Hiện nay, test nhanh SARS-CoV-2 là phương pháp rất dễ thực hiện, cho kết quả nhanh để phát hiện người mắc Covid-19. Bởi vậy, có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test. Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí.
Ngàu 2/3, báo Giáo dục & Thời đại đưa tin, theo các chuyên gia dịch tễ, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.
Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh.
Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.
Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.
Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phân tích, nhiều trường hợp vừa tiếp xúc với F0 buổi sáng đến buổi chiều đã test Covid-19 thì không giải quyết được việc gì mà gây tốn kém.
Ông Tuấn khuyến cáo, ít nhất phải 2 ngày sau khi tiếp xúc gần với F0 test mới có thể cho kết quả dương tính. Nếu xét nghiệm lần đầu âm tính thì tối thiểu phải 2-3 ngày sau mới test lần 2.
Liên quan đến vấn đề test nhanh kháng nguyên vẫn có thể cho ra kết quả dương tính giả, gây lo lắng. Thậm chí, với kết quả đó, một số người sẽ tự mua thuốc điều trị, gây hại đến sức khỏe.
Theo Vietnamnet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM cho rằng, chỉ khi nào có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ, bạn mới cần thực hiện test nhanh.
Khi test nhanh hiển thị 2 vạch bên cạnh chữ C và chữ T, nghĩa là mẫu bệnh phẩm dương tính. Nếu chỉ hiển thị 1 vạch bên cạnh chữ C, nghĩa là âm tính. Với nhiều loại que test khác nhau, màu hiển thị của vạch có thể là đỏ, xanh, hoặc đen. Tuy nhiên, ý nghĩa không thay đổi.
Trong một số trường hợp, vạch ở chữ T không rõ ràng, mờ, nhạt, khiến người dân lo lắng, không chắc chắn về độ chính xác. Nhiều mẫu test còn bị nhòe ở vùng hiển thị, cũng không thể xác định kết quả âm hay dương tính.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người dân nên mua các loại test nhanh kháng nguyên nằm trong danh sách công bố của Bộ Y tế. Đồng thời, thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi lấy mẫu, tùy theo mỗi bộ kit test sẽ phải thực hiện lấy mẫu dịch tỵ hầu hoặc dịch mũi. Dịch tỵ hầu và dịch mũi có thao tác lấy mẫu khác nhau, độ sâu của que thử cũng khác nhau. Do đó việc đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì bộ kit test rất quan trọng.
Người dân cần lưu ý, khi nhỏ dung dịch chứa mẫu bệnh phẩm vào khay đựng, phải đặt trên mặt phẳng, không lắc nghiêng, không sốt ruột và tác động đến mẫu test.
Mẫu test nhanh phải chờ đủ thời gian để cho kết quả đúng. Thời gian này được ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng của mỗi bộ kit test khác nhau, thông thường từ 15-30 phút. Nếu 2 vạch xuất hiện sau khung thời gian trên bao bì hướng dẫn, rất có thể là dương tính giả.
Bên cạnh đó, điều kiện bảo quản mẫu, nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm cũng ảnh hưởng đến độ nhạy của xét nghiệm nhanh.
Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp, khay thử không hiện cả vạch C và T, hoặc chỉ hiện vạch T thì kết quả này không có giá trị. Lúc này, người dân phải thực hiện lại xét nghiệm nhanh theo đúng hướng dẫn hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được hỗ trợ.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM cũng khuyến cáo, người dân cần lưu ý: test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 thường có nhiệt độ bảo quản từ 2 - 30 độ C.
Khi sử dụng test tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng, tuyệt đối không sử dụng bộ kit test đã hết hạn. Nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Quốc Tiệp (t/h)