Gần đây, nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi đến thăm khám với những dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Điều này khiến những người bệnh không khỏi bất ngờ vì bệnh thường không có biểu hiện rõ rệt.
Theo chuyên gia, suy thận mạn thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn vì các triệu chứng diễn ra âm thầm. Người bệnh thường chủ quan bỏ qua những dấu hiệu hoặc dần thích nghi. Có rất ít người bệnh phát hiện ra suy thận ở giai đoạn sớm.
Dưới đây là những thói quen gây suy thận ở người trẻ được chuyên gia phân tích:
Lạm dụng thuốc giảm đau: Nhiều người có thói quen hễ nhức đầu sổ mũi là tự mua thuốc giảm đau về uống mà không biết rằng điều này có thể làm hỏng thận. Có tới 3 - 5% trường hợp suy thận mạn tính mới mỗi năm do lạm dụng thuốc giảm đau.
Sử dụng lâu dài, đặc biệt ở liều cao, có tác dụng có hại cho mô và cấu trúc thận. Những loại thuốc này cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận.
Hút thuốc: Những người hút thuốc có nhiều khả năng có protein trong nước tiểu, đây là dấu hiệu của tổn thương thận. Họ cũng có nhiều khả năng phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Ăn quá nhiều muối: Chế độ ăn nhiều natri làm tăng huyết áp. Huyết áp cao làm tổn thương thận theo thời gian và là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.
Tiêu thụ nhiều nước ngọt và đồ chế biến sẵn: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống 2 lon nước ngọt trở lên mỗi ngày làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.
Thực phẩm chế biến sẵn là kho chứa natri và phốt pho, có thể dẫn đến bệnh thận.
Ăn quá nhiều đạm: Protein rất cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng nếu thận yếu, ăn quá nhiều đạm có thể khiến thận quá tải.
Không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận. Khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường không biết mình mắc bệnh tiểu đường.
Khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường bị tổn thương thận, nhưng điều này có thể được ngăn ngừa hoặc hạn chế nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt.
Chủ quan với huyết áp cao: Huyết áp cao có thể làm co và thu hẹp các mạch máu trong thận, làm giảm lưu lượng máu và khiến thận không thể hoạt động tốt.
Lười uống nước: Mất nước, đặc biệt là mất nước mạn tính, có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận và ảnh hưởng đến chức năng thận. Mất nước cũng gây rối loạn chức năng thận cấp tính.
Liên tục tập luyện quá sức: Điều này có thể gây ra tiêu cơ vân, thải các chất vào máu làm tổn thương thận và khiến thận bị hỏng. Đừng đột ngột tăng cường độ tập luyện lên cao. Tránh tập luyện trong nhiệt độ và độ ẩm cao. Hãy đi khám nếu bị đau cơ và nước tiểu có màu sẫm.
Hãy kiểm tra chức năng thận nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố "nguy cơ cao": tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh thận.
Căng thẳng, stress: Những người trẻ tuổi do áp lực công việc, cuộc sống thường làm việc quá sức không có thời gian nghỉ ngơi. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ suy thận gia tăng.
Đặc biệt khi căng thẳng, stress mọi người thường tìm đến các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… để giải tỏa tâm trạng gây hại rất nhiều cho sức khỏe.
Sử dụng thực phẩm chức năng bừa bãi: Không chỉ thực phẩm chức năng mà việc sử dụng thuốc bừa bãi, không rõ nguồn gốc mà không có chỉ định của bác sĩ là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh lý như suy gan, suy thận… Trong đó thường gặp nhất là sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau…
Không thăm khám sức khỏe định kỳ: Những người trẻ thường chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể và ít quan tâm đến sức khỏe. Việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể cũng như các bệnh lý như suy thận.
Biểu hiện của suy thận:
Do tâm lý chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo suy thận nên người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muốn.
Vậy người bệnh cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo suy thận liên quan đến các chức năng chính của thận là: đào thải chất độc, đào thải nước và sản xuất một số nội tiết tố.
Chức năng thận bị suy giảm có thể gây ra các biểu hiện: Độc tố tích tụ khiến cơ thể mệt mỏi (có thể xuất hiện thoáng qua), chán ăn, suy nhược cơ thể, khó tập trung, khó ngủ, nôn hoặc buồn nôn.
Đau đầu, chóng mặt, suy nhược do thiếu máu. Bởi thận sản xuất ra erythropoietin- một chất kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu. Khi thận suy yếu sẽ không sản xuất đủ erythropoietin gây ra các triệu chứng trên.
Mất cân bằng điện giải, khoáng chất khiến dễ bị chuột rút, da khô, ngứa ngoài da. Nước tiểu có bọt, tiểu ra máu.
Giảm khả năng tình dục: Giai đoạn nặng có thể xuất hiện phù thậm chí phù toàn thân, ấn lõm trên nền cứng (mắt cá chân, mặt trước cẳng chân), khó thở, tức ngực.
Bệnh suy thận không thể điều trị khỏi hoàn toàn, do vậy việc phát hiện sớm có ảnh hưởng lớn để hiệu quả điều trị.
Khi đã mắc bệnh ở giai đoạn cuối, thời gian sống của người bệnh cần phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: bệnh lý nền đi kèm, thể trạng, khả năng đáp ứng điều trị…
Duy Huy (Tổng hợp)