Bạch Hổ giao đấu với Rồng Hổ
Ngồi trò chuyện với võ sư Hổ Bạch Sơn, chúng tôi như được sống lại không khí của những trận thượng đài máu lửa trên các sàn đấu tại sân Tinh Võ Môn. Thời ấy, các võ sỹ cũng có thể kiếm tiền bằng cách thượng đài. Bởi, khi anh thách đấu và "uýnh" thắng sẽ được một số tiền nhất định. Chính vì thế, có nhiều trận so găng ác liệt diễn ra không chỉ tại Tinh Võ Môn và một số nơi ở Sài Gòn mà nhiều nơi khác: Long Xuyên (An Giang), Quy Nhơn (Bình Định), Sóc Trăng... Cuộc sống của các võ sỹ nhiều khi phụ thuộc vào việc thượng đài. Nếu anh thách đấu các võ sỹ tên tuổi và thắng được thì tiền thưởng sẽ cao.
Bên cạnh đó, có nhiều võ sỹ đến từ các nước như Campuchia, Thái Lan, Lào... cũng sang Việt Nam thách đấu. Thậm chí, có những võ sỹ dám sang Sài Gòn và dựng sàn đấu rồi thách các cao thủ Việt Nam. Rồi cũng có trường hợp những tay binh lính của quân đội đồng minh đồn trú tại các tỉnh miền Nam Việt Nam làm bậy, hà hiếp dân lành... cũng được dân võ đòi trừng trị. Điển hình là võ sư Trần Hữu Hoàng, trưởng môn phái hắc Hổ thiết Quyền đạo từng thách đấu Sư đoàn bộ binh Hàn Quốc, được mệnh danh là "sư đoàn mãnh hổ" đồn trú tại Bình Định đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Ngoài Hổ Bạch Ân vang danh thì một Long Hổ Hội cũng khét tiếng và được nhiều người biết tới. Long Hổ Hội là người đã đánh bại tay đấm Sáu Cường lì đòn. Lúc đó, Long Hổ Hội tu luyện ở khu vực Bảy Núi (An Giang ngày nay) xong và quyết định xuống núi thì nghe giới võ lâm lúc ấy nói nhiều về võ sỹ Sáu Cường. Nhắc tới cái tên này thì hầu như lúc ấy ai cũng biết. Sáu Cường là một tay võ sỹ siêu hạng, cứ hễ thượng đài là không có đối thủ. Thậm chí, võ sỹ này còn hạ knock-out các đối thủ rất chóng vánh. Thế nên, nghe tin Sáu Cường thọ đài là không ai dám lên. Biết tin, Long Hổ Hội không ngần ngại tìm về Long Xuyên (An Giang ngày nay) để thọ giáo. Lúc đó, ai cũng nghĩ Long Hổ Hội là kẻ chán sống và sẽ là nạn nhân tiếp theo của Sáu Cường. Tuy nhiên, khi bước lên sàn đấu, chưa đầy một hiệp, Sáu Cường đã bị hạ đo ván, nằm kêu la thảm thiết.
Phái Thiếu Lâm Bạch Hổ (cố võ sư Hổ Bạch Ân đứng ngoài cùng bên trái) từng giao đấu với phái Long Hổ Hội.
Chưa hết, năm 1932, cố võ sư Long Hổ Hội đã từng hạ nhà vô địch Muay Thái, Surivong ngay tại Bangkok - Thái Lan, làm chấn động dư luận khu vực lúc bấy giờ. Với những trận thắng vang dội, không có đối thủ, tiếng tăm của Long Hổ Hội và võ phái này nổi như cồn. Tiếng thơm của họ không chỉ ở Sài Gòn, miền Tây, miền Trung mà còn ra cả ba nước Đông Dương. Sự nổi lên của phái võ này khiến nhiều người đồn thổi, thêu dệt đủ chuyện. Họ cho rằng, võ sĩ của phái này dùng bùa ngải... Thế nên, trận so găng giữa Hổ Bạch Ân và Long Hổ Hội được nhiều người chờ đợi.
Thời ấy, nhiều người suốt ngày đoán già đoán non rằng, Hổ Trắng và Rồng Hổ, “con” nào sẽ bị quật ngã. Càng gần kề ngày giao đấu, các tin tức được truyền đi liên tục, càng ngày càng nóng. Đúng như chờ đợi, một trận thư hùng giữa hai cao thủ diễn ra, nhiều người lần đầu tiên trong đời được chứng kiến những miếng, thế đánh lợi hại. Còn người trong giới gọi đó là tuyệt đỉnh kung phu. Quả thật, trận giao đấu (hai bên cùng thách đấu để tranh tài cao thấp) đã cho người xem hết sức mãn nhãn. Trận đấu kéo dài mấy chục hiệp nhưng không ai hạ được ai. Tuy kết quả không phân định thắng bại rõ ràng nhưng hai cao thủ đã biết được "nội công" của nhau. Và họ cũng trở thành những chiến hữu trong giới võ lâm.
Thượng đài trừ gian, diệt ác
Chuyện Hổ Trắng và Rồng Hổ không phân định thắng bại, sau này nghe một số môn đệ của hai phái cho biết thì đó là trận "chia sẻ kinh nghiệm" của hai cao thủ lúc bấy giờ. Võ sư Long Phi Thanh, đệ tử phái Long Hổ Hội cho biết: "Lúc đó, võ sư Hổ Bạch Ân và sư phụ tôi cũng có quan hệ qua lại với nhau nhưng không thân thiết lắm. Trận đấu đó chỉ mang tính "xã giao" là chính nên kết quả đôi khi không quan trọng. Còn sau này khi nhắc tới võ sư Hổ Bạch Ân, người ta thường nhắc tới trận đả lôi đài với tên Ô Hắc Lợi".
