Chàng trai "hộ lý" đặc biệt
Những ngày tháng sống trong đại dịch Covid-19 hẳn sẽ trở thành những hồi ức vĩnh viễn trong tâm trí của mỗi người, đặc biệt với bệnh nhân vừa chiến thắng tử thần, Hà Ngọc Trường.
Trường nhiễm Covid-19 trong một lần đi mua cà phê. Cả nhà anh gồm người em trai sinh đôi, em dâu và bố mẹ đều dương tính, nhập viện điều trị ở những bệnh viện khác nhau.
Trong những ngày điều trị, các thành viên trong gia đình Trường có chuyển biến tích cực, nhưng mẹ anh đã không qua khỏi. Mẹ ra đi để lại trong trái tim người đàn ông mạnh mẽ một vết cắt sâu không bao giờ lành.
Trong những ngày đầu, Trường cảm giác người mất sức, mất hoàn toàn vị giác, ho nhiều, khó thở, sốt triền miên. Bệnh tình trở nặng, Trường được đưa đến phòng ICU để thở máy. Gần 10 ngày sau, như 1 sự thần kỳ, Trường đã chiến thắng tử thần để hồi sinh và được điều chuyển về bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Trường tâm sự với Vietnamnet: "Hơn 1 tháng qua, tôi không được gặp mẹ vì mẹ đang phải điều trị bệnh. Rồi mẹ tôi ra đi… Tôi phải chấp nhận sự thật ấy dù rất đau đớn. Tôi chỉ mong mẹ thấy được công việc của tôi đang làm và yên nghỉ. Kiếp sau, tôi vẫn muốn được làm con của mẹ".
Quyết không gục ngã, Trường biến nỗi đau thành sức mạnh để đưa ra quyết định khiến ai cũng bất ngờ: Ở lại bệnh viện dã chiến quyết cùng người bệnh giật lại sự sống từ Covid-19.
Sau khi các xét nghiệm của Trường đều âm tính, anh xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, sau đó tự lên kế hoạch hàng ngày cho mình.
Hàng ngày, Trường đưa nước uống, phần ăn đến từng bệnh nhân, chăm sóc người bệnh, dọn dẹp bệnh viện. Trường được bố trí ở riêng một phòng nhỏ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, phương tiện bảo hộ luôn đầy đủ.
BS.Tô Lê Hưng trực tiếp điều trị các bệnh nhân trong phòng cấp cứu ở bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, nhớ lại thời điểm điều trị cho Trường. Ông chia sẻ với Sức khỏe Đời sống: "Người được cai máy thở, điều trị khỏi như Hà Ngọc Trường rồi xin ở lại cũng đỡ đần cho chúng tôi nhiều việc. Chúng tôi huấn luyện cho Trường kỹ các quy định bảo hộ. Rồi cách phản xạ nhanh trong việc đẩy máy móc, bình oxy vào phòng cấp cứu. Thực tế, ở đây lúc nào cũng có 130-140 bệnh nhân thở oxy, có người nặng (trong tổng số 500 giường bệnh nặng, phải hồi sức). Mỗi bác sĩ phải lo cho rất nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ khác".
Xung quanh chúng ta, thấp thoáng những người không mang trên lưng đôi cánh nhưng vẫn được gọi là thiên thần.
Thiên thần giữa trần gian
Cơn sóng thần Covid-19 đổ bổ lần thứ 4, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn đang ra sức chống trọi bởi biến thể mới khôn lường mang tên Delta. Chúng ta đang phải đối mặt với thực tế: Mỗi ngày có cả ngàn ca nhiễm mới!
Sài Gòn đáng thương vẫn đang "sốt" âm ỉ, lực lượng y tế quá tải, các bệnh viện kín giường, số lượng ca nhiễm F0 mỗi lúc một tăng, đội ngũ y bác sĩ đã tận hiến 200% sức chiến đấu của bản thân mà dường như còn chưa đủ.
Trận chiến Covid-19 còn kéo dài, không ai nắm giữ được vận mệnh của chính mình ở trong tâm dịch, và cũng không ai dám nói trước tương lai mình liệu có may mắn là người khỏe mạnh nhất hay không.
Ngay khi Sài Gòn "đổ bệnh", lập tức hơn 6.000 y bác sĩ trên khắp cả nước được huy động lên đường dập dịch... Và tới nay, vẫn còn rất rất nhiều nhân viên y tế "giành" nhau để lên đường vào tâm Covid-19 dù họ đều xác định đã đi là khả năng lây nhiễm rất cao.
Có đôi bạn trẻ - những bác sĩ tương lai Hương Ngân, Trí Dũng ở Tp.HCM tình nguyện đứng vào đội ngũ chống dịch tham gia hỗ trợ tiêm vắc-xin và lấy mẫu xét nghiệm. Cùng cảnh xa gia đình, đôi bạn trẻ trò chuyện, động viên nhau mỗi ngày để cùng vượt qua thời gian khó khăn, và tình cảm đôi lứa đến như 1 cái duyên trời định.
Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều chốt trực thức trắng đêm thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh các lực lượng khác, các bạn đoàn viên thanh niên tham gia trực chốt với tinh thần cao nhất để đảm bảo công tác phòng dịch, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 với hàng trăm điểm tiêm cố định và lưu động. Rất nhiều bạn là sinh viên xung phong hỗ trợ công tác này, giảm áp lực, vất vả cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu.
Và còn nhiều lắm những câu chuyện dễ thương, ngọt ngào khiến cơn sóng dữ trong dịch bệnh như êm đềm hơn.
Gần 1 tháng trời, đường phố 2 nơi nhuộm màu buồn bã, chẳng mấy ai quen với Sài Gòn nhộn nhịp bỗng hóa lặng thinh, cũng không mấy ai vui khi Hà Nội lúc lên đèn hay tắt rạng đều là sự im lặng.
Sài Gòn chưa khỏi, Hà Nội cũng đang "đổ bệnh", chẳng thể ghét mà chỉ có thương, bởi người thương người nên vì nhau mà sống, nhìn nhau mà truyền động lực qua ánh mắt hiền.
Min (Tổng hợp từ SK-ĐS/Vietnamnet/Zing)