1. Tổng giám đốc ACB Phạm Văn Thiệt bỏ trốn
Ông Phạm Văn Thiệt (Trái) - cựu tổng giám đốc Ngân hàng ACB. |
Tin đồn xuất hiện trong ngày 13, làm chao đảo Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cũng như cả hệ thống ngân hàng trong ngày 14/10/2003. ACB lúc đó đã được đánh giá là một trong những ngân hàng hàng đầu cả về hiệu quả kinh doanh cũng như quản trị rủi ro. Nhưng tin Tổng giám đốc bỏ trốn khi chưa được xác minh thực hư đã khiến khách hàng đổ xô tới rút tiền tại ACB, rồi tới cả các ngân hàng khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đương nhiệm, ông Lê Đức Thúy, ngay lập tức bay từ Hà Nội vào TP HCM để xử lý tình hình. Tiếp xúc với khách hàng ACB, ông khẳng định đây là thông tin thất thiệt và cam kết hỗ trợ cho ACB nếu toàn bộ khách hàng vẫn nhất quyết rút tiền.
Tổng giám đốc ACB - Phạm Văn Thiệt và chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng phải xuất hiện tại trụ sở ngân hàng để bác bỏ tin đồn và khẳng định hoạt động của ACB vẫn diễn ra bình thường, toàn bộ tiền gửi của khách hàng đều được ACB mua bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện ACB còn trao giải thưởng 200 triệu đồng cho ai cung cấp nguồn tin cho cơ quan chức năng tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt.
2. Hết gạo dự trữ
Gạo liên tục gánh tin đồn tăng giá. Ảnh: Gia Bảo |
Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng tin đồn hết gạo cuối tháng 4/2008 vẫn khiến nhiều người dân bình thường tưởng thật và ùn ùn đi mua tích trữ, cảnh tượng mà ngay thời bao cấp cũng không xảy ra. Thiệt hại cuối cùng chính là người dân, phải tranh cướp mua gạo giá cao, một số loại đắt gấp ba bình thường. Trong khi thương lái được dịp phát tài thì nông dân cũng không hưởng lợi.
Tin đồn tương tự lặp lại vào tháng 12/2009 và đến tháng 8/2010 thị trường lại rộ lên chuyện nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng vọt và lượng gạo tồn kho còn lại rất ít. Giá gạo ở một số nơi tăng gấp đôi, người dân xếp hàng dài mua gạo lại xuất hiện.
Tiếp đó, tháng 8/2011, tin đồn việc Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu gạo lớn với Malaysia, Indonesia, Philippines với giá cao một lần nữa đẩy thị trường gạo vào cơn bão giá.
Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng Hiệp hội lương thực Việt Nam đều phải lên tiếng để ổn định tâm lý cho người dân và khẳng định, cung cầu gạo của Việt Nam vẫn ổn định.
3. Phát hành tiền mệnh giá 1 triệu, đổi tiền
Thông tin đổi tiền năm 2009 từng khiến người dân hoang mang. Ảnh: PV |
Ngày 2/12/2009, dư luận xôn xao với thông tin Việt Nam sẽ phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng và mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời bàng hoàng với tin đồn Việt Nam sẽ đổi tiền cho dù thị trường tiền tệ không có nhiều xáo trộn.
Giới đầu tư còn hoang mang khi nghe tin Chính phủ bắt các ngân hàng mua trái phiếu bắt buộc với tỷ lệ lên tới 50% vốn điều lệ, cao gấp 5 lần mức yêu cầu đưa ra hồi khủng hoảng tiền tệ đầu năm 2008, đồng thời tăng tiếp lãi suất cơ bản và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng.
Một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước lúc đó đã phải đứng ra bác thông tin thất thiệt. Nhưng thị trường tài chính ngân hàng cũng được phen chao đảo, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, chứng khoán rớt thê thảm.
Tháng 2/2011, tin đồn tương tự lại diễn ra, khi nền kinh tế có dấu hiệu lạm phát cao, lãi suất tăng mạnh.
4. Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt
Chủ tịch BIDV - ông Trần Bắc Hà |
Tin đồn chủ tịch Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Trần Bắc Hà bị bắt vừa rộ lên ngày 21/2, khiến thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh nhất (hơn 18 điểm) trong vòng 6 tháng qua. Nhà đầu tư tranh nhau bán ra theo tâm lý vì liên tưởng tới những tác động xấu như vụ bắt bầu Kiên hồi tháng 8. Nhiều biểu hiện lo lắng cũng xuất hiện trên thị trường vàng, ngoại tệ…
Ngay lập tức, chiều cùng ngày, chủ tịch BIDV - Trần Bắc Hà đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho rằng "có một nhóm đầu cơ nào đó tung tin để trục lợi". Lãnh đạo ngân hàng này cũng đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc, điều tra nguồn gốc tin đồn. Các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán cũng đưa ra một số động thái nhằm rà soát giao dịch, trấn an thị trường.
Sau những bước đi này, thị trường chứng khoán và tài chính ngày 22/2 đã có phản ứng tích cực hơn, tăng điểm nhẹ vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch. Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá đôla Mỹ cũng có dấu hiệu hạ nhiệt trong buổi sáng.
5. Điều chỉnh tỷ giá
Tỷ giá được đồn là sẽ thay đổi. Ảnh: HH |
Giảm giá tiền đồng 2-3% so với đôla Mỹ là đề xuất của một số chuyên gia từ trước Tết Nguyên đán. Họ cho rằng đây là việc tốt hỗ trợ cho xuất khẩu, nên làm ngay quý I khi lạm phát còn thấp và nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào. Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó không có phản hồi chính thức.
Sau Tết, một số ngân hàng lớn tăng cường mua đôla để cân bằng trạng thái và phục vụ nhu cầu thanh toán đến hạn. Động thái này càng khiến giới đầu tư bán tín bán nghi về khả năng điều chỉnh, tỷ giá ngoài chợ đen tăng nhanh qua mốc 21.000 đồng.
Thị trường càng thêm nóng khi tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt loang đi, các ngân hàng nhỏ cũng tăng cường mua đôla khiến tỷ giá trong ngân hàng cũng leo qua mốc 21.000 đồng.
Ngân hàng Nhà nước cuối chiều qua đã phải phát đi thông điệp chính thức, bác tin phá giá và cam kết ổn định giá trị tiền đồng. Thị trường ngoại hối dần hạ nhiệt trong sáng nay.
Theo VnExpress