Bộ tộc dũng cảm nhất Kenya
Châu Phi là vùng đất tập trung rất đông các bộ tộc thiểu số, phong tục tập quán của họ hoàn toàn cổ quái và khó hiểu. Đến với đất nước Kenya ở Đông Phi, người ta sẽ bắt gặp ngay bộ tộc Masai với đặc trưng dễ nhận ra là đàn ông không có răng cửa còn phụ nữ thì trọc đầu.
Masai là bộ tộc không chỉ nổi tiếng ở Kenya mà còn cả ở Châu Phi với nhiều phong tục truyền thống hết sức lạ thường. Người dân Masai thường sống tập trung với nhau tạo thành những ngôi làng đông đúc. Trung tâm của làng là nơi chăn thả các đàn gia súc. Nhà của người Masai thường làm bằng đất sét và phân trâu, xây san sát nhau tạo thành một vòng tròn khép kín vừa để bảo vệ gia súc, vừa tạo sự an toàn cho trẻ con trong làng.
Phụ nữ Masai thường cạo trọc và đeo rất nhiều trang sức lên người.
Nghề kiếm sống chính của người Masai là chăn nuôi gia súc. Họ sử dụng chính thịt bò và thịt cừu do họ sản xuất. Tuy nhiên, sau khi giết con vật, người dân nơi đây có một phong tục kinh dị: Uống máu tươi của gia súc. Họ cho rằng, máu tươi của động vật là thứ bổ nhất. Nó thể hiện cho sức mạnh và lòng dũng cảm, bởi vậy, họ tin rằng, nếu uống được càng nhiều máu tươi của con vật sẽ khiến họ càng trở nên dũng cảm và có thể đạt đến độ... bất tử.
Người Masai có niềm tin mãnh liệt vào thuyết vật linh. Cha ông họ kể lại với con cháu rằng, gia súc là món quà thần thánh ban tặng cho con người, ai có được món quà này sẽ trở nên giàu có và đầy quyền lực. Con người phải biết trân trọng và tôn thờ các loài vật sống bên cạnh họ.
Từ đó, người Masai cho rằng, làng nào có nhiều gia súc chứng tỏ ngôi làng này được chúa trời phù hộ cho nhiều may mắn và luôn ở bên cạnh che chở cho họ. Điều cấm kỵ trong nuôi gia súc ở làng người Masai là đếm gia súc. Họ không bao giờ đếm xem trong đàn có bao nhiêu con bởi theo họ, làm việc đó sẽ khiến gia đình họ gặp phải điều xui xẻo và gặp vận hạn.
Người Masai được mệnh danh là những người dũng cảm nhất trong các bộ tộc của Kenya. Cuộc sống của người Masai gắn bó với các loài động vật hoang dã, kể cả những con sư tử và họ coi chúng như con vật linh thiêng.
Người Masai quan niệm, ai dám nhận nhiệm vụ giết loài vật hung dữ này, lấy da và lông chúng làm trang phục sẽ được xem như anh hùng và nhận được sự tôn vinh của các thành viên trong bộ tộc. Theo truyền thống, khi đạt đến tuổi 16, các chàng trai trong làng phải giết chết một con sư tử như một nghi thức chứng tỏ sự trưởng thành của mình.
Nhưng ngày nay, qua các phương tiện thông tin, người Masai cũng biết sư tử đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nên người dân nơi đây không được phép giết sư tử nữa. Bởi vậy, để thay thế cho nghi thức giết sư tử, trưởng tộc sẽ trao cho các chàng trai những chiếc mũ có gắn lông sư tử từ những bộ lông con vật thiêng trước đây, tượng trưng cho lòng dũng cảm của dân tộc Masai.
Đàn ông phải nhổ răng, đàn bà phải cạo trọc đầu
Điều dễ nhận thấy nhất khi đến vùng đất của bộ tộc Masai là tất cả đàn ông trong làng đều xỏ lỗ tai và khuyết răng cửa. Thực ra, xỏ lỗ tai và nhổ răng cửa chính là dấu hiệu nhận biết người con trai đã trưởng thành. Cứ đến tuổi trưởng thành, các thanh niên cùng độ tuổi sẽ được tập trung ở một bãi đất rộng trong làng.
