Thanh âm của ký ức
Lâu rồi mới có dịp ghé quán nước dưới chân tòa soạn cũ. Đón tôi với ánh mắt lấp lánh cười, cô chủ quán quýnh quáng ôm cả tập báo được tặng ở trong lòng, vừa lật giở từng tờ, vừa trách: “Bọn con không qua, u toàn phải đọc báo cũ, đọc đi đọc lại nát hết cả rồi. Nhiều lúc muốn có tờ báo mới mà tụi bán báo dạo giờ đâu cả!”.
“Cơn lốc” báo điện tử tràn qua, kéo theo thói quen tìm đọc thông tin qua màn điện thoại vừa nhanh vừa tiện khiến nghề bán báo dạo rầm rộ một thời giờ đã im hơi lặng tiếng. Người yêu mến những tờ báo giấy và xem âm thanh chộn rộn phát đi từ chiếc loa bán báo dạo là niềm ngóng chờ mỗi sáng như với cô chủ quán nước này hay hàng triệu người dân thị thành và các vùng quê khác trên cả nước xưa kia, quả thực giờ khó tránh khỏi những ngậm ngùi, hụt hẫng.
Tiếng rao trầm đều: “Mời các bạn đón đọc báo An ninh thủ đô, báo Công an nhân dân, báo Đời sống và Pháp luật” đã thân thuộc như món quà sáng với nhiều người thị thành suốt bao năm. Thanh âm ấy đã ăn sâu vào tiềm thức tôi đến mức đôi khi trong mơ, tiếng rao vẫn trở về đong đầy xúc cảm.
Tình yêu luôn có lối đi riêng. Người yêu những trang báo giấy hẳn nhiên vẫn và sẽ luôn có nhiều cách để đạt được cảm nghiệm quý giá của mình. Giống như tôi hôm nay và nhiều lần trước đó, mỗi khi thấy lòng trùng xuống giữa bộn bề, tôi lại tìm về quán nước bên tòa soạn cũ, nhâm nhi ly cà phê để những bâng khuâng đưa đẩy xúc cảm ngọt ngào suốt một thủa thanh xuân.
Những giọt nước mắt rơi trên bàn phím
Những tiếng rao, với tôi không chỉ là một phần ký ức của tuổi thanh xuân, mà đó còn là thanh âm đã kết nối tôi với thế giới ngoài kia, là thanh âm đã ươm mầm trong tôi một tình yêu tha thiết với nghề báo.
22 tuổi, tôi bước chân vào nghề với hành trang không nhiều nhặn gì ngoài vốn tiếng Anh, một số tác phẩm dịch đã được đăng báo và tình yêu mãnh liệt với những tiếng rao. Đời sống & Pháp luật khi đó vừa là niềm kiêu hãnh, vừa là nỗi lo chất chứa với những người chân ướt chân ráo vào nghề như tôi. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác vỡ òa hạnh phúc khi có bài báo đăng đầu tiên sau nhiều tuần vật vã tìm đề tài, nắn từng câu chữ để rồi lại... hụt hơi khi bản thảo bị gác lại ở khâu cuối sau nhiều vòng duyệt. Nhớ cảm giác phấn chấn khi một mình bảo vệ đề tài giữa bốn bề chất vấn của những người anh, người chị thạo nghề mỗi sáng họp đề tài.
Nhớ những giọt nước mắt rơi trên bàn phím, nhớ sự khắt khe của từng lãnh đạo và cả sự trìu mến của các “quý nhân” giang tay cứu giúp khi rơi vào thế tưởng như cuối chân tường.
Thách thức có, gian nan cũng có, nhưng từ chính những bài học nghề đầu đời ấy, thế hệ tiền bối đã truyền cho tôi ngọn lửa say mê và bản lĩnh vượt qua chính mình – điều sống còn với người cầm bút.
Nhớ lần đầu tiên được cử đi tác nghiệp tại hội nghị quốc tế APEC một mình, tôi rất lo khi đứng trước nhiệm vụ: “Phải tìm ra cái riêng có”. Lặn lội đội mưa tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ lúc chưa tới 6h sáng dù 8h hội nghị mới bắt đầu. Chen chân giữa hàng trăm phóng viên, vừa dò la tin tức, vừa cố tìm cho được vị trí đứng gần ban tổ chức rồi nín thở chờ đợi may mắn có được tấm thẻ tham dự phiên họp và tác nghiệp.
Ấy vậy mà khi được vào nơi mong chờ nhất, tôi mới vỡ lẽ nhân vật cần phỏng vấn không tham gia như dự kiến và điều này đồng nghĩa kế hoạch triển khai bài viết đổ bể. Một ý sáng chợt lóe lên, tôi gọi điện cho trưởng ban và bất ngờ mọi việc thông tỏ. Tôi đi như bay trở lại Hội nghị, say mê phỏng vấn, ghi hình và chỉ khi ngồi bóc băng mới nhận ra trên người vẫn đang mặc áo mưa.
Bài viết hôm đó được đánh giá cao, nhưng cũng từ hôm đó, câu chuyện về “kẻ kỳ cục” mặc áo mưa giữa tòa nhà sang trọng được anh em báo giới theo mảng đối ngoại nhắc đến như một kỷ niệm khó quên.
