Không dám mạo phạm nơi “tử địa”
Càng về sau, câu chuyện của ông Tám Phước càng khiến chúng tôi cảm thấy tò mò. Như thể được gãi vào đúng “chỗ ngứa”, ông Tám cứ liên miệng nói về những lần đụng độ rắn hổ mây. Ông lão bảo đã gần 5 năm qua, không ai còn hỏi ông nhiều về rắn hổ mây nữa. Trước đây, nhiều người nghe ông nói đến mãng xà khổng lồ thì cười ha hả, như thể ông đang nói dóc vậy hay kể về một câu chuyện đầy huyễn hoặc. Tự ái, ông Tám đành phải giấu biệt những câu chuyện và khắc vào trí nhớ của mình. Chẳng thế mà, nay có người hỏi chuyện về loài rắn kịch độc, ông Tám cứ thế nói không ngớt lời.
Khi chúng tôi hỏi ở Phú Quốc, ngoài ông có còn ai đã đụng độ với rắn hổ mây, Tám Phước lặng thinh một hồi lâu, lục lại trong quá khứ của mình rồi kể: “Hơn chục năm trước, ở xã An Thới có người thợ săn tên Trường, nổi tiếng là sát thú. Anh ta có biệt tài bắn súng bách phát bách trúng. Tôi nhớ hôm ấy là một ngày mùa đông năm 2000. Khi tôi đang ở nhà sấy lại hạt tiêu thì nghe người dân kháo nhau rằng anh Trường gặp phải rắn hổ mây khổng lồ. Lập tức, tôi nhờ thằng cháu chạy xe Honda chở vào khu vực gần Vườn quốc gia Phú Quốc xem sự thể ra sao. Lúc tôi đến nơi cũng là khi anh Trường đã trấn tĩnh trở lại. Nhìn vào ánh mắt, tôi đoán rằng anh ta đã phải trải qua giây phút kinh hoàng. Đối với một người thợ săn, khi đã vác súng vào rừng, họ phải xác định sẽ gặp rủi ro. Thậm chí, có thể phải bỏ lại tính mạng ở chốn thâm sơn cùng cốc. Liều lĩnh là vậy nhưng khi nói đến rắn hổ mây, bất cứ thợ săn nào cũng phải giật thót mình, lo sợ”.
Sau khi lấy lại “phần hồn” đã “bỏ quên” ở rừng, anh Trường kể lại với mọi người rằng, sáng sớm hôm đó, cũng như mọi ngày, anh khăn gói, cơm nắm, dắt chó săn vào rừng định kiếm một vài con thú về đổi gạo ăn. Tuy nhiên, vừa đi được nửa giờ đồng hồ, anh bỗng nghe tiếng phì phì ở trong một tán cây. Con chó săn bình thường dũng mãnh là thế, nay sủa ầm ĩ một lúc rồi cúp đuôi chạy núp sau lưng chủ. Tưởng gặp hổ dữ, anh Trường vừa giương súng vừa lùi lại phía sau. Bỗng nhiên, trong lùm cây rậm rạp lao ra một con vật thân to bằng cái phích nước, dài đến hàng mét, màu vàng mốc. Người thợ săn này bắn mấy phát rồi cắm đầu chạy một mạch hướng về phía bìa rừng. Di chuyển được hơn trăm mét, anh nghe thấy tiếng kêu ăng ẳng của con chó săn của mình phía sau.
Khi thấy anh Trường mặt tái xanh, chạy ra từ cánh rừng già, nhiều người liền mang theo súng, kiếm đi lùng con “quái thú”. Tuy nhiên, khi đi đến nơi mà anh Trường miêu tả đã gặp hổ mây người ta chỉ thấy còn vương lại máu và một chút lông chó. “Từ khi bị mất con chó và hụt chết, anh Trường bỏ nghề đi săn. Đau lòng vì mất chó săn trung thành, con vật đã thí mạng để cứu mình, anh ta thề không bao giờ động đũa đến miếng thịt chó nữa. Nghe người ta kháo, Trường giờ chuyển sang làm công nhân chế biến thủy sản đông lạnh”, ông Tám Phước chia sẻ.
