt" thêm lần nữa. Những lần "bắt vợ" đều mang về cho gia đình những cô con dâu đẹp người đẹp nết. Già làng sẽ thay mặt gia đình yêu cầu sính lễ và đứng ra lo liệu công việc trong ngày cử hành hôn lễ cùng những nghi thức cúng Giàng.

Mặc dù rất ít trường hợp "bắt vợ" về bị trả lại nhưng khi xảy ra sự việc đó thì người Già làng trong thôn sẽ đứng ra hòa giải. Theo đó, gia đình nhà trai phải mang lễ vật đến "bồi thường" cho gia đình nhà gái vì tội làm ảnh hưởng đến "danh tiếng" người con gái. Lễ vật ở đây có thể chỉ là một con gà, con heo hoặc một vài vật dụng sinh hoạt có giá trị khác. Theo đồng bào Cơ Tu thì đó là "lộ phí" để đưa cô gái về nhà.

Nguyễn Cường - Du Ngoạn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.