Chiến tích lừng lẫy
Phải mất hơn một buổi sáng tìm đường, chúng tôi mới đến được nhà ông Lê Xuân Tưởng (SN 1950, ngụ thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) để trò chuyện về chiến tích lẫy lừng bắn hạ 37 chiếc máy bay của giặc Mỹ. Danh tiếng lẫy lừng, tên tuổi vang xa là vậy, nhưng nhà ông lại nằm khiêm tốn trong một ngõ nhỏ, phủ đầy rêu xanh. Niềm nở đón tiếp chúng tôi, trên môi ông luôn nở nụ cười. Thế nhưng khi kể về những cuộc chiến, những kí ức hào hùng và đau thương năm xưa, ông không giấu được những giọt nước mắt. Ông Tưởng bảo: "Chiến tranh đã kết thúc, phần thắng đã thuộc về chúng ta, thuộc về lẽ phải. Tổ quốc Việt Nam thân thương đã đòi lại được độc lập, tự do nhưng đến nay những thảm cảnh do chiến tranh gây ra cho dân tộc vẫn còn ám ảnh tôi".
Lê Xuân Tưởng mất cha từ sớm, người anh trai duy nhất của ông cũng theo tiếng gọi của quê hương lên đường vào miền Nam chiến đấu. Ngày ngày phải chứng kiến tội ác của quân xâm lược cùng bè lũ bán nước, trút lên đầu những người dân vô tội. Vì vậy, ngay từ lúc thơ ấu, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Tròn 16 tuổi, Lê Xuân Tưởng đã hăng hái xung phong vào đội du kích xã với nguyện vọng được cầm súng giết giặc, bảo vệ quê hương.
Tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng lại nhanh nhẹn, gan dạ, sau một thời gian rèn luyện, ông được phân công vào đơn vị dân quân trực chiến 12,7 ly của xã. Năm 1968, quân đội Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân, vùng đất Lệ Thủy trở thành vùng đất lửa khốc liệt nhất. Máy bay địch ngày đêm thả bom, dùng hỏa lực bắn phá nhằm cắt đứt mọi sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Hàng trăm người dân vô tội đã bị chết oan, hàng ngàn mái nhà bị thiêu cháy... dưới bom đạn của kẻ thù. Trong những ngày tháng đó, đại đội dân quân của ông đã bắn hạ được 2 máy bay của giặc. Chiến tích này thắp lên niềm tin, niềm hy vọng và khát khao được vào miền Nam chiến đấu, để đền nợ nước, trả thù nhà, đòi lại hòa bình, dân chủ và độc lập cùng cuộc sống yên bình trên quê hương Việt Nam thân thương trong ông.
Với những thành tích đã đạt được trong kháng chiến, ông Tưởng được nhận rất nhiều huân chương, huy chương do Nhà nước trao tặng.
Ngày 10/1/1969, khi vừa tròn 19 tuổi, ông vinh dự được nhập ngũ vào binh đoàn Nhật Lệ - Quảng Bình. Sau một thời gian khổ luyện, ông được cử vào đại đội 17 thuộc Trung đoàn I, Sư đoàn 324, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Trị - Thiên - Huế. Được biên chế vào đại đội có biệt hiệu "Đã đánh là thắng", ông cùng các chiến sĩ khác miệt mài luyện tập cách bắn máy bay địch bất kể ngày đêm. Nhờ lòng quyết tâm và chăm chỉ tập luyện, trong một thời gian ngắn, ông đã nắm bắt được các thao tác kĩ thuật cùng những kinh nghiệm bắn máy bay do đồng đội và cấp trên truyền lại.
Tháng 12/1969, Lê Xuân Tưởng cùng đơn vị hành quân vào cao điểm 1078 để đánh giặc. Cao điểm 1078 được cả phía giặc và ta coi là "yết hầu" nơi chiến tuyến. Đây chính là cửa ngõ của chiến trường Trị - Thiên - Huế, bởi vậy địch tập trung một số lượng quân lớn cùng hỏa lực mạnh, được sự yểm trợ của máy bay và xe tăng nhằm chống lại các đợt tấn công của quân ta. Với nhiệm vụ bảo vệ kho tàng, đường hành quân và yểm trợ cho bộ binh, sau khi chiếm lĩnh trận địa, đơn vị của ông liền gấp rút xây dựng công sự. Trong lúc quân ta đang miệt mài làm việc thì máy bay giặc tới bắn phá, một người đồng đội rất thân với ông đã anh dũng ngã xuống. Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, ông tự hứa với lòng phải học hỏi thêm để trở thành xạ thủ tiêu diệt máy bay giặc.
Sau những tiến bộ vượt bậc, ngày 01/02/1970, ông được phân công làm xạ thủ số một, trực tiếp bóp cò trong tổ pháo binh. Cũng chính hôm đó, khi phát hiện một chiếc máy bay cán gáo của địch đang quần thảo trong khu vực nhằm bắn phá cơ sở đóng quân của quân ta, ông cùng đồng đội quyết tâm phải hạ bằng được chiếc máy bay này. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, chiếc máy bay lọt vào tầm ngắm, một loạt đạn rền vang, chiếc máy bay liệng vòng rồi lao xuống trong tiếng hò reo của mọi người.
Từ tháng 2 đến tháng 4/1970, tiểu đội của ông đã hạ được 10 chiếc máy bay của giặc Mỹ. Chiến công nối tiếp chiến công, cái tên Lê Xuân Tưởng được nhiều đơn vị biết đến như một tấm gương sáng, một "sát thủ diệt máy bay" hồi đó. Sau khi tham gia chiến dịch Nam Lào, cho đến khi đất nước giành được độc lập, ông đã tiêu diệt tổng cộng 37 chiếc máy bay của đế quốc Mỹ.
