Sưu tầm xe “khủng”
Không phải là sở thích mới, song thú vui sưu tập những loại xe khủng có giá lên tới hàng triệu đôla của một số doanh nhân trẻ trong nước cũng khiến nhiều người nể phục. Trước đó, giới doanh nhân biết đến Nguyễn Quốc Cường - thành viên HĐQT công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với bộ sưu tập các loại xe có giá đắt đỏ, trong đó có dòng xe Lamboghini đình đám. Nhưng gần đây, khi chiếc siêu xe Bugatti Veyron giá 1,5-1,7 triệu USD chỉ số ít người trên thế giới sở hữu, đã xuất hiện trên đường phố Sài Gòn và chủ nhân của nó là một doanh nhân trẻ, nhiều người mới vỡ lẽ về vị doanh nhân này. Đó là Phạm Trần Nhật Minh, người thừa kế công ty cổ phần Nhựa Long Thành, có biệt danh Minh “Nhựa”.
Hai trong số những chiếc siêu xe giá "khủng" của Phạm Trần Nhật Minh. Chiếc phía dưới có giá 1,5-1,7 triệu USD và được cho là "hàng hiếm" nhiều người mơ ước sở hữu.
Minh “Nhựa” là một trong số nhiều doanh nhân có thú vui sưu tầm xe hơi. Dàn xe của anh có khi lên tới hàng chục chiếc, toàn những thương hiệu xa xỉ. Từ Lamborghini Aventador đến Ferrari, Rolls-Royce, BMW, Mercedes-Benz… đều được phát hiện trong garage ô tô siêu khủng của doanh nhân này. Không mấy khi tiết lộ về giá trị của dàn siêu xe “khủng” nói trên, nhưng theo thời giá, chiếc xe đắt và độc nhất do Minh “Nhựa” sở hữu lên tới 1,5-1,7 triệu đôla Mỹ.
Bỏ tiền tỷ xây chùa chiền, kim điện
Làm từ thiện là hoạt động được nhiều doanh nhân ưa thích và tham gia, song làm đến đâu, ở mức nào, không phải ai cũng sẵn sàng công bố. Tuy nhiên, với những người bỏ ra làm từ thiện bằng cách xây đền, chùa… thì số tiền cũng ước tính được phần nào, dù thông tin không được công bố.
Kim Điện dát vàng xa xỉ do ông chủ khu du lịch Đại Nam bỏ cả ngàn tỷ xây dựng . Thời điểm hoàn thiện là năm 2005, giá vàng khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Huỳnh Uy Dũng - ông chủ khu du lịch Đại Nam - người đình đám với vụ trao quyền thừa kế cho con trai mới 1 tuổi gây xôn xao dư luận suốt thời gian gần đây, là một trong những doanh nhân khá "bạo tay" với việc làm từ thiện. Ông Dũng đã đầu tư xây dựng khu Kim Điện dát vàng với số tiền lên tới cả ngàn tỷ đồng. Không có con số cụ thể, song tổng đầu tư vào hạng mục đền thờ, theo tiết lộ từ ông chủ Đại Nam, khoảng 1.000 tỷ đồng. Thời điểm công trình này được xây dựng, giá vàng thấp nhất là hơn 6 triệu đồng/lượng, nhiều đồn đoán cho rằng, số vàng dùng để dát Kim Điện cũng không phải là ít. Thậm chí, điều khiến nhiều người bất ngờ là vị doanh nhân này còn để lộ thông tin sẽ xây dựng 17 phiên bản tương tự Kim Điện trên cả nước.
Tại Trà Vinh, ông Trầm Bê nổi tiếng với việc chi tiền làm từ thiện, xây đền chùa. Tuy nhiên, những hình ảnh của đại gia đình đại gia này lại được in tại chùa, vô hình trung gây phản cảm.
Trong khi đó, với “ông trùm” ngân hàng Trầm Bê, việc bỏ cả ngàn tỷ ra làm từ thiện bằng cách xây chùa, điện cũng gây được chú ý từ dư luận. Tuy nhiên, việc treo ảnh, tranh gia đình tại chùa ông Trầm Bê ở Trà Vinh của đại gia này gây phản cảm đối với công chúng. Theo tiết lộ từ sư trụ trì, số tiền gia đình ông Bê bỏ vào xây chùa này là 10 tỷ đồng. Tại quê hương vị đại gia này, nhiều ngôi chùa, công trình khác cũng có sự đóng góp của ông.
Chi cả triệu USD mua máy bay
Tại nước ngoài, chuyện mua máy bay riêng của các doanh nhân không có gì lạ. Song ở Việt Nam, cho đến nay, mới có 2 trường hợp mua máy bay riêng là ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức và ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long. Thương vụ đầu tiên của bầu Đức năm 2008, ông Đức bỏ ra 5,1 triệu để mua trực thăng để phục vụ công việc.
Bầu Đức, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai gây bất ngờ với giới doanh nhân và dư luận khi là cá nhân đầu tiên sở hữu máy bay riêng tại Việt Nam. Đến thời điểm này, theo thông tin công bố, cả nước có 2 doanh nhân sở hữu máy bay riêng là Đoàn Nguyên Đức của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Trần Đình Long của tập đoàn Hòa Phát. Trong ảnh là chiếc máy bay của bầu Đức.
Sau đó, đến năm 2009, ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long là doanh nhân thứ hai tại Việt Nam công khai thông tin chi ra số tiền 17,4 tỷ đồng để mang về một chiếc máy bay phục vụ công việc của doanh nghiệp nơi ông này đang làm việc. Tuy vậy, điều khiến nhiều người bất ngờ là số tiền dùng để mua máy bay, bảo dưỡng, làm đường băng… không phải do Hòa Phát chi trả, mà là cá nhân ông Long bỏ ra. Gần một năm sau, Hòa Phát bất ngờ “lên đời” máy bay, từ 6 chỗ thành 12 chỗ. Dù chưa bao giờ cho đó là sở thích, song việc tiên phong sắm máy bay trong giới doanh nhân của ông chủ Hòa Phát và Hoàng Anh Gia Lai cũng được giới doanh nhân nể vì, do từ trước tới nay, chưa có tiền lệ.
“Sính” đồ dát vàng, vật dụng giá tiền tỷ
Tại Hải Phòng, đại gia “Hải đồ cổ” - biệt danh của Bùi Xuân Hải, chủ tịch công ty TNHH Hải đồ cổ, cũng nổi danh với bộ sưu tập hàng loạt đồ gốm sứ dát vàng. Từ bộ ấm chén, đến tượng Phật, các loại đèn trang trí, trần thạch cao… đều được dát vàng, như một tác phẩm nghệ thuật. Tổng số vàng dùng để dát số đồ vật này lên tới 1,5 kg.
"Hải đồ cổ" bên các sản phẩm gốm sứ được dát vàng
Chuyện về chiếc giường 4 tỷ của đại gia Lê Ân cũng được chú ý trong thời gian vừa qua. Theo miêu tả, chiếc giường nói trên được ông đặt mua từ nước ngoài, với mức giá khoảng 175.000 USD được làm thủ công hoàn toàn với những loại nguyên liệu đắt đỏ như len Mông Cổ, lông đuôi ngựa xoăn Mỹ Latinh, gỗ quý…
Chiếc giường xa xỉ gây tranh luận trái chiều từ dư luận trong suốt thời gian vừa qua của đại gia Lê Ân.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phê phán chuyện khoe mẽ của vị đại gia nói trên, song về độ “chịu chơi” của ông, cánh doanh nhân không ít người cũng phải "chào thua".
Theo Tri Thức