Vì thế, từ nhiều năm qua, ngoài những lao động kỹ thuật, hàng trăm người ở những địa phương khác đổ về Đồng Kỵ để kiếm kế sinh nhai. Nơi đây đã gần như hình thành một chợ lao động.
Vẻ hào nhoáng của ngôi làng tỷ phú
Sôi động phiên chợ lao động
Đồng Kỵ là một làng nghề phát triển sầm uất, cũng là mảnh đất kiếm sống của hàng trăm con người ở các nơi về đây. "Chợ" hoạt động ngày một đông, đây là một phần tất yếu phát sinh trong thời buổi kinh tế thị trường, ít việc người đông. Song để hoạt động của "chợ" đi vào quy củ, ít bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực thì rất cần một sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương để "chợ" sẽ thực sự là nơi mà người lao động vẫn có thể ổn định cuộc sống trong những thời điểm nông nhàn.
Vào Đồng Kỵ, qua khu phố mới là đến "đoạn đường khổ ải" lúc nào cũng ngột ngạt vì tắc. Tắc vì nhiều nguyên nhân như đường xấu, xe tải nhiều, người đông, xe máy của cửu vạn, của kẻ buôn, người bán để chình ình ra đường. Có một điều khiến ai cũng phải chú ý, đó là những người chờ việc đứng túm tụm chừng 10 người một nhóm. Cũng giống như người chờ việc ở các ngã tư tại Hà Nội, hễ có xe tải chở gỗ đi về, hoặc những ông chủ "quen mặt" là họ lao tới xin việc.
Hầu hết những lao động ở đây đều ở các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên... Và có cả những lao động trong tỉnh ở các huyện Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài... Nhiều người có thâm niên ở đây được hơn chục năm, nhưng cũng có những người mới chỉ bắt đầu công việc ở chợ lao động này được vài ba ngày. Những người đàn ông trụ việc thường xuyên hơn, còn phụ nữ theo mùa vụ. Vào vụ cấy gặt phụ nữ ở "chợ" vắng hơn, sau khi mùa vụ đã xong thì họ lại đổ về Đồng Kỵ tìm việc. Do vậy ngày cao điểm cả "chợ" có đến hàng trăm lượt người đứng chờ việc.
Những đám người, kẻ đứng người ngồi kể chuyện công việc, nhà cửa cho nhau nghe mà mắt vẫn nháo nhác nhìn xung quanh để đón việc. Chị Thanh ở Lục Ngạn -Bắc Giang cho biết: "Ở đây mọi người nhận làm hết mọi việc từ đánh giấy ráp, cửu vạn, dọn nhà, tỉa cây, dọn cỏ, xây dựng... Mỗi việc mỗi giá và tùy vào cuộc thương lượng giữa chủ và người lao động". Chị cũng cho biết thêm, phụ nữ, con gái thì hay nhận được việc đánh giấy ráp hay dọn nhà. Đánh giấy ráp mà đánh tay thì 90-100 nghìn/công còn đánh giấy ráp quay tay thì được cao hơn, khoảng 140-160 nghìn/công. Tất cả những người lao động ở đây đều quan niệm, làm việc gì thì việc, vất đến đâu cứ nhiều tiền là làm, chứ không thích làm việc nhẹ mà ít tiền.
Chị Hương ở Yên Phong tâm sự: "Hết mùa vụ rồi thì lên đây làm thuê, ngày nào đợi việc đến 8h - 9h mà không ai thuê thì lại lọc cọc chiếc xe đạp đi đồng nát thôi, tối mới về". Chị cũng hồ khởi khoe thêm: "Cũng may mình còn thường xuyên có việc hơn nhiều người, bởi người thuê thấy mình cũng cứng tuổi rồi, biết việc hơn nên họ tin tưởng chọn mình. Bán sức người có trăm cái cơ cực anh ạ".
Còn anh Hưng ở Thái Nguyên bộc bạch: "Tôi làm đa dạng, đủ các việc ở đây rồi, tiền công thì cũng vô kể lắm. Có ngày gặp chủ hào phóng thì được dăm ba trăm ngàn một ngày công, nhưng có ngày thì chẳng ai thuê gì nên không có đồng nào... cảnh làm thuê vất lắm". Số lao động như anh Hòa ở Đồng Kỵ khá nhiều, họ tính ra trừ tiền ăn, ở thuê trọ... tất cả khoảng triệu rưỡi thì mỗi tháng họ cũng gửi về cho vợ, con được từ 2-3 triệu đồng.
