“Tôi ơi đừng tuyệt vọng!”
Gặp gỡ cô giáo Nguyễn Kiều Phượng (55 tuổi, TP.Rạch Giá, Tỉnh Kiên Giang) vào một buổi chiều trung tuần tháng Ba, khi cô ra Hà Nội nhận giải Cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2016”, chúng tôi không khỏi xúc động. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nụ cười phúc hậu, cô Phượng chia sẻ với chúng tôi niềm hạnh phúc vô bờ bến mà cô đang trải qua.
Cô Phượng tâm sự: “Hơn 20 năm trước, tôi mắc phải căn bệnh ung thư thanh quản do viêm thanh quản lâu ngày, chủ quan không điều trị dứt điểm dẫn đến khàn giọng. Sau đó, tôi phải cắt bỏ toàn phần thanh quản, xạ trị và tôi sống trong sự “câm lặng” từ năm 1996 cho đến nay, nhưng tôi vẫn nhủ lòng mình bằng suy nghĩ: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!””.
Cô Phượng không giấu nổi sự xúc động: “Ngày mới biết mình bị bệnh, giọng nói của tôi cũng dần mất đi âm lượng, nói thì thào không ra hơi, có lúc tôi phải viết bảng thay cho lời giảng chứ nhất định không bỏ giờ, vắng tiết! Thời điểm đó tôi buồn và sợ lắm, sợ rằng mình không còn có thể đứng trên bục giảng, chắp cánh ước mơ cho các học trò. Và rồi, chính lòng yêu nghề, thương trò đã thôi thúc tôi ở lại với trường lớp. Sau hơn 14 năm theo đuổi nghiệp văn chương với nghề dạy văn - dạy người, tôi lại có thêm niềm tin để tiếp tục con đường mình đã chọn”.
Cũng như bao giáo viên khác luôn trăn trở để có một bài giảng hay nhất, với cô Phượng điều đó càng khó khăn gấp bội. Những ngày đầu khi tiếng nói hụt hơi, khàn giọng(vẫn còn phát ra âm thanh) cô Phượng cố gắng nói chậm, giảng kỹ để học sinh nghe và cùng cảm nhận, sau đó cô dùng những dòng chữ ghi nhanh thay lời tiếp giảng. Dù mệt, vất vả, nhưng cô vẫn không ngừng cố gắng để có những giờ giảng văn đầy cảm hứng.
Học trò vốn là những đứa trẻ tinh nghịch, hiếu động, đã có lúc cô Phượng sợ rằng giọng khàn yếu sức của mình sẽ làm học sinh mất hứng, nghịch ngợm, chống đối. Nhưng thật hạnh phúc và may mắn, chính sự nỗ lực, tình thương, trách nhiệm và lòng tận tâm đầy nhiệt huyết của cô đã được các học trò đón nhận và đền đáp.
“Tôi xúc động lắm, dường như các em đã thấu hiểu được nỗi buồn đau và khổ tâm của tôi với giọng khàn sức yếu, nên động viên tôi bằng cách mỗi giờ lên lớp luôn chuẩn bị tươm tất mọi thứ. Nhìn không gian lớp sạch sẽ, giẻ lau ẩm, bình hoa tươi, ly trà nóng, trò sẵn sàng tâm thế học văn, tôi hạnh phúc vô cùng! Tôi tự nhủ, bản thân phải quẳng hết mọi lo toan, vượt qua đau đớn của thể xác để mang lại cho học trò những bài giảng thăng hoa nhất”, cô Phượng chia sẻ.
Dù bị “tra tấn” bởi bệnh tật, mệt mỏi… nhưng những bài giảng của cô Phượng luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thường xuyên, cô Phượng phải thức khuya dậy sớm để chuẩn bị giáo án tận tường cặn kẽ để bù lại cho hạn chế lời giảng bị giọng khàn trên lớp. Và rồi, những bài giảng tâm huyết ấy đã thu hút được sự chú ý của học trò bởi cô đã truyền lửa cho trò từ lòng yêu nghề và nghiệp văn chương đam mê cháy bỏng. Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô chính là sự tiến bộ vượt bậc và kết quả cao trong các kỳ thi của các em như một món quà tri ân đáp đền cho bao tâm huyết.
“Những giờ học văn vừa lắng đọng vừa sôi nổi hào hứng, những cánh tay tranh nhau xin cô chỉ bảo thêm, thậm chí là những tranh luận ngây ngô, nhưng không kém phần sắc sảo đầy hứng khởi với niềm yêu thích học văn, khiến tôi rất hài lòng. Với tôi, đó là quãng thời gian vô cùng hạnh phúc!”, cô Phượng bồi bồi nhớ lại.
