"Màn kịch" tàu cá hoàn hảo
TP.Tuy Hòa (Phú Yên) những ngày đầu tháng 10/2012 đang gồng mình đón cơn bão số 7. Mưa như trút, khiến nhiều con đường trong phố chìm trong nước, sóng biển vẫn gầm gào như muốn nuốt chửng cả TP. nhỏ bé này. Trên con đường Chu Văn An ngập nước, không quá vất vả để tìm nhà ông Hồ Đắc Thạnh, bởi khi hỏi đến, mấy bà hàng xóm đã tranh nhau đưa nhà báo đến tận nhà thuyền trưởng con tầu 0 số.
Tàu 0 số vận chuyển vũ khí vào chiến trường khu 5
Ông Thạnh năm nay đã gần 80 tuổi, thương binh hạng 4/4 nhưng sức khỏe của ông thuộc lại hiếm ai có được. Khá thân mật, ông mở đầu bằng những lời hỏi thăm về tiết thu miền Bắc - nơi một thời đã cho ông bao kỷ niệm. Trước khi bắt mạch câu chuyện, ông Thạnh dạo đầu bằng lời trăn trở: ""0 số" tức là "không được nói", trong khi mất mát hy sinh thì quá nhiều. Đối với anh em chúng tôi luôn xác định, đã ra biển là có hai cái chết, một là thời tiết bởi lúc đó trình độ thông tin liên lạc hết sức lạc hậu, thứ hai là gặp giặc. Nhưng tất cả vẫn xác định việc này mình phải làm, thậm chí nhiều anh em không được đi còn thấy ấm ức"
Trung tá Hồ Đắc Thạnh là thuyền trưởng dày dạn, đi 12 chuyến, vào loại nhiều của lữ đoàn 125. Với chiến tích 7 lần vào Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh và 4 chuyến vào Phú Yên, Quảng Ngãi. Lần cuối đi Cà Mau với con đường có chiều dài và số ngày đi kỷ lục thì địch phát hiện, cấp trên cho quay lại. Tàu 41 của ông cũng vào loại có số vòng quay nhanh nhất của đoàn.
Bỏ qua 7 lần đi vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ông Thạnh bắt đầu bằng chuyến đi thứ 8, chuyến đi mà ông ví như được về với đất mẹ. Đây được coi là chiếc tàu sắt đầu tiên của ta vào khu 5. Chuẩn bị hành trang lên đường với 63 tấn vũ khí, đi đến Đà Nẵng thì gặp địch, một chiếc máy bay và 2 tàu chiến bủa vây với hàng loạt nòng súng chĩa thẳng về phía tàu. Trước cái sống và chết, kiên quyết không tránh địch, tàu vẫn giữ vững hướng đi, đồng thời ông Thạnh cho quân chuẩn bị B40, B41sẵn sàng giao chiến.
"Sau một tiếng đồng hồ căng thẳng, thủy thủ trên thuyền người nào người nấy vã mồ hôi, lúc bấy giờ tôi cho vài người đưa một sọt cá để phơi, một số anh em đứng cầm chai rượu giơ lên mời gọi về phía địch giống như một tàu cá của ngư dân. Màn kịch nhanh chóng có hiệu quả, quân địch quay đầu bỏ đi, tàu lại tiếp tục phóng về cảng Vũng Rô với tốc độ 12 hải lý/giờ. Tàu cập bến lúc 23h, lúc bấy giờ không ai đón càng khiến thủy thủ hoang mang bởi đã biết bờ ra sao. Nhưng bằng linh cảm tôi biết đã đúng bến, rồi cho hai đồng chí bơi vào bờ bắt liên lạc với bến".