Đến gần 9h, đám con gái, phụ nữ đã tản đi về gần hết thì cánh đàn ông, con trai vẫn ở đó để tiếp tục chờ. Một người phụ nữ phóng xe vào chỗ đám người đông nhất: "Tôi cần hai thợ xây tường rào, mấy anh có biết xây không? - "Có, làm gì cũng làm được hết". "Công 180 nghìn nhé" - "200 chị ơi" - "Được rồi, hai anh đi theo tôi". Hai anh thợ lên 2 chiếc xe máy cà tàng của mình, theo sau xe người phụ nữ, để lại sau lưng vài tiếng xì xầm, xuýt xoa của những người ở lại và tiếp tục chờ.
Hiểm họa rình rập
Do đặc trưng của làng nghề nên "cửu vạn" khuân vác và vận chuyển gỗ, đồ gỗ là chiếm lượng người đông, sôi động hơn cả. Người lao động ở đây phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa, vì tai nạn lao động đã xảy ra như cơm bữa. Nghề nào cũng cần sức khỏe, nhưng là cửu vạn gỗ thì ngoài sức khỏe ra, họ phải có mẹo và phải đoàn kết mới làm được việc, tránh tai nạn xảy ra.
Công việc làm thuê rất vất vả, nhưng bù lại, giải quyết được công ăn việc làm lúc nông nhàn cho người lao động
Anh Thành ở Việt Yên, Bắc Giang, 40 tuổi nhưng đã có thâm niên làm "cửu vạn" gỗ ở Đồng Kỵ 18 năm nay, cho hay: "Cái việc bốc vác, khiêng gỗ tưởng như đơn giản, chỉ cần trai tráng khỏe mạnh là được. Thực tế, nó cần phải có "nghệ thuật", một sự khéo léo nhất định. Nó chẳng khác nào một đội múa chuyên nghiệp, chỉ cần sai đi một nhịp sẽ khiến đội hình bị rối loạn, hoặc sẽ gây ra tai nạn. Điều đó lý giải tại sao cánh "cửu vạn" ở đây đều lập đội. Đó không chỉ là hình thức để phô trương sức mạnh, nhất là trong những cuộc chạm trán, tranh giành mối làm ăn, mà nó còn tạo ra sự thống nhất trong cả đội".
Chỉ tay vào những đống gỗ to tướng với những khúc gỗ nặng trịch có đường kính bằng một vòng tay của mình, anh Thắng ở Yên Phong, Bắc Ninh chua chát: "Nghề của chúng tôi đôi khi phải đối diện với những hậu quả kinh hoàng. Nó có thể cướp đi một phần thân thể của người lao động bất cứ lúc nào nếu không cẩn thận, không có mẹo... Những khúc gỗ to như thế này bảo sao không nghiến nát bàn tay, bàn chân của cửu vạn được. Tôi cũng "dính đòn" mấy lần rồi đấy, nhưng nhẹ thôi. Lần nặng nhất là phải nằm nhà mất nửa tháng".
Cũng như anh Thắng, anh Nguyễn Hữu Hồng đến giờ vẫn còn rùng mình khi nhớ lại vụ tai nạn của một người bạn. Cách đây gần một năm, khi đội của anh Hồng đang vận chuyển gỗ lên xếp ở kho thì bất ngờ một khúc gỗ nặng chừng 4 tạ rơi trúng chân anh Hưởng làm anh ngã vật ra. Hai bàn chân anh gần như đứt lìa từ khuỷu. Nhìn cảnh đó ai cũng thấy lạnh sống lưng. Nhưng họ phải chấp nhận “sống chung với lũ” vì làm nghề này cũng dễ kiếm tiền.
Tại Đồng Kỵ, những vụ tai nạn như trật khớp tay, khớp chân, trầy xước da, lật móng, gỗ rơi vào chân... diễn ra thường ngày. Nhiều người làm lâu năm, móng tay móng chân chỉ còn vài chiếc. Bị tai nạn thì phải có tiền mua thuốc chữa trị, phải nghỉ, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ bị hao hụt khoản thu nhập. Cuộc sống trầy trật càng trầy trật hơn.
Người lao động ở Đồng Kỵ ngoài chuyện phải chịu đựng những ngày nắng nóng, vất vả và đối mặt với tai nạn, họ còn phải chịu thêm những nỗi lo khác. Đó là chuyện gây bè kết phái, tranh giành đất làm ăn. Rồi những lúc không có việc, cánh cửu vạn lại rủ nhau chơi bạc ngay tại chợ. Có sới chỉ ba người, có sới lên tới cả chục người tham gia. Nhiều người đã "nướng" hết tiền làm cả tháng cho những sới bạc bột phát này.
Đồng Kỵ là một làng nghề phát triển sầm uất và cũng là mảnh đất kiếm sống của hàng trăm con người ở các nơi tìm đến. Chợ lao động ở Đồng Kỵ ngày một đông, đây là một phần tất yếu trong thời buổi kinh tế thị trường, việc ít người đông. Để hoạt động của chợ đi vào quy củ, ít bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực thì rất cần một sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương, góp phần làm bình yên một vùng quê đang phát triển từng ngày.
Thanh Phong