Hắn là một tên trưởng ấp nhưng lại có võ công khá siêu hạng, cộng thêm chút quyền hành "trưởng ấp", tên này chuyên đi ăn hiếp dân lành. Chính vì có quan trên che chở nên tên này càng ngày càng lộng hành, không coi ai ra gì. Thậm chí tên này còn thách thức mọi người cứ khiếu nại, kể cả việc thượng đài tay đôi. Sau một thời gian thách thức, không thấy ai nghênh chiến nên tên này tưởng mình đã là "vua", "coi trời bằng vung" và nghĩ rằng không ai dám đụng tới mình nữa. Nhưng lẽ ở đời tà luôn thua chính, kẻ ác, hống hách thế nào cũng có cao nhân trị tội.
Biết chuyện, Hổ Bạch Ân đã cho môn đệ tìm đến và thách đấu ngược lại với Ô Hắc Lợi. Không chút do dự, tên này sẵn sàng đồng ý và hai bên hẹn ngày quyết đấu. Trong đầu tên trưởng ấp Ô Hắc Lợi luôn xuất hiện ý nghĩ rằng sẽ có tiếp tên nữa bị hạ dưới những cú đấm như sấm sét của hắn. Tên này học được võ công khá siêu hạng, với sở trường là thủ pháp (đôi tay) lanh lẹ, thân pháp (mình) di chuyển tốt, cộng thêm tướng tá cao to nên hắn luôn tự mãn với những cú đấm trời giáng của mình.
Khi tin võ sư Hổ Bạch Ân thách đấu Ô Hắc Lợi loan đi, nhiều người vừa mừng vừa lo. Mừng là vì có người dũng cảm "ra mặt" dạy cho tên trưởng ấp chuyên hà hiếp lương dân một bài học nhớ đời, từ đó mà bỏ thói kiêu ngạo, hung hăng. Mọi người còn lo là bởi lâu lắm rồi chưa có ai dám khiêu chiến hay nghênh chiến tên trưởng ấp có võ công khá lợi hại này. Họ có phần lo lắng cho Hổ Bạch Ân sẽ là nạn nhân tiếp theo dưới tay của Ô Hắc Lợi. Cứ thế tin này ngày càng loan đi nhanh chóng, làm nhiều người hồi hộp chờ đợi trận đấu diễn ra. Tuy nhiên, một số giới võ lâm và những người biết võ sư Hổ Bạch Ân thì ngồi uống trà bàn chuyện hậu cảnh Ô Hắc Lợi sẽ đứng dậy như thế nào sau khi bị hạ đo ván. Bởi, họ hiểu chuyện gì sắp diễn ra trên sàn đấu.
Đúng hẹn, mọi người tề tựu về sân Tinh Võ Môn (quận 5 ngày nay) rất đông. Đa phần mọi người đều ủng hộ võ sư Hổ Bạch Ân. Phần vì muốn ông đánh thắng, phần vì nhờ vị võ sư cao tay này trừng trị cho tên ác ôn một bài học, trút đi những cơn giận thời gian qua. Trận đấu được quy định gồm 6 hiệp, mỗi hiệp hai phút theo thể thức đấu đài xưa: Võ sỹ không mang thiết bị bảo hộ, không dùng hung khí, đánh đấm tự do... Khi trận đấu diễn ra, Ô Hắc Lợi với thân hình hộ pháp nhưng xoay tới xoay lui rất lanh lẹ, hắn liên tục dùng sải tay dài tung ra những cú đấm như búa bổ về phía Hổ Bạch Ân.
Tuy nhiên, Hổ Bạch Ân nhanh như chớp, tránh hết những cú đấm ấy một cách dễ dàng. Suốt hiệp đầu, Ô Hắc Lợi cứ tung ra nhiều cú đấm và đuổi Hổ Bạch Ân chạy lòng vòng trên sàn đấu. Qua hiệp hai, mấy giây đầu cũng diễn ra cảnh tương tự, thấy địch thủ không dính đòn, trong khi mình thì bắt đầu tiêu hao thể lực, Ô Hắc Lợi đã có những cú tung cước thiếu uy lực. Biết thời điểm hạ tên trưởng ấp đã tới, Hổ Bạch Ân tung liên tiếp mấy cước vào ngực, lưng làm cho tên này không kịp trở tay. Dính chưởng, tên này dần dần nằm bệt xuống sàn đấu và không thể gượng dậy được nữa. Những người chứng kiến trận đả bại Ô Hắc Lợi hô vang Hổ Bạch Ân và có một ngày thượng tôn võ thuật.
Có người nối nghiệp Võ sư Hổ Bạch Sơn cho biết, cố võ sư Hổ Bạch Ân có 5 người con, 2 trai và 3 gái. Cả hai con trai của ông đều được cha truyền lại cho nhiều bí kíp võ công. Đến nay, họ cũng là những người giỏi võ và theo nghiệp võ. Võ sư Hổ Bạch Ân từng vô địch đấu đài ba nước Đông Dương thập niên 50 của thế kỷ trước. Ông mất năm 2010, thọ 71 tuổi. |
Trung Nghĩa