Vào những ngày thường, ngôi chùa này lúc nào cũng giữ được vẻ thanh tịnh vốn có. Nhịp sống ồn ào của đời sống đô thị xô bồ phải dừng lại trước những bậc thềm cao ngoài cổng trước. Người dân nơi đây đều biết đến chùa Mía, ngoài là chốn Phật linh thiêng còn là nơi lưu giữ tình thương của một ni sư đối với 7 đứa trẻ bị bỏ rơi từ thuở mới lọt lòng. Chúng tôi ghé vào chùa hỏi thăm và cũng thật may là gặp được ni sư Thích Đàm Thanh. Tiếp chúng tôi trên một bệ gạch dành cho đệ tử đến nghe kinh, ni sư kể cho chúng tôi về những cơ duyên đầu tiên thu nhận trẻ bị bỏ rơi.
Ni sư kể: "Ngày trước tôi hay theo ni trưởng là Thích Đàm Cẩn, khi đó là trưởng ban từ thiện Phật giáo của tỉnh Hà Tây (cũ), thường xuyên tổ chức các chuyến đi từ thiện tới các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh cơ nhỡ. Qua những chuyến đi như vậy, tôi được tiếp xúc với nhiều mảnh đời bất hạnh. Nếu nhìn vào đời sống vật chất, có thể các cháu không thiếu thốn nhưng về đời sống tình cảm thì ngược lại.
Trong khi đó trẻ em lại cần tình cảm nhiều hơn là vật chất. Cũng từ suy nghĩ đó mà tôi có ý định đón trẻ bị bỏ rơi về nuôi. Sau, tôi đã bạch (tức thưa chuyện) lại với ni trưởng và được ni trưởng đồng ý. Từ năm 2002, tôi bắt đầu đón đứa trẻ đầu tiên về nuôi và tính đến thời điểm hiện tại tôi nhận nuôi 7 cháu. Hiện cháu lớn nhất đang học lớp 4 tại trường tiểu học Trần Phú, còn cháu nhỏ nhất đang học tại trường mầm non Sơn Ca".
Việc nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng như vậy được ni sư Thích Đàm Thanh giải thích theo chữ duyên của nhà Phật. Cũng chỉ vì đó mà ni sư đã nhận nuôi thêm hai cháu nữa so với dự định nuôi 5 cháu ban đầu. Ni sư tâm sự: "Hiện không có ý định nhận nuôi thêm cháu nào nữa, bởi lo cho 7 cháu rất vất vả. Các cháu càng lớn thì vấn đề phát sinh càng nhiều và trách nhiệm của ni sư cũng tăng lên. Trong khi đó trách nhiệm chính của ni sư phải là phụng sự việc Phật".
Ni sư Thích Đàm Thanh đón các con đi học về tại trường mầm non Sơn Ca (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội)
"Trước mắt cần tập trung nuôi dạy các cháu cho tốt và tôi luôn tôn trọng cuộc sống riêng của các cháu. Việc các cháu sống nơi Phật đường không có nghĩa là tôi định hướng theo Phật. Cũng như bản thân tôi, đến được với Phật phải tùy duyên chứ không phải mình cứ muốn là được. Sau này các cháu xác định cuộc sống thế nào, tôi cũng sẽ luôn ủng hộ miễn sao chúng làm việc có ích cho đời" - ni sư Thích Đàm Thanh chia sẻ.
Người mẹ chưa bao giờ làm mẹ này hàng ngày vẫn đưa những đứa con của mình đến trường bằng tất cả tình thương và kiên trì đợi chúng sau cánh cổng trường. Ni sư cố gắng không để cho các con mình mặc cảm về nguồn gốc. Ni sư kể cho chúng nghe câu chuyện về số phận của chúng, lắng nghe những câu chuyện, những ước mong của chúng về tương lai, về gia đình. Nơi cửa chùa thanh tịnh, vẫn bi bô những tiếng trẻ thơ, tiếng trêu đùa.
Gặp các em tôi, thấy trên đôi mắt ngây thơ đó ánh lên cái nhìn hạnh phúc và hồn nhiên của con trẻ. Chúng chưa đủ lớn để nhận thức ra số phận đặc biệt của mình nhưng đủ tình cảm để nhận ra sự bao la trong tình thương của các ni sư và sự bao dung của Phật pháp.
Đã vậy, các em còn nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Các em được miễn giảm học phí khi tới trường, được cung cấp các dụng cụ học tập từ các công ty thiết bị dạy học, nhận được sự yêu thương từ đệ tử đến lễ chùa và người dân nơi đây... Tất cả như là một sự quan tâm, chia sẻ đối với những hoàn cảnh không may. Cuộc sống đang tiếp tục và một ngày nào đó những đứa trẻ kia sẽ trưởng thành, sẽ rời khỏi ngôi chùa để xây dựng cuộc sống cho riêng mình. Nhưng chắc chắn ngôi chùa này sẽ mãi mãi là nơi lưu giữ tình thương và ước mơ của những đứa trẻ có số phận đặc biệt. Phạm Thiệu