Những trận chiến để đời
Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt bao nhiêu thì chiến sĩ Lê Xuân Tưởng càng nhận được sự kỳ vọng và niềm tin từ đồng đội cũng như cấp trên bấy nhiêu. Biết bao lần chết đi sống lại, biết bao lần phải cắn răng chịu sự đau đớn của thương tích hành hạ nhưng ông đã cùng đồng đội bám trụ, không quản ngại hy sinh để quyết tâm đánh giặc. Trong kí ức của người cựu binh, hình ảnh những trận chiến oanh liệt hôm nào vẫn còn vẹn nguyên như mới xảy ra ngày hôm qua.
Trận thứ nhất diễn ra vào lúc mờ sáng 02/07/1970. Pháo địch bắn phá ác liệt vào căn cứ Dốc Mây, nhằm mở đường cho trực thăng đổ quân. Mặc dù quân địch dùng nhiều thủ đoạn như thay đổi đội hình bay, cho bay do thám, cộng với sự yểm trợ của hỏa lực mạnh. Thế nhưng các chiến sĩ của ta không hề nao núng, chỉ trong vòng hơn 30 phút, chính tay ông đã hạ gục 5 chiếc máy bay hiệu HUIA của Mỹ, trong đó, có một chiếc rơi tại chỗ, một chiếc bị đạn xẻ làm đôi. Bị đòn đau, giặc cho pháo binh rải đạn như rải trấu, thả bom như mưa vào vào đồi Dốc Mây. Trận địa bị lộ, cả tiểu đội được lệnh rút về căn cứ dự phòng.
Do bắn nhiều, họng súng đỏ, nóng như cục than, ông phải cởi áo, nhúng vào nước rồi quấn quanh nòng súng để vác. Khi sang trận địa mới, bờ vai cùng hai bàn tay của ông đã bị bỏng rộp. Sợ ông không đủ sức chiến đấu, tiểu đội trưởng đã đề nghị ông nhường vị trí cho đồng đội nhưng ông không chịu. Tại vị trí chiến đấu mới, ông cùng đồng đội hạ tiếp 2 máy bay, làm thui chột ý chí đánh phủ đầu của giặc Mỹ.
Trận thứ 2 vào ngày 20/7/1970, tiểu đội của ông hành quân vào chốt chặn ở đồi Âm Hương. Tại đây, máy bay địch vừa bắn pháo hiệu, vừa rải chất độc với sự yểm trợ của pháo binh, gây rất nhiều khó khăn cho quân ta. Nhiều chiến sĩ bị hơi cay, thuốc hóa học làm mờ mắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Tuy nhiên, họ vẫn một lòng bám trận địa, kiên quyết chiến đấu tới cùng. Khi giặc vừa đổ quân, tiểu đội của ông đã diệt được 6 chiếc máy bay. Đang hăng say chiến đấu thì bất ngờ súng bị hóc, cả tiểu đội phải lui về tuyến sau để khắc phục sự cố. Sau mấy tiếng đồng hồ chạy đua với thời gian, đúng 20h cùng ngày, tiểu đội của ông lại hành quân vào cao điểm 805, tiếp tục chiến đấu.
Trận thứ ba, rạng sáng 21/7/1970, địch bắt đầu tấn công vào cao điểm 935 và rải quân xuống đồi Âm Hương. Trong trận chiến này, tiểu đội của ông đã hạ gục 5 chiếc máy bay, bị tổn thất nặng, giặc Mỹ phải lui quân. Sau khi chỉnh đốn lại lực lượng, đúng 16h cùng ngày, Mỹ lại tập trung bộ binh, có sự yểm trợ của hỏa lực mạnh cùng máy bay tiến hành đánh chiếm căn cứ quân ta. Vừa quay trở lại, chúng đã bị quân ta đánh phủ đầu, 03 chiếc máy bay rơi tại chỗ, bộ binh của giặc hoảng loạn rút lui, bị quân ta truy kích. Sau những thất bại liên tiếp, giặc Mỹ vô cùng cay cú, ngay đêm đó, chúng cho máy bay tới bắn phá ác liệt trên đồi Âm Hương. Đoán được tình hình trên, quân ta đã chủ động rút về nơi trú ẩn an toàn.
Sau trận mưa bom trong đêm, quân địch cho máy bay trinh sát tới thăm dò tình hình. Không may cho chúng, chiếc máy bay trinh sát ấy đã trở thành miếng mồi ngon cho "sát thủ" Lê Xuân Tưởng trên ngọn đồi Âm Hương lịch sử.
Kỳ tích chưa từng ghi nhận trên thế giới Với 29 trận chiến, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, người chiến sĩ trẻ kiên trung Lê Xuân Tưởng đã cùng đồng đội tiêu diệt 33 chiếc máy bay của Mỹ, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ, đến năm 1972, tổng số máy bay bị ông hạ gục lên tới 37 chiếc. Đây là một thành tích hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Nhằm ghi nhận những đóng góp của ông đối với cách mạng, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho ông tổng cộng 27 huân chương, huy chương, bằng khen... các loại. Trong đó, có 06 bằng khen Dũng sĩ diệt máy bay, 05 lần được tặng Huân chương chiến công, 03 lần được tặng Huân chương chiến sĩ vẻ vang... |
Công Thư