15 năm làm báo, tóc bạc đôi phần theo những trắng đêm làm tin bầu cử Mỹ, tin chiến sự Trung Đông, giải Oscar hay lễ vinh danh những chủ nhân của giải Nobel... Không biết bao thử thách đi qua trong những chuyến tác nghiệp “bão tố”, biết bao lần trăn trở với nghề, với đời... Nhưng rồi sau tất cả, mỗi khi tên báo mình được trang trọng xướng lên trong những hội nghị quốc tế hay những buổi họp quan trọng, lại thấy hừng hực tinh thần đi và viết.
Đã có bao món quà quê ấm áp được người dân chân tình mang tới tận tòa soạn để cảm ơn người đã đưa công lý hóa giải nỗi oan khuất cứu vãn cuộc đời họ. Biết bao giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc của những người rơi vào cảnh đời ngang trái tìm lại được niềm tin sau sự vào cuộc của những nhà báo. Nhiều căn nhà nghĩa tình cho những phận đời kém may được khánh thành...
Những anh chị em theo mảng pháp luật, xã hội vẫn gọi đây là “quả ngọt” vô giá sau hành trình gian nan. Và có lẽ, chỉ cái nôi Đời sống & Pháp luật mới mang đến cho những người cầm bút như chúng tôi được nhận vinh hạnh ấy, yêu thương ấy, và những giọt nước mắt hạnh phúc ấy.
Còn với những người làm công tác đối ngoại như tôi, giây phút đứng trước báo giới quốc tế để nói lên cảm nhận của chính mình, để nói về vẻ đẹp văn hóa, về tiềm lực của đất nước mới thật thiêng liêng làm sao. Đôi khi một bức thư chia sẻ cảm xúc từ độc giả ở bên kia địa cầu về nỗi nhớ quê sau một bài báo cũng khiến ngọn lửa nghề lại được thổi bùng. Nhiều lần tôi vẫn tự vấn, nghề báo, làm đẹp cho đời hay làm đẹp cho chính tâm hồn mình vậy?!
Thế giới đã khác, chỉ tình yêu là không khác...
Nghề báo chưa bao giờ thôi thách thức, và có lẽ bởi vậy nó hun đúc cho người làm nghề một sức mạnh nội lực đặc biệt. Tinh thần “thắp lửa dưới mưa” không chỉ đưa Đời Sống & Pháp Luật - từ một tờ gần như vô danh ngày mới thành lập trở thành “món quà sáng” của hàng triệu độc giả - mà còn giúp nhiều thế hệ phóng viên như tôi học được cách thắp lửa cho chính cuộc đời mình. Khi nhận thấy rằng khó khăn thách thức chỉ là lý do cho sự phát triển mà thôi, tôi hiểu mình đã có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình giữa những sóng gió của nghề và của đời.
Giờ đây, cơ quan tôi đã khác, đã chuyển sang trụ sở mới quy mô lớn hơn nhiều lần, nhưng thi thoảng tôi vẫn lui lại căn nhà nhỏ năm xưa, nơi gói ghém biết bao buồn, vui, ghi dấu cả sự thất bại lẫn những thành công, cả sự ngông cuồng và khao khát cháy bỏng suốt một thời hoa niên của tôi và của nhiều thế hệ các anh chị đồng nghiệp. Đó là nơi giúp tôi trưởng thành. Và luôn luôn, tôi hàm ơn nơi ấy.
15 năm gắn bó với Đời Sống & Pháp Luật, từ một người chưa tỏ về thế giới, tôi đã đi đến được chiều sâu đằng sau những thỏa thuận thay đổi thế giới, những câu chuyện địa chính trị ngoắt nghéo của các nước lớn, những vùng đất lạ, những vinh hoa phú quý của giới siêu giàu hay cuộc sống địa ngục trần gian của những kiếp người cùng cực nơi còn bom rơi đạn lạc. Từ một người hiếm khi rời khỏi thị thành, tôi đến được nhiều vùng đất mới cả trong và ngoài nước, gặp nhiều nhân vật lỗi lạc, cũng thấy nhiều số phận và dù thế nào, chính họ cũng đã truyền cho tôi một nguồn năng lượng mới, năng lượng tích cực.
Nhiều năm qua, tờ báo đã trở thành một phần máu thịt của tôi. Vì nó mà tôi đã trở thành con người của ngày hôm nay. Vì nó, tôi được nhiều thứ, cũng mất đi không ít thứ. Được hay mất, vui hay buồn, khó có thể đong đếm tròn vẹn, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, nơi đây đã mang tới cho tôi một cuộc sống nhiều màu sắc, nhiều năng lượng và những trải nghiệm quý giá trong đời.
Và cũng từ chính nơi đây, tôi đã lớn lên. Tôi đã khác, thế giới đã khác, và cả cái cách người ta làm báo cũng đã khác, chỉ có tình yêu với nghề báo, với ngôi nhà Đời Sống & Pháp Luật và nỗi nhớ về những tiếng rao xưa cũ là còn mãi đong đầy.
Vũ Thu Hương