"Khi bắt được liên lạc, anh em gặp nhau ôm nhau khóc, hỏi ra thì biết hơn một tháng nay các đồng chí ăn sung đón tàu vô. Với khả năng của bến lúc đó chỉ có mong mỏi một tàu vũ khí khoảng 4-5 tấn một đêm bốc ngay, nay tổ chức điều một tàu sắt với 63 tấn hàng này thì biết làm sao. Trong khi đó, theo nguyên tắc, tàu chúng tôi chỉ được phép vào bờ từ 24h đêm hôm trước đến 3h sáng hôm sau phải rút nhằm tránh bị lộ. Trước tình hình đó, tôi quyết định ở lại, bằng kinh nghiệm, tôi cho tàu cập vào núi đá, ngụy trang tránh tầm quan sát của máy bay giặc. Một ngày ở lại, toàn anh em trên tàu sống trong trạng thái căng như dây đàn vì máy bay địch liên tục lượn lờ. Nhưng may mắn ngày hôm đó trôi qua an toàn và 63 tấn vũ khí đã vào được khu 5 trọn vẹn", ông Thạnh thuật lại.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến thăm gia đình trung tá Hồ Đắc Thạnh
Đón Tết trên... chiến trường
Về nghỉ chưa lâu, tàu 41 của thuyền trưởng Thạnh lại được lệnh đi vào Vũng Rô chuyến thứ 2. Nhận thấy chuyến trước anh em trong đó sống khổ cực thiếu thốn gạo, ông Thạnh đề xuất xin đưa 3 tấn gạo vào, nhưng gặp rất nhiều khó khăn bởi lúc đó ta đang tận dụng từng li để chở vũ khí thì nay phải chừa diện tích cho 3 tấn gạo. Đấu tranh mãi cuối cùng ông cũng thuyết phục được cấp trên đồng ý. Chuyến đi này, ngoài 60 tấn vũ khí, tầu đưa thêm được 3 tấn gạo tám thơm vào khu 5. Khi vào đến nơi, tàu 41 lại được đón bằng những giọt nước mắt cảm động.
Chuyến thứ 3 cùng được chuẩn bị ngay sau đó, đáng nói hơn chuyến này còn đi đúng vào thời điểm chuẩn bị đón giao thừa của năm 1964. Nếu đúng lộ trình tính toán thì đúng giao thừa tàu sẽ cập bến. Toàn bộ thủy thủ xác định là ăn tết tại bến nên bên cạnh những thùng hàng có thêm cành đào Nhật Tân đưa vào. Đúng 23h50' tàu có mặt ở Vũng Rô, bất ngờ hàng loạt hỏa châu, pháo sáng bắn sáng trưng bầu trời, đoàn tàu như lặng im vì ngỡ mình đã bị lộ. Bất chợt, tiếng đài từ trong boong tàu phát ra lời Bác Hồ chúc Tết. Anh em thở phào quay ra ôm nhau chúc mừng đón giao thừa. Đến sáng hôm sau, hàng Tết tàu đưa đến được các chiến sĩ trên bờ cùng hưởng ứng dù cho trên đầu máy bay địch vẫn gầm rú.
40 năm sau, khi đã về nghỉ hưu, ông mới đi tìm lại cô gái này. Gặp nhau xúc động, ông có hỏi tại sao cô lại có hành động đó, cô trả lời, "khi gặp các anh thì mừng quá, không có vật gì kỷ niệm nên chỉ còn biết lấy khăn tay bọc nắm đất Vũng Rô như một món quà đậm tình quê hương".
Năm 1966, tàu 41 lại được giao nhiệm vụ thí điểm thả hàng xuống Bãi Ngang (Đức Phổ, Quảng Ngãi), nơi thuyền không thể vào sâu trong bến, chỉ vào đến một mức độ nào đó rồi thả hàng xuống biển cho lực lượng trong bờ ra vớt. Vượt qua cơn bão, tàu tiếp cận được vị trí thả hàng nhưng bất ngờ có một cơn sóng đánh mạnh khiến tàu mắc cạn, phải dùng đến phương án phá tàu. Sau khi đưa 30 tấn vũ khí xuống và cho anh em bơi vào bờ, ông Thạnh đã ở lại ấn chốt bộc phá luôn sẵn sàng dưới tàu.
Nhưng khi chưa bơi vào đến bờ, thì tàu nổ, hai chiếc tàu địch ngoài xa phóng nhanh về phía đoàn. Trên trời bắt đầu máy bay xuất hiện càn quét, trong trận đó hai chiến sĩ của tàu cùng vài đồng chí du kích trong bến đã hy sinh, còn ông Thạnh bị thương nặng ở chân. Sau đó tất cả được dân quân dẫn đường rừng hành quân vượt Trường Sơn ra Bắc với hành trình ròng rã hơn 3 tháng trời.
Trăn trở và day dứt Nói về chiến công chắc ngồi cả ngày, trung tá Hồ Đắc Thạnh cũng không thể kể hết, mà có lẽ trong giới hạn bài viết này cũng không thể nói trọn. Nhưng có điều khiến chúng tôi cũng phải trăn trở cùng vị thuyền trưởng tầu 0 số, khi đồng đội quanh ông còn nhiều khốn khó. Chẳng thế, sắp bước đến cái tuổi 80, vị phó ban liên lạc tàu 0 số phụ trách miền Trung vẫn chưa thể thảnh thơi. |
Trần Quyết