> Hãy cùng chung tay hành động vì một Việt Nam xanh
Ly kỳ trận chiến giữa mãng xà và đàn “siêu khuyển”
Có lẽ, đến Phú Quốc, câu chuyện đầu tiên mà các vị khách lạ mặt được người bản địa kể đó là trận chiến giữa 6 chú chó Phú Quốc và con rắn khổng lồ ở suối Tranh. Đây như một “món đặc sản” mà người dân đảo ngọc “thết đãi” người ở xa mới đến. Mặc dù rắn hổ mây là nỗi ám ảnh thường trực, nhưng người dân sống tại Phú Quốc cũng cảm thấy an tâm hơn vì sự xuất hiện của chó xoáy. Theo lời ông Tám Phước, trận “thư hùng” giữa chó xoáy và “mãng xà” diễn ra đã cách đây cả mấy chục năm. Ngày ấy, đảo ngọc Phú Quốc vẫn còn nhiều rắn độc và không ít người mưu sinh bằng nghề bắt rắn. Tuy nhiên, đối với những người liều lĩnh và thiện nghệ nhất, họ cũng chỉ dám bắt rắn hổ mang, cạp nia… chứ cứ nghe thấy bóng dáng của hổ mây là tìm cách rút cho nhanh.
Nhấp một hớp cà phê đen kịt, đắng ngắt, ông Tám kể lại: “Câu chuyện này, tôi cũng chỉ được nghe chứ không tận mắt chứng kiến. Ngày ấy, có một người dẫn đàn chó xoáy vào rừng đi săn. Sáu con chó xoáy của ông ta được đào tạo bài bản nên rất khôn và chuyên nghiệp. Chúng có thể tự săn và tha con mồi về cho chủ. Khi đàn chó săn đi đến suối Tranh, bỗng nhiên cả 6 con dừng lại sủa inh ỏi, gầm gừ liên hồi. Đoán rằng đàn chó có thể gặp rắn độc hoặc thú dữ, người thợ săn mới vác súng ra yểm trợ. Đến nơi, giữa bãi đất trống, ông ta dõi mắt theo hướng chó sủa thì bỗng nhiên khựng người lại. Trước mắt thợ săn là con “quái thú” thân to bằng cái phích, màu nâu xám, như sợi dây leo quấn quanh một chiếc cây lớn. Con rắn dựng đứng người vươn lên cao, hai mắt trồi ra nhìn đàn chó là liên tục thè lè lưỡi dọa giẫm. Mấy chú chó chỉ dám đứng xung quanh sủa chứ không dám lại gần con mãng xà.
Biết “vô phúc” gặp phải rắn hổ mây, người thợ săn liền chạy về nhà gọi thêm nhiều người khác mang dao, rựa đến thu phục “quái thú”. Bên cạnh đó, biết rằng mấy chú chó sẽ gặp nguy hiểm, người này còn mang theo thuốc men, thuốc giải độc để dự phòng. Sau gần nửa tiếng băng rừng vào chỗ cũ, họ không còn thấy con mãng xà nữa. Lúc này, mấy chú chó vẫn đang đánh hơi truy tìm bằng được rắn hổ mây. Ít phút sau, con chó tên Vàng tiến đến một thân cây gỗ mục gần đó sủa báo hiệu. Ngay lập tức, con rắn lao ra định tấn công mấy chú chó để tìm đường bỏ chạy. Mấy người dân mặc dù có dao, nỏ trong tay nhưng thấy con rắn quá lớn không dám lao vào giết. Họ đứng từ xa nhìn đàn chó quần thảo con rắn hổ mây khổng lồ.
Ông Tám bảo: “Tôi nghe người ta nói rằng, đàn chó săn rất khôn, chúng tấn công con rắn có bài hẳn hoi. Lúc mới nhập trận, hai con luôn đứng trước mặt để dụ con rắn. Ở đằng sau, những chú chó còn lại sẽ thi nhau nhằm vào xương sống con rắn mà cắn. Sau hơn 30 phút, con rắn đã chết do bị gãy lưng. Khi thấy hổ mây nằm im bất động, người thợ săn mới quát đàn chó dừng lại. Tuy nhiên, chỉ bốn con chó nhanh nhảu chạy về bên chủ. Hai con còn lại nằm gần con “mãng xà” cố gắng quẫy đuôi như để chào chủ một lần cuối. Do dính nọc độc của hổ mây khổng lồ, hai chú chó đã “tử trận”.