“Người câm” không từ bỏ…
Niềm vui vừa trở lại, chẳng lâu sau đó, cô Phượng lại phải trải qua một cuộc phẫu thuật. Từ đó, khả năng nói của cô gần như bằng không. Với cô đó là quãng thời gian “khủng hoảng trầm trọng” nhất. Cô luôn tự hỏi: “Liệu mình còn có thể lên lớp nữa hay không?”, “Liệu mình có thể cống hiến được cho nghề nữa hay không?”. Không ít đêm cô trăn trở việc có nên tiếp tục với nghề?
Nghĩ rồi, cô lại khóc thầm. Cô thương cho bản thân, thương cho số phận của mình, cô không ngờ, có lúc cuộc đời mình lại có thể rơi vào bế tắc như vậy. Nhưng rồi, cô vẫn cố tìm một tia hy vọng, dù là mong manh nhất.
“Chính các em đã tiếp thêm động lực cho tôi. Tôi biết, các em yêu tôi, yêu và nhớ những bài giảng của tôi và tôi tự nhủ mình không được từ bỏ!””, cô Phượng lắng lòng chia sẻ.
Từ đó tới nay, cô giáo Phượng đã tìm lại được niềm vui của mình, trên môi cô luôn nở nụ cười hạnh phúc. Lớp học của cô không có tiếng nói, không lời giảng văn trầm bổng âm vang, chỉ có khẩu hình miệng, bảng viết, kết hợp thao tác màn chiếu laptop nhưng lớp học của cô vẫn có học sinh từ tin yêu và kỳ vọng của trò cũ và PHHS gửi con cho cô kèm dạy luyên văn rèn chữ. Đây là điều tuyệt vời mà cô tìm thấy được trong cuộc đời sau cơn trọng bệnh.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, cậu học trò Hồng Văn Sang (Học trò cũ của cô Phượng năm 1996) chia sẻ: “Ký ức của tôi về cô nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ nhất là những bài giảng về Truyện Kiều, cô giảng rất hay, dù giọng cô khi đó khàn và hơi nhỏ. Cả lớp ngồi im phăng phắc lắng nghe, thi thoảng đôi đoạn cô giảng hay quá, chúng tôi còn yêu cầu cô giảng lại”.
Còn chị Lý Tuyết Hằng, người học trò giỏi trong đội tuyển HSG chuyên văn của trường và tỉnh các năm học THCS vẫn gắn bó với cô Phượng suốt 27 năm qua cho hay: “Các học trò đã được học qua cô Phượng đều nhận xét, cô có cách dạy văn rất cuốn hút ấn tượng. Kể từ khi mất giọng, cô Phượng nghỉ dạy tại trường và chỉ chuyên dạy kèm học sinh ở nhà. Dù không nói được thành lời, nhưng khi cần trao đổi gấp, cô thường viết lên bảng hoặc viết ra giấy cho mọi người đọc dễ hiểu, cô viết chữ rất nhanh như nói”.
20 năm qua, kể từ ngày mắc bệnh trở thành người khiếm khuyết, có lúc cô Phượng bị trẻ con hay người lạ nhìn vào với vẻ mặt lạnh tanh dè chừng. Họ xa lánh và có phần sợ hãi rẻ khinh mỗi khi cô hỏi điều gì đó không thành tiếng. Tuy nhiên, vượt qua những ánh mắt vô tình xa lạ ấy, cô Phượng đã vững lòng không bỏ cuộc, cô không bi quan tuyệt vọng dù sống trong “Thế giới của sự câm lặng” nhưng cô vẫn miệt mài thiết tha gửi hồn mình vào những dòng thơ, những bài văn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò sau này nơi góc nhỏ lặng thầm ở nhà mình. Đặc biệt là những trang đời trên Báo và những Cuộc Thi Viết là nơi cô trải lòng gửi gắm bao nỗi niềm riêng ấp ủ.
Khi được hỏi về ước nguyện lớn nhất của cô là gì? “Cô giáo “câm” nhưng không “lặng”, người giáo viên quên mình vẫn tận tụy yêu nghề luôn hết lòng vì học sinh nơi miền quê biển Kiên Giang ấy đã nói ngay: “Ước nguyện duy nhất của "người câm" như tôi, là tìm lại cho mình “tiếng nói riêng” từ những “trang viết” những “dòng thơ” lửa cháy để tự “thắp lửa tim mình” để thay lời muốn nói… để thấy mình không hề câm lặng, để quên đi nỗi đau khiếm khuyết tật nguyền. Để góp nhặt và hòa nhập với đời những thầm lặng yêu thương”...
Xem thêm:
Đỗ Duy Nam nói gì khi nhận được nút Play mạ bạc của Youtube?
Chuyện nghề 13: Ấm áp tình người sau những chuyến xe đồng nát
Thanh Lam