Những tiết học có một không hai
Sau gần 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về toán học, nhà giáo Đàm Lê Đức chuyển sang dạy cho các em học sinh những bài học về đức dục, trí dục bằng giáo án tự soạn của mình. Những tiết học này được áp dụng giảng dạy liên tục suốt những năm học sinh học tại Cơ sở bồi dưỡng văn hóa (BDVH) 218 Lý Tự Trọng (TP.HCM) và bây giờ thêm trường THCS - THPT Đức Trí (TP.HCM), trong giờ chính khóa.
Nhà giáo Đàm Lê Đức đang đứng lớp tiết dạy Đức dục. Ảnh Hương Lan.
Nhiều người đã nói với bà rằng đạo đức hay giáo dục công dân chỉ là môn phụ, nhưng bà không nghĩ vậy. "Với tôi, đạo đức của con người vẫn là trên hết. Chúng tôi dạy đức, trí song hành, nhưng đức bao giờ cũng phải đi trước một bước. Có người từng nói với tôi rằng bây giờ giới trẻ có đạo đức nữa đâu mà dạy. Nhưng nhìn nhận như vậy là phiến diện, một chiều, bởi các em cũng có những ưu điểm của thế hệ mình, có những tâm tư, suy nghĩ rất cần chúng ta thấu hiểu. Mà nếu chúng ta chỉ dẫn cho các em bằng cả tấm lòng mình, tôi tin các em sẽ nhìn lại chính mình và nhận ra những bài học làm người không bao giờ cũ", bà chia sẻ.
Chuyên đề đức dục của bà giảng dạy bao gồm các nội dung: Hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái với bè bạn; văn hóa ứng xử của học sinh trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội; tiên học lễ, hậu học văn. Chuyên đề trí dục với các nội dung: Sự lập trí của tuổi trẻ, ý chí nghị lực quyết tâm vươn lên học tập; tích cực phát huy tinh thần tự học để trở thành học sinh giỏi; tự học qua cách học ở thầy, ở bạn, ở sách để vươn cao trong học tập.
Mỗi một bài giảng của bà bắt đầu từ chính những câu chuyện, những ví dụ minh họa, chứng minh thực tế. Sau giờ giảng các em học sinh đều phải viết bài thu hoạch cho mình. Đó chính là những tâm tư, suy nghĩ, những cảm xúc của các em về bài học, về cha mẹ, thầy cô, bạn bè.
Bà mang cho tôi xem cả hai tập "Tiếng lòng con trẻ", là những bài thu hoạch của các em học sinh. Ở đó không thiếu những giọt nước mắt, những hối hận ăn năn, những xấu hổ, những giận dỗi, tức giận,... và cả những nỗi buồn đau. Nhà giáo Đàm Lê Đức cho biết: "Chuyện các em khóc khi nghe giảng là chuyện thường xảy ra. Cả những học sinh nam cũng khóc, nhưng lại khéo léo che đi. Lúc đó, tôi chỉ nhẹ nhàng nói với các em rằng không cần phải che giấu những giọt nước mắt ấy, khi mình đã nhận ra những giá trị về đạo đức".
Bà Đàm Lê Đức cùng thầy Phạm Thế Hùng tại văn phòng trường.
"Món nợ thiêng" với cuộc đời
Nhà giáo Đàm Lê Đức năm nay vừa 83 tuổi. Năm 12 tuổi, bà là cô nữ sinh duy nhất của thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đậu vào trường Nữ sinh Đồng Khánh. Sau một năm học tại đây, gia đình có biến cố nên bà phải nghỉ học. Bà ở nhà phụ giúp gia đình công việc nuôi tằm, dệt vải. Tối đến, bà vẫn miệt mài học chữ Nho trước ngọn đèn dầu. 18 tuổi, bà theo chị gái lên Hà Nội học nghề may. Sau 6 tháng, bà về quê mở hiệu may duy nhất do nữ giới làm chủ lúc bấy giờ.
Dù vậy, niềm khao khát được trở lại trường học vẫn cháy bỏng trong bà. Sau Hiệp định Genève 1954, Quảng Ninh trở thành vùng tạm chiếm. Theo chính sách, những học sinh thuộc vùng tạm chiếm đến Hà Nội học sẽ được tạo điều kiện thuận lợi cho học tập. Vậy nên bà xin phép gia đình nghỉ may, lên Hà Nội tiếp tục việc học còn dang dở của mình. Tuy nhiên, số tiền mà bà dành dụm được chỉ đủ chi phí cho bà theo học trong hai năm. Nghĩa là bà phải bắt đầu học từ lớp 11 thì mới mong có đủ tiền học cho tới khi vào đại học. Trong khi bà đã nghỉ học tới 10 năm.
Để làm được điều này, bà quyết tâm học vượt cấp. Bà nhờ em trai dạy mình chương trình toán học (một môn học khó). Những ngày này, trong đầu bà chỉ có toán là toán, bà học ngày học đêm. Sau rất nhiều nỗ lực, cộng với sự cần cù vốn có của mình, bà đã hoàn thành chương trình học từ lớp 6 đến lớp 10 trong vòng 5 tháng. Bà vào học lớp 11 khi chỉ còn 4 tháng nữa là chương trình học kết thúc.
