1. Đeo đồng hồ khi đang chơi thể thao
Chơi thể thao hoặc hoạt động mạnh sẽ khiến cho đồng hồ gặp rung lắc mạnh, ảnh hưởng tới cơ chế hoạt động của máy móc bên trong.
Nếu bạn liên tục sử dụng đồng hồ trong tình trạng này sẽ dẫn đến việc sai số ngày càng lớn. Đồng hồ có thể không chết ngay, nhưng bạn sẽ không muốn thường xuyên phải chỉnh lại giờ hoặc gặp phải những sự cố do sai lệch thời gian mà ra.
Các loại đồng hồ cơ có khả năng chịu chấn động khá kém, vì vậy người dùng nên đặc biệt lưu ý, khi hoạt động thể thao, tốt nhất hãy tháo nó ra. Với các loại đồng hồ điện tử hoặc đồng hồ được thiết kế riêng cho thể thao thì việc này khá ổn nhưng không nên lạm dụng.
2. Điều chỉnh lịch vào thời gian cấm
Không nên điều chỉnh lịch của đồng hồ vào các khoảng thời gian lịch tự động nhảy. Việc này sẽ làm cho đồng hồ của bạn gặp sai số nhiều hơn. Nếu việc điều chỉnh này diễn ra thường xuyên, đồng hồ sẽ dễ bị loạn, đặc biệt với đồng hồ pin.
Tùy vào thương hiệu, cấu tạo máy mà thời gian cấm của các loại đồng hồ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, lời khuyên tốt nhất, nếu bạn cần điều chỉnh lịch ngày, thứ của đồng hồ, nên căn khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 11 giờ sáng.
3. Khám phá trên mức cần thiết
Điều này thường diễn ra với những người mới mua đồng hồ. Họ thường mò mẫm nghiên cứu để tìm hiểu về cơ chế hoạt động của máy. Tuy nhiên, đôi khi vì không có những kiến thức cơ bản trước, họ dùng đồng thời nhiều chức năng khiến đồng hồ rơi vào tình trạng bị loạn, đặc biệt với những mẫu đồng hồ đa năng.
Cấm kỵ việc vừa kéo núm điều chỉnh và bấm các loại nút khác (trong đồng hồ kim) hoặc điều chỉnh, bấm loạn các chế độ (trong đồng hồ số). Nếu bạn có thói quen như vậy với đồng hồ thì tốt nhất nên dừng lại ngay. Nhiều khi, vọc đồng hồ xong, nó bị đứng, lỗi trong một khoảng thời gian nhất định rồi lại chạy bình thường không có nghĩa là nó đã hoàn toàn ổn. Đồng hồ cũng như con người, bạn không thể bắt nó một tay vẽ hình tròn, một tay vẽ hình vuông cùng một lúc được.
Muốn hiểu về đồng hồ của mình, tốt nhất bạn hãy đọc kỹ trong quyển hướng dẫn sử dụng trước nhé. Nếu không, hãy liên hệ với các trung tâm dịch vụ chính hãng, đại lý, cửa hàng để hỏi thêm khi cần thiết.
4. Lên dây cót, điều chỉnh đồng hồ khi đang đeo
Việc làm này sẽ vô tình làm sai lệch góc độ vặn núm của đồng hồ khiến núm bị cong vênh dần theo tư thế của bạn. Lâu dần, múm đồng hồ cong hẳn, lúc này việc điều chỉnh sẽ là cực hình với bạn và là bệnh khó chữa với đồng hồ.
Không những thế, điều chỉnh đồng hồ khi đang đeo cũng làm tư thế núm có xu hướng bị kéo ra ngoài. Đặc biệt khi bạn vừa đi vừa điều chỉnh, việc vặn dây cót quá đà sẽ là điều dễ hiểu.
5. Điều chỉnh đồng hồ khi ở dưới nước
Trừ các loại đồng hồ được thiết kế đặc biệt thì việc bạn điều chỉnh đồng hồ dưới nước sẽ làm xuất hiện các khe hở ở vị trí bấm nút, vặn múm. Nước sẽ dễ dàng lọt vào đồng hồ của bạn. Nhẹ thì đồng hồ sẽ bị rỉ sét ít lâu sau đó, nặng thì nó sẽ chết ngay tức khắc.
Tốt nhất, nếu đồng hồ của bạn không phải loại được thiết kế điều chỉnh được dưới nước, hãy chỉ để nó sử dụng ở trên bờ mà thôi.
6. Ép đồng hồ tự động nạp năng lượng
Đồng hồ được thiết kế tự động nạp năng lượng khi tay chuyển động tự nhiên nhưng nhiều người lại nghĩ rằng lắc mạnh tay đeo đồng hồ hoặc cầm và lắc liên tục có thể nạp thêm năng lượng cho đồng hồ nhanh hơn. Như trên đã nói, đa số các loại đồng hồ cơ đều có khả năng chịu chấn động kém. Việc lắc mạnh có thể dẫn đến những sai số và ảnh hưởng đến máy móc bên trong.
Với đồng hồ dây cót, nhiều người lại lạm dụng quá nhiều, kể cả khi đồng hồ đang hoạt động tốt mà không biết rằng đang làm nó phải hoạt động mệt hơn, tiến dần đến sự rệu rã và chết nhanh hơn.
Hãy sử dụng đồng hồ đúng cách và thuận theo quy luật của nó. Hãy chỉ lên dây cót đồng hồ khi cần thiết khi nó dừng hoạt động là tốt nhất.
7. Coi thường các hư hỏng nhẹ
Kính nứt, vỡ, núm điều chỉnh, nút bấm bị cong vênh, nếu bạn không kịp thời sửa chữa, nó sẽ ngày càng nặng hơn. Đặc biệt, nếu gặp các yếu tố bên ngoài tác động vào như nước, bụi sẽ khiến nó có nguy cơ chết bất thình lình.
8. Để đồng hồ gần đồ điện tử có nhiều từ trường
Để gần đồng hồ cạnh những thiết bị như máy tính, tủ lạnh, lò vi sóng,… sẽ khiến nó bị nhiễm từ. Với đồng hồ cơ, đây sẽ là một vấn đề sống còn. Khi bị nhiễm từ nặng, việc khắc phục nhiễm từ sẽ khá đau đầu với người dùng.
Nếu làm việc với máy tính từ 2 giờ đồng hồ trở lên, bạn hãy tháo đồng hồ đeo tay ra. Đừng bao giờ để nó ở gần các thiết bị điện tử, từ trường như trên đã liệt kê nhé.