- Chất quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh
Hiện nay, các siêu thị, chợ, trung tâm mua sắm mở cửa khá sớm ngay từ những ngày đầu Xuân, vì vậy nỗi lo lắng không có nguồn cung thực phẩm trong những ngày Tết gần như không còn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ vẫn giữ thói quen tích trữ thật nhiều lương thực.
Tủ lạnh càng to thì càng “thiếu” chỗ để. Điều này có thể dẫn đến tình trạng không kiểm soát được nguồn thực phẩm cũng như phân bổ sử dụng hợp lý. Mua quá nhiều, có thể không sử dụng hết trong những ngày tết, thực phẩm bị giữ quá lâu trong tủ lạnh cũng không thể giữ được độ tươi ngon như ban đầu.
Bên cạnh đó, việc tích quá nhiều đồ ăn cũng có thể khiến cho không khí lạnh không tới được mọi ngõ ngách trong tủ khiến thực phẩm dễ bị hỏng hóc.
Lời khuyên dành cho các bà nội trợ là hãy có tính toán, sắp xếp đồ ăn hợp lý, khoa học khi bảo quản trong tủ lạnh. Những đồ nào có thể để bên ngoài như đồ khô chẳng hạn thì không nhất thiết phải nhét vào tủ làm gì.
2. Đồ ăn nào cũng nhét tủ lạnh
Đây là một thói quen đặc biệt sai lầm vì không phải loại thực phẩm nào cũng bảo quản tốt trong môi trường lạnh như các loại giàu tinh bột. Bạn có thể để những loại rau củ như khoai tây ở những nơi thoáng mát bên ngoài để giữ được chất lượng tốt hơn. Để trong tủ lạnh lâu, lượng tinh bột trong các loại rau củ này sẽ bị biến mất một phần.
Cơm nguội cũng là thứ không nên cho vào tủ lạnh bởi vi khuẩn Bacillus cerius sẽ bắt đầu sinh sôi và nhiễm sang những thực phẩm khác có trong tủ lạnh.
Sữa nước, nước hoa quả cũng là thứ không nên cho vào trong tủ lạnh bởi quá trình sử dụng, vi khuẩn có thể sinh sôi gần vòi hút của hộp giấy và đi theo vào sữa khi rót ra. Các hộp giấy của nhà sản xuất cũng dễ nhiễm khuẩn. Vì vậy, nếu bạn muốn dự trữ sữa tươi, hãy chọn loại chai thủy tinh sẽ tốt hơn.
3. Làm quá sạch tất cả các loại thực phẩm
Việc làm sạch thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh có thể khiến bạn đỡ mất thời gian hơn trong việc chế biến ở những ngày Tết, tuy nhiên đây cũng là một thói quen sai lầm. Bởi lẽ, khi rửa sạch thực phẩm dưới nước thường sau đó để vào tủ sẽ làm độ ẩm ở thực phẩm tăng lên và làm tăng tốc độ phân hủy của chúng. Để càng lâu sẽ càng gây bất lợi cho chất lượng. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn các loại túi an toàn, hút chân không và ghi rõ thời gian trữ hợp lý.
4. Không điều chỉnh nhiệt độ ngăn lạnh
Nhiều người thường vô tư tống thức ăn vào tủ lạnh mà không bận tâm việc điều chỉnh nhiệt độ cụ thể ra sao. Trong những ngày Tết, số lượng thực phẩm tăng lên nhiều, nếu không điều chỉnh có thể nhiệt độ trong tủ sẽ không còn phù hợp.
Nhiệt độ thông thường của tủ lạnh ở mức 1-9 độ C. Theo khuyến cáo của FDA, nhiệt độ lý tưởng người dùng nên duy trì cho tủ lạnh gia đình là 40 độ F (4,5 độ C) trở xuống. Với ngăn trữ đông, bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ xuống -18 độ C tới – 0 độ C.
5. Để tùy tiện thức ăn trong tủ lạnh
Ở mỗi vị trí khác nhau trong tủ lạnh sẽ có một mức nhiệt khác nhau. Vì vậy, để tủ lạnh hoạt động tốt nhất, bạn hãy cân nhắc mức độ nhiệt mà mỗi loại thực phẩm cần để duy trì độ tươi ngon.
Ngoài ngăn đá ra thì những ngăn dưới cùng của tủ lạnh có nhiệt độ thấp nhất, thường dùng để trữ thực đồ tươi sống, rau quả. Khu vực cánh cửa thường nhận được ít hơi lạnh nhất, đây cũng là nơi thường đóng ra mở vào nên sẽ không phù hợp với loại thực phẩm dễ biến chất.
Trước đây, các nhà sản xuất hay để khay trứng, sữa, nước hoa quả ở các cánh cửa tủ do mức độ tiện lợi với người sử dụng. Tuy nhiên đây cũng là loại thực phẩm cần nhiều không khí lạnh nhất vì rất dễ hỏng. Vì vậy, vị trí cánh cửa tủ, bạn có thể để dành cho thực phẩm dễ bảo quản như soda, các loại gia vị khô. Còn nếu đặt nước giải khát, sữa, trứng ở cánh cửa tủ, hãy nhớ sử dụng sớm chúng.
6. Nghĩ thực phẩm sẽ an toàn tuyệt đối trong tủ lạnh
Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có một thời hạn sử dụng nhất định, đặc biệt là các thực phẩm tươi sống. Trên bề mặt chúng luôn có những loại vi khuẩn khác nhau. Vì vậy, nếu cần để một thời gian dài mà chỉ để trong ngăn mát thì không ai chắc bạn sẽ nhận được chúng với chất lượng ban đầu.
Các loại thực phẩm như rau quả, sữa tươi, sữa chua, phomat, trứng, các loại thức ăn đã chế biến sẽ dễ hỏng nếu như để trong tủ lạnh một thời gian dài.
7. Để chung đồ ăn sống và chín
Đây là vấn đề “Xưa như Diễm” nhưng nhiều bà nội trợ vẫn mắc phải, đặc biệt trong những ngày Tết do vội vàng. Để đồ ăn tươi sống, chưa chế biến (thịt, cá) bên cạnh thức ăn đã chín có thể khiến cho đồ ăn chín bị nhiễm khuẩn.
Bạn cũng nên từ bỏ thói quen đưa các loại thực phẩm này lên ngăn trên cùng của tủ vì các loại vi khuẩn có hại sẽ dễ dàng phát tán ra môi trường tủ hơn. Thay vào đó bạn nên đặt chúng vào những hộp kín và đưa xuống ngăn dưới cùng của tủ.
Với các loại rau củ, bạn nên tách riêng những loại sản xuất khí ethylene (sản sinh trong quá trình làm chín hoa quả tự nhiên) như táo, đu đủ, chuối, dưa, bơ, cà chua và những loại nhạy cảm với khí này như rau diếp, sup lơ xanh, xoài, chanh, cam, cà rốt. Nếu để chung, một số loại sẽ mau hỏng, dập.
Đ.Huệ (tổng hợp)