Qua lời kể của một giảng viên học viện Âm nhạc quốc gia TP.HCM tham gia công tác tuyển sinh vừa qua, những câu chuyện của thí sinh trong phòng thi năng khiếu khiến mọi người cười ra nước mắt.
Rất nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra tại các phòng thi năng khiếu. (Ảnh minh họa) |
"Tại mẹ bắt thì đi thi"
Năm nay, phòng thi hệ trung cấp dài hạn của bộ môn piano (HV Âm nhạc quốc gia TP.HCM), tập trung rất nhiều thí sinh nhí. Nhiều bạn khiến giám khảo rất ngạc nhiên không chỉ vì tài năng, khiến thức tốt về âm nhạc mà trình bày rất tự tin. Tuy nhiên, cũng không ít thí sinh nhỏ tuổi đi thi vì những lý do lạ.
Đến phần thi của một cậu bé 8 tuổi (TP.HCM), khi vừa đọc đến tên, em cũng bước vào phòng như các bạn, nhưng chỉ đứng im một chỗ.
Thấy thí sinh không có động tĩnh gì, sợ em quên bài, giám khảo liền nhắc nhở “con thi bài gì?”. Cậu bé có khuôn mặt dễ thương, sáng sủa ngượng ngùng trả lời: “Con không biết đàn hát gì đâu ạ. Tại mẹ bắt nên con mới phải vào đây thôi”.
Giải thích về trường hợp “bắt con đi thi”, vị giảng viên chia sẻ rằng một số phụ huynh nghĩ con mình tay đẹp, thông minh là có năng khiếu đánh đàn và vẫn muốn con đi thi, vì có thể giám khảo sẽ nhìn vào những yếu tố đó để cho vào học.
Nhưng đây là kỳ tuyển sinh rất nghiêm túc, các em nhỏ cũng phải tuân thủ nghiêm quy trình thi. Vì vậy, muốn thi đỗ, các em đều phải ôn luyện trước rất kỹ lưỡng.
Không biết viết nốt nhạc vẫn thi khoa sáng tác
Một trường hợp bi hài khác xảy ra tại phòng thi khoa Sáng tác của trường. Do đặc điểm của môn này đó là yêu cầu thí sinh phải viết lại một giai điệu do mình sáng tác. Tuy nhiên thí sinh này lại cho rằng chỉ cần nghĩ một đoạn nhạc trong đầu là được, nên dù không biết nốt nhạc nào vẫn đi thi.
Sau khi đọc xong đề nữ sinh này nằng nặc xin ra khỏi phòng thi vì không biết làm gì. Mặc dù vậy, do quy chế yêu cầu các thí sinh sau khi bóc đề 2/3 thời gian mới được ra khỏi phòng thi, nên nữ sinh này đành chọn cách ngủ để giết thời gian.
Tưởng giống thi The Voice
Mặc dù quy trình thi đã được cập nhật đầy đủ trên website của trường, tuy nhiên nhiều thí sinh dự thi khoa Thanh nhạc vẫn không nắm rõ. Thậm chí, nhiều bạn khi được hỏi lại vô tư phát biểu rằng: “Em tưởng như đi thi The Voice”.
Bởi các bạn cho rằng khi đi thi thích hát gì thì hát. Tuy nhiên đề thi yêu cầu rất rõ ràng đó là các thí sinh phải trình bày một ca khúc của Việt Nam và một ca khúc nước ngoài, nên đa số các thí sinh này đều phải ra về tay trắng.
Bên cạnh đó, khi đến trường thi, do lên sân khấu biểu diễn trước mặt giám khảo, nên đa số thí sinh đều chuẩn bị trang phục khá kỹ lưỡng. Nhưng rất nhiều thí sinh cho rằng phải gây ấn tượng với giám khảo nên đã chọn phong cách ấn tượng đến mức khó coi như tóc nhuộm xanh đỏ, quần áo lộ trên hở dưới.
Vị giảng viên này chia sẻ, đối với những thí sinh có trang phục và đầu tóc lố bịch đều không giành được thiện cảm của ban giám khảo. Vì vậy, các bạn này cũng thường không đạt được kết quả thi như mong muốn.
“Bài này em mới phóng tác”
Trong đề thi của bộ môn piano yêu cầu các thí sinh cần phải đàn một tác phẩm của nhạc sĩ cổ điển nhưng mùa thi vừa qua, một thí sinh khiến cả hội đồng rất bất ngờ.
Chàng trai này người Bến Tre và bước vào phòng thi với phong cách rất tự tin. Khi bắt đầu phần thi của mình, thí sinh này lên đàn, chạy ngón rất điêu luyện nhưng tất cả giám khảo đều ngơ ngác vì không biết đây là sáng tác của nhạc sĩ nào.
Đàn xong, thí sinh này vô tư trả lời: “Bài này do em mới phóng tác”. Mặc dù vậy, khi yêu cầu biểu diễn một tác phẩm khác, thí sinh này một lần nữa khiến giám khảo bất ngờ vì kỹ thuật khá tốt.
Ngay sau đó, giám khảo hỏi chuyện mới biết được chàng trai này còn thi thêm ĐH Kinh tế và Ngoại thương TP.HCM. Đặc biệt hơn cả, dù rất có năng khiếu thanh nhạc nhưng cậu vẫn khẳng định đi thi Nhạc viện chỉ là cho vui.
Thí sinh đặc biệt đã chia sẻ với các thầy cô: “Em thi trường này chỉ là phụ bởi biết rằng Nhạc viện đã đóng cửa với em”.
Giám khảo rất bất ngờ và hỏi lại thì được biết do đam mê âm nhạc nên cậu đã tự học ở dưới quê. Tuy nhiên, thấy mình còn thiếu rất nhiều kiến thức cơ bản nên chàng trai này đã xác định mình sẽ trượt.
Cán bộ coi thi đông gấp đôi thí sinh
Trong mùa thi vừa qua dù số lượng thí sinh bộ môn đàn guitar chưa đến 10 người nhưng vẫn phải đầy đủ cán bộ coi thi gồm 5 giám thị trật tự, hai thư ký, 5 giám khảo, ngoài ra còn đội ngũ văn phòng, thanh tra. Phòng thi Âm nhạc học cũng chỉ có hai thí sinh. Tuy nhiên, không vì thế mà các giám khảo và cán bộ coi thi vẫn thực hiện đúng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
Theo An Hoàng (Bưu điện Việt Nam)