Nexus Q
Là phát kiến lớn nhất của Google được công bố cùng với Nexus 7 tại hội nghị Google I/O vào tháng 6 vừa qua, tuy nhiên, Nexus Q xứng đáng là “sao quả tạ” đối với “gã khổng lồ”. Nexus Q giống như một quả cầu được thiết kế để phát nhạc trực tiếp từ một chiếc smartphone Android hay một chiếc tablet. Nói một cách công bằng thì sản phẩm này cho ra chất lượng âm thanh khá tốt, song với chi phí lên tới 300 USD và không bao gồm thêm loa nhỏ thì quả thật Nexus Q không xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Hơn nữa, người dùng không thể kiểm soát Nexus Q với iOS, Windows Phone hay bất cứ phần mềm desktop nào khác. Khả năng hỗ trợ Android của Nexus Q cũng chỉ được giới hạn trong Ice Cream Sandwich và Jerry Bean, bạn cũng chỉ có thể nghe nhạc trên Google, Google Video và Youtube, thật đáng tiếc khi Nexus Q dường như đã “quên” đi việc sử dụng nội dung trên các ứng dụng của bên thứ 3.
Quả thật ý tưởng về Nexus Q thực sự là không tồi, nhưng có lẽ Google đã đi sai hướng khi phát triển sản phẩm này theo cách như vậy.
Chromebooks
Google và các đối tác sản xuất của mình cuối cùng cũng cho ra mắt chiếc Chromebook giá rẻ dưới 200 USD trong năm 2012 (Chromebook là máy tính xách tay chạy hệ điều hành dựa trên trình duyệt Chrome OS). Giới công nghệ đã được chứng kiến 3 chromebook ra đời liên tiếp trong năm 2012 này bao gồm: Acer C7 200 USD, Samsung Series 5 550 250 USD và một phiên bản khác của C7 giá 300 USD.
Tuy nhiên ngay cả khi giá cả đã dễ chịu hơn nhiều cũng không đủ để hướng sự chú ý của người tiêu dùng từ một chiếc tablet 7 inch giá 200 USD sang một chiếc máy tính xách tay khập khiễng. Sáng kiến Chromebook của “ông lớn” Google là một ý tưởng táo bạo, nhưng nếu không tìm kiếm thêm được những đột phá mới cho sản phẩm này, rất có thể Chromebook sẽ chỉ còn lại trên giấy tờ vào năm 2013.
Google Wallet
Đặc tính của con người là luôn luôn cảnh giác với những cái mới, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến quỹ tiền của họ. Google đã đi trước thời đại khi công bố ứng dụng ví điện tử Google Wallet của mình như một công cụ cho phép người dùng dễ dàng và an toàn hơn khi thanh toán. Tuy nhiên ứng dụng này cùng nền tảng giao tiếp tầm gần NFC đã khiến người hâm mộ phải thất vọng khi một số mối lo ngại về an ninh đã xuất hiện.
Vào đầu tháng hai năm nay, hãng bảo mật Zvelo tìm thấy một lỗ hổng có thể tiết lộ mã PIN bảo mật của người sử dụng Wallet khi họ sử dụng các smartphone Android đã root máy. Ngay sau đó, blog Smartphone Champ đã công bố một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hacker có thể thiết lập lại mã PIN của Google Wallet và đánh cắp tiền từ một thẻ trả trước ngay cả khi chiếc smartphone đó chưa từng root. Điều này đã giáng một đòn rất mạnh vào Google cũng như chiếc “ví điện tử” của họ, buộc Google phải tạm ngừng chức năng thẻ tín dụng trả trước của Wallet.
Search Plus Your World
Google bắt đầu áp dụng cách tìm kiếm “mang tính cá nhân” vào tháng 1 năm nay khi giới thiệu tới toàn bộ giới công nghệ một sản phẩm khá độc đáo: Search Plus Your World. Ứng dụng này là một giao diện tìm kiếm mới cho phép ưu tiên những kết quả có được từ việc khai thác những dữ liệu có sẵn trên Google+. Sản phẩm này đã làm xáo trộn mọi quy tắc thông thường. Những kết quả mà đáng lẽ ra phải được đứng đầu bảng theo đúng xếp hạng qua thuật toán PageRank của hãng thì nay đều phải nhường chỗ cho những kết quả đến từ mạng xã hội Google+.