Để theo kịp mọi người, bà ra sức học đến có lần ngất xỉu ngay trên lớp học. Nhờ sự phấn đấu của bản thân, sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè bà cũng hoàn thành chương trình học đệ nhất (lớp 12 bây giờ) và đỗ tú tài Toán, trở thành học sinh nữ duy nhất trong 64 thí sinh đậu vào khoa toán trường đại học Tổng hợp.
Những năm tháng theo học đại học với bà là giai đoạn rất khó khăn, vất vả cả về việc học lẫn chi phí ăn ở, nhưng cũng là những năm tháng đã dạy cho bà bài học lớn về cái nghĩa ở đời, hướng cuộc đời bà gắn bó với sự nghiệp giáo dục như một sứ mệnh. Bà kể: "Bản thân tôi hồi đó luôn đau ốm, số tiền dành dụm sau hai năm học chi phí cho ăn ở, thuốc thang cũng hết sạch.
Hồi đó, học năm đệ nhất Nguyễn Trãi, tôi trọ cùng một người bạn gái tên Bạch tại một gia đình cũng là họ hàng của tôi. Tôi và Bạch xin ăn riêng chia nhau mỗi người nấu ăn một ngày và nấu một bữa, ăn hai bữa cho đỡ mất thì giờ việc học. Một lần tôi ngỏ ý với bạn là có lẽ tôi phải xin thôi học vài tháng, có được tiền lại đi học tiếp.
Bạn tôi giấu tôi, tự đi nói với thầy chủ nhiệm lớp về tình cảnh của tôi. Hôm sau, khi chỉ còn hai thầy trò, thầy đưa cho tôi một số tiền đủ chi tiêu trong học kỳ 2. Tôi nhất định không nhận. Nhưng thầy nghiêm mặt nói: Tôi là thầy giáo, tôi bảo chị có nghe không? Mà tôi có cho chị đâu. Chị phải trả, không phải trả cho tôi mà cho các học trò nghèo sau này".
Ân tình ấy suốt đời bà không quên. Cầm số tiền trên tay, bà bỗng hiểu ra sự cao cả, sâu xa trong nghĩa cử của thầy. Giọng rưng rưng xúc động, bà chia sẻ: "Số tiền ấy không những cứu giúp tôi trong cơn khốn khó mà còn dạy cho tôi một bài học lớn về nghĩa đời, lẽ đời. Tôi tự hứa sẽ trả món nợ ấy suốt đời tôi".
Và giờ đây, bà vẫn đang làm vậy, đang trả "món nợ thiêng" từ người thầy giáo đáng kính của mình bằng cách đem hết tâm sức ra dạy học trò, quan tâm đến học trò, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng. Từ khi bà còn dạy ở Hải Phòng cho đến tận lúc này, bà vẫn dõi theo, giúp đỡ những em học sinh nghèo hiếu học, chắp cho các em đôi cánh để có thể bay cao bay xa trên bầu trời tri thức.
Bao nhiêu học trò của bà đã trưởng thành, rất nhiều trong số đó được đi du học, vào đại học nhờ sự giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần của bà. Ở tuổi 83, lòng bà vẫn còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Và bà hạnh phúc trọn vẹn với những gì bà đang làm, cũng như bà nhận được từ những lớp học trò của mình.
Trích đoạn "lấy nước mắt học trò" "...Các con thử tưởng tượng xem các con mang ba lô nửa ngày trên vai có khó chịu không? Vậy mà mẹ các con mang thai các con những 9 tháng 10 ngày. Thế rồi đến lúc mà mẹ con lên bàn đẻ, mẹ con chịu một cái đớn đau tột cùng. Con cứ tưởng tượng đi, ở trong bệnh viện phụ sản, những cái thanh sắt cong lên thế này. Là vì khi người phụ nữ đau quá, người ta ghì lấy, đến nỗi cái thanh sắt lâu ngày phải cong lên. Vì vậy người ta ví cái chuyện người phụ nữ lên bàn đẻ như người vượt cạn, "đàn ông vượt sông vượt biển còn có bạn, đàn bà cượt cạn có một mình". Cha mẹ là người thầy đầu tiên, toàn diện và suốt đời đúng không các con? Vậy nhưng ngày 20/11, trong lớp chúng ta có bạn nào tặng một bông hoa hay nói lời cảm ơn với cha mẹ mình chưa? Các con hãy quý trọng những gì các con đang có, đừng để có những lúc "Lòng con cô quạnh biết bao/ Nhìn lên ảnh mẹ nghẹn ngào xót xa/ Công ơn người đã sinh ra/ Con chưa đền đáp thế mà mẹ đi...". Dưới lớp một vài học trò đưa tay quệt nước mắt. Sau ngày 20/11, một vài phụ huynh gọi điện cảm ơn bà vì bất ngờ nhận được hoa và lời cảm ơn từ con mình. Trong cái vòng tròn của sự trao nhận này, mỗi người chẳng phải thấy cuộc đời hạnh phúc và đáng sống hơn sao? |
Hương Lam
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!