Tộc trưởng sẽ là người tự tay nhổ răng cửa và xỏ lỗ tai cho từng người. Theo quan niệm của người Masai, nếu người đàn ông nào không xỏ lỗ tai và thiếu một chiếc răng cửa thì họ sẽ không được công nhận là đàn ông, các cô gái trong làng sẽ không để ý tới và không một gia đình nào chấp nhận một người "thiếu nét đàn ông" về làm rể nhà mình. Những du khách đến đây đều cảm thấy chuyện này hết sức kỳ lạ và hài hước nhưng đây là truyền thống lâu đời của dân tộc Masai.
Mọi người phải tuân theo một cách nghiêm ngặt và ai cũng cảm thấy tự hào về phong tục này. Sau khi buổi lễ nhổ răng kết thúc, những thanh niên được công nhận là đàn ông trưởng thành sẽ có quyền quyết định mọi việc liên quan đến cuộc đời mình.
Họ được cấp cho một cây giáo và dao để tự đi săn bắn. Điều quan trọng nhất của một người trưởng thành là được phép lựa chọn những cô gái đẹp về làm vợ. Những chàng trai được cho là đẹp ở bộ tộc không dựa vào độ thẩm mỹ trên khuôn mặt mà các cô gái chủ yếu nhìn vào cách ăn mặc, cách đeo giáo và dao bên hông, đặc biệt là nhìn vào... lỗ tai và răng cửa.
Còn phụ nữ Masai có điểm rất khác biệt so với phụ nữ các bộ tộc khác. Hầu hết đều cạo trọc đầu và đeo rất nhiều trang sức lấp lánh lên người. Tùy theo thứ bậc và tuổi tác trong gia đình, người phụ nữ sẽ đeo các loại trang sức khác nhau.
Một cô dâu Masai khi về nhà chồng.
Đi đám cưới không được chúc cô dâu... hạnh phúc
Người Masai còn có rất nhiều phong tục gây ngạc nhiên khác như lễ cưới chẳng hạn. Theo tục lệ, không được ai ngoài bố cô dâu chúc phúc cho cô gái khi đi lấy chồng. Nếu có người khác vô tình chúc cô dâu hạnh phúc thì cô dâu đó sẽ gặp xui xẻo và nhanh chóng bị chồng bỏ.
Thay vào đó, để rũ bỏ hết mọi xui xẻo, người trong gia đình nhà chồng sẽ tập trung ngay từ đầu làng, chờ cô dâu xuất hiện để... mắng mỏ nàng dâu còn nhiều bỡ ngỡ. Chưa dừng lại ở đó, khi bước chân qua ngưỡng cửa nhà chồng, người đầu tiên cô dâu gặp phải là bố mẹ chồng và món quà cô dâu nhận được là một cốc sữa dê hất vào mặt.
Đây là cách gia đình chúc cô dâu mới sẽ được may mắn trong chuyện con cái sau này. Sữa dê được cho là biểu tượng của sự kiên trì và lòng dũng cảm, nên nếu cô dâu sau này sinh con trai thì đứa bé sẽ vô cùng dũng cảm và mạnh mẽ.
Sự xuất hiện của du khách nước ngoài khiến cuộc sống của người Masai khá hơn và có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, về cơ bản, dân tộc Masai vẫn duy trì được nhiều phong tục tập quán độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách.Rất nhiều người thắc mắc vì sao người Masai vẫn giữ được các phong tục truyền thống, trong khi cuộc sống hiện đại bắt đầu được họ đón nhận và dần thay đổi. Thực ra, chính những phong tục lâu đời này đã mang về cho họ mọt nguồn thu nhập đáng kể từ khách thập phương.
Chỉ cần nhìn vào cách đeo trang sức và các loại đá, người ta có thể đoán được thứ bậc cũng như độ tuổi của phụ nữ Masai. Người phụ nữ Masai có một tập tục rất đặc trưng, đó là họ được phép có bạn trai ngoài chồng nhưng với điều kiện không được phép có thai. Tập tục tục này xuất phát từ việc có những cô gái trẻ chưa đến 20 tuổi phải cưới những người đàn ông đến 70 tuổi theo quy ước của hai gia đình. Chênh lệch tuổi tác quá lớn làm ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người nên những người phụ nữ đã có chồng được phép "ngoại tình" và không để lại hậu quả. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ này vô ý hay cố ý mang thai, người chồng được phép xử phạt người phụ nữ bằng mọi hình thức. Có những người nhân đạo sẽ cho phép vợ giữ lại đứa con nhưng người chồng sẽ không cần thực hiện nghĩa vụ gì với đứa trẻ, mặc cho vợ tự kiếm sống, nuôi con. |
Hồng Nhung (Theo Africa guide/BBC)