Bỏ tuyển thẳng để theo ước mơ luật sư
Đạt giải Ba quốc gia môn Sử, được tuyển thẳng vào Trường ĐH KHXH&NV HN (ĐH QG Hà Nội) nhưng cô trò nghèo Ngô Thị Phúc vẫn quyết tâm thi vào ngành Luật (Trường ĐH Luật Hà Nội) với ước mơ "học để thoát nghèo".
Sinh ra trong khó khăn, Phúc chẳng nề hà việc đồng áng giúp gia đình. Học lớp chuyên Sử-Địa ở trường THPT Chuyên Bắc Giang (Bắc Giang), ngày ngày em đạp xe hơn 15km từ nhà đến trường rồi lại quay về. Năm lớp 11, khi chuẩn bị đi thi quốc gia môn Sử em vẫn tranh thủ đi cấy giúp mẹ.
Ngô Thị Phúc cùng mẹ
Lớp 8 em đạt giải Nhì môn Sử kỳ thi HSG huyện. Lên lớp 9 em đạt giải Ba môn Sinh và Văn của huyện. Hai năm lớp 11, 12 em đều đạt giải Ba HSG QG môn Sử.
Với thành tích đó, theo quy định, Phúc nộp hồ sơ tuyển thẳng vào ngành Sử, trường ĐH KHXH&NV HN (ĐH QG Hà Nội). Dù vậy, ước mơ trở thành luật sư giỏi, giúp được nhiều người nghèo vẫn thôi thúc Phúc đăng ký thi vào ngành Luật (Trường ĐH Luật Hà Nội).
Từ chối tuyển thẳng, nữ sinh chống nạng tự đi thi
Đó là một trường hợp của thí sinh Lê Thị Loan (THPT Mỹ Đức A, Hà Nội) dự thi vào khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Bách khoa HN. Loan cho biết sáng 3/7, em mới cùng mẹ từ quê lên thẳng trường để làm thủ tục dự thi và trọ tại ký túc xá ĐH Bách khoa. Bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ ở chân nên Loan đi lại khá khó khăn và thường xuyên phải chống nạng.
Gia đình Loan khá khó khăn bởi mẹ làm nông nghiệp, bố đi phu hồ. Vì vậy, Loan rất quyết tâm đỗ đại học để thay đổi cuộc đời.
Lê Thị Loan chống nạng đi thi
Mặc dù thuộc diện được ưu tiên xét tuyển, nhưng cô gái này vẫn muốn đi thi để chứng tỏ khả năng của mình. Được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua Loan đạt 43,5 điểm. Trong đó, các môn khối A em đều đạt điểm cao (Toán 9,5; Hóa 10).
Chú tiểu được tuyển thẳng vẫn đi thi
Đó là chú tiểu Tăng Đức đang tu tại chùa Pháp Bảo (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2012-2013, Đức giành giải ba môn địa lý và được đặc cách vào đại học các trường khối C.
Tuy nhiên Đức từ chối quyền lợi này để thi vào khối D, ngành cử nhân tiếng Anh trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). “Mình muốn du khách quốc tế đến cửa Phật sẽ hiểu hơn về đất nước mình, người dân mình”- Đức bộc bạch.
Chú tiểu Tăng Đức cùng cha đi làm thủ tục dự thi
Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 năm học 2012-2013, Đức giành giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý và “ẵm” luôn giải ba cấp quốc gia. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tăng Đức cũng là thủ khoa trường THPT Trần Quý Cáp (TP Hội An) với 56 điểm, đứng thứ ba trong toàn tỉnh Quảng Nam.
“Đi thi học sinh giỏi thời gian chuẩn bị không nhiều, lại phải gánh trên vai trách nhiệm đại diện trường lớp nên mình khá căng thẳng. Còn kỳ thi đại học mình chuẩn bị từ nhiều năm nay”- Đức nói.
Theo Đức: “Cấp III em chọn học toán, văn, tiếng Anh để đi thi đại học nên muốn biết cảm giác thi đại học và cũng là thử thách với mình”.
Những thí sinh khiếm thị từ chối cơ hội tuyển thẳng ĐH
Dù được quyền ưu tiên tuyển thẳng dành cho người khuyết tật nhưng Võ Văn Nhật (SN 1995, ngụ ở đường Võ Như Hưng, TP. Đà Nẵng) đã xin được thi để "thử sức" mình.
Theo thông tin từ hội đồng tuyển sinh trường Đại học Đà Nẵng, trong số hơn 40.000 hồ sơ đăng kí dự thi tuyển sinh vào Đại học Đà Nẵng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 thì trường hợp của em Võ Văn Nhật là thí sinh duy nhất bị mù hoàn toàn.
Chính vì vậy, hội đồng tuyển sinh của trường quyết định mở một phòng thi "đặc biệt" cho thí sinh "đặc biệt" này tại điểm thi trường Đại học Đông Á, đồng thời mời các thầy cô tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu về dịch bài thi của em từ chữ Braille sang chữ viết bình thường.
Võ Văn Nhật
Nhật đăng ký ngành học Quản trị kinh doanh tổng quát của trường đại học Kinh tế để có được nền tảng kiến thức vững chắc cho ý định mở một công ty nho nhỏ sau này. Sau đó là giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh như mình mà không may mắn được đi học tiếp.
Ước mơ trở thành nhà báo thôi thúc cô gái khiếm thị Lê Thị Trang vượt lên chính mình để thực hiện hoài bão cuộc đời. Mặc dù đã được trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng vào khoa Tâm lý sư phạm nhưng mơ ước trở thành một nhà báo luôn thôi thúc em trong cuộc hành trình vượt lên chính mình để thực hiện hoài bão của cuộc đời.
Lê Thị Trang
Đến chiều 8/7, Trang được cô Nguyễn Thị Quế Hương, hiệu phó trường trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, thông báo đã được tuyển thẳng vào khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Đã có tên trong danh sách vào 2 trường đại học, nhưng ngày mai 9/7, cô bé khiếm thị với ước mơ cháy bỏng sẽ trở thành nhà báo sẽ có mặt trong kỳ thi tuyển đại học đợt 2 khối D1 để thử sức mình.
Bảo Linh (Tổng hợp)