Có nhiều phản ứng khác nhau khi bạn bè biết tôi đi Cuba: người thì phấn khích, người thì e ngại, nhưng phần lớn là cảm giác ngạc nhiên xen lẫn một chút tò mò: chính xác thì ở Cuba có gì mà đi? Tôi cũng từng như vậy. Trước chuyến đi, tôi hoàn toàn không biết nhiều về đất nước này trừ một số thông tin cơ bản lượm lặt qua mạng hay thông tin về phương thức kinh doanh tại Cuba tôi làm bài tập cho một lớp tại trường. Hơn cả sự mong đợi, bảy ngày tại đất nước Cuba xinh đẹp và mến khách để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, niềm vui và cả bài học về thái độ đối với cuộc sống nhiều hơn hết bất kỳ chuyến đi nào.
Để có chuyến du lịch Cuba kéo dài trong bảy ngày ngắn ngủi, tôi đã có ý tưởng từ nửa năm trước đó. Chính xác là khoảng tháng 3/2011, tôi học lớp "Cultural Anthropology" (Văn hóa nhân chủng), một lớp về các nền văn hóa trong tương quan lịch sử, xã hội, địa lý...., đặc trưng của chính nền văn hóa đó (historical particularism).
Cuốn sách phải đọc khi đó là "In search of respect: Selling Crack in El Barrio" của Philippe Bourgois. Tác giả, một học giả "da trắng mắt xanh" thuộc tầng lớp được nể trọng trong xã hội, đã dành đến ba năm để thâm nhập vào thế giới của những người dân nhập cư người Mễ tại khu vực East Harlem (New York) đầy tệ nạn và tội phạm. So sánh gần gũi thì Bourgois xem như Nam Cao còn dân East Harlem xem như Chí Phèo: Bourgois hướng đến việc giúp cho người đọc hiểu về nền văn hóa đặc trưng tại East Harlem (băng đảng, hiphop, sự chống đối xã hội, v.v.) và những khó khăn mà người East Harlem trải qua do sức ép và sự phân biệt xã hội. Tôi đặc biệt đánh giá cao tinh thần của tác phẩm này. Chúng ta cần phải đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu chứ không thể dùng những chuẩn mực riêng lẻ của bản thân để đánh giá người khác.
Với tinh thần tìm tòi về những nền văn hóa "chịu nhiều sức ép", tôi tình cờ đọc được bài viết về du lịch Cuba và du lịch Bắc Triều Tiên. Theo như lời kể từ những người đã từng đi, Cuba sạch, đẹp, rẻ, và quan trọng hơn hết, người dân có một lối sống thoải mái và dễ chịu - những điều không ngờ đối với những gì tôi đã hình dung trước đó về một đất nước đang bị Mỹ cấm vận. Thiếu thốn về vật chất nhưng lại giàu có về tinh thần - điều này có vẻ khó tin.
Cùng thời điểm đó tôi cũng đang học về tháp Maslow, mô hình cho rằng nhu cầu cơ bản ăn no mặc ấm vẫn nằm rất thấp trong tháp hạnh phúc. Dựa vào những điều kiện tác động nào mà người Cuba vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi họ thiếu thốn quá nhiều thứ? Ở thời điểm hiện tại, họ vẫn thiếu giấy vệ sinh trầm trọng, bởi thế khách du lịch đến đây cũng có dịp trải nghiệm với văn hóa đi vệ sinh công cộng - tôi sẽ kể sau.
Tôi quyết định: mình cần phải đi Cuba, để thấy, để nghe, để cảm nhận, để một lần tập làm một nhà nhân chủng học đi thực nghiệm (field method) như Bourgois đã làm với East Harlem.
Tôi bắt đầu lên kế hoạch, kêu gọi người tham gia. Sau khá nhiều thủ tục rắc rối lằng nhằng với Canada và nỗi sợ hãi thường trực - mình có thể bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ sau chuyến đi, chiều ngày 8/1/2012, tôi và hai người bạn đã đáp xuống sân bay quốc tế Jose Marti tại thủ đô Havana. Và chuyến hành trình của chúng tôi chính thức bắt đầu. (Còn tiếp).
Theo Viet Psychology