Search Plus Your World chưa cập nhật tiếng Việt nên có thể nói ứng dụng này chưa hề ảnh hưởng gì đến cộng đồng mạng chúng ta lắm. Tuy nhiên ngay khi ra đời, ứng dụng đã bị lên án mạnh mẽ bởi những đối thủ cạnh tranh khác như Twitter, Facebook, Yelp… Đến thời điểm này thì Search Plus Your World vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như những gì mà Google và người hâm mộ mong đợi. Bên cạnh đó lại còn phải chịu sự chỉ trích khá gay gắt của những đối thủ, có lẽ cộng đồng công nghệ sẽ phải tiếp tục chờ đợi xem “ông lớn” sẽ làm những gì để phát triển sản phẩm này trong thời gian tới.
Jelly Bean 4.2
Trong tháng 11 năm nay Google đã rất hào hứng khi giới thiệu tới toàn bộ giới công nghệ bản nâng cấp tiếp theo của hệ điều hành Android: Android 4.2 – một phiên bản cập nhật của Jelly Bean. Tuy nhiên chưa kịp vui mừng bấy lâu thì Google như bị dội một gáo nước lạnh khi một nhóm người sử dụng Android đã post lên Google+ một đoạn status như sau: “Chúng tôi đã phát hiện ra một lỗi lầm ngớ ngẩn trong bản cập nhật Android 4.2, đó là bạn không thể cập nhật các sự kiện trong tháng 12 của ứng dụng People, đơn giản bởi vì tháng 12 đã hoàn toàn biến mất trong khung thời gian của ứng dụng này”.
Thật sự đây là một lỗi ngớ ngẩn không đáng có đến từ một “đại gia” như Google. Và lỗi lầm này đã ngay lập tức được sửa sai trong phiên bản cập nhật Android 4.2.1 sau đó.
Sự phân mảnh hệ điều hành Android
Ngay từ ngày đầu ra mắt, nền tảng Android của Google đã bị nhiều người nhận xét là quá phân mảnh và rời rạc. Họ cho rằng sự thiếu thống nhất này sẽ gây khó khăn cho các nhà phát triển ứng dụng - người quyết định sự phát triển của một hệ điều hành. Thực tế qua gần 3 năm, Android hiện đã trở thành nền tảng di động đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi trở lại với vấn đề phân mảnh, đa số các nhà phát triển vẫn cho rằng đây là một trở ngại đối với họ.
Thật vậy, theo số liệu trên trang web của nhà phát triển Google trong tháng 12, thì vẫn có đến gần 50% người dùng vẫn còn đang chạy hệ điều hành Android 2.3 – được biết đến với cái tên Gingerbread – hệ điều hành đã tròn 2 năm tuổi. Vấn đề của sự phân mảnh hệ điều hành đã được phản ánh khá nhiều trong năm 2011, và sau một năm cộng đồng công nghệ vẫn chưa thấy được sự khả quan đối với vấn đề này. Các nhà đứng đầu Google có lẽ phải thực sự quan tâm tới tồn tại này nếu họ không muốn đánh mất thị phần mà khó khăn lắm mới lấy được vào tay kẻ khác.
Google ActiveSync
Trong tháng 12 năm nay, Google đã đưa ra thông báo khá "sốc" cho người dùng. Những người sử dụng dịch vụ Gmail miễn phí của hãng sẽ mất khả năng sử dụng Exchange ActiveSync để có thể đồng bộ hóa Calendar, Gmail và các địa chỉ liên lạc trên các thiết bị mới. Lí giải cho điều này, Google cho biết sự thay đổi bắt nguồn từ việc hãng đã tìm ra cách sử dụng các giao thức mở để cho ra kết quả tương tự. Điều đáng nói là dường như kết quả của việc này lại phụ thuộc phần lớn vào Microsoft – tác giả của Exchange ActiveSync. Và cho đến giờ phút này thì cộng đồng công nghệ vẫn phải “dài cổ chờ đợi” sản phẩm mới đến từ “ông lớn” Google đủ khả năng để thay thế cho những tiện ích mà Exchange ActiveSync đã cung cấp cho người dùng.
Cũng trong năm 2012 này, Google đã phải đối diện với rất nhiều vụ kiện lớn nhỏ đến từ các đối thủ về các vấn đề liên quan tới bằng sáng chế hay các chính sách bảo mật của Google.
Kết luận
Google đang đứng trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp kể từ khi được thành lập vào năm 1997 cho đến nay. Để có được thành công này các nhà đứng đầu và các nhân viên của Google cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn và thất bại. Đó chính là định luật của cuộc sống. Theo sát hành trình phát triển của công ty này, cộng đồng mạng chúng ta và đặc biệt là những người hâm mộ Google hãy cùng chờ xem những gì mà “ông lớn” sẽ mang đến cho thế giới công nghệ trong thời gian sắp tới.
Theo
GenK