Mong muốn sở hữu nhà của người trẻ rất lớn
Những năm qua, giá nhà đất ở các địa phương khu vực phía Nam tăng cao, tại Tp.HCM các dự án nhà dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội khan hiếm.

Mong muốn sở hữu nhà của người trẻ ngày càng tăng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều "rào cản".
Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Nhật Nam (quê Quảng Nam) cho biết: "Tôi đã làm việc ở Tp.HCM hơn 10 năm, với ý định sẽ an cư ở thành phố nên cũng muốn sở hữu 1 căn chung cư để thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, với thu nhập tầm 10 triệu đồng/tháng, tôi vẫn chưa tìm được căn hộ phù hợp vì giá bán tại Tp.HCM rất cao, trong khi đó thu nhập vẫn chưa đủ để trả ngân hàng".
Theo chia sẻ từ anh Nam, do giá nhà tại Tp.HCM quá cao, anh Nam quyết định về khu vực các tỉnh vùng ven như Bình Dương để mua.
Tuy nhiên, giá một số căn hộ có vị trí tiệm cận với Tp.HCM cũng nằm ở mức 2,7 - 3,5 tỷ đồng/căn. Xa hơn có nhà sẵn là 2 - 2,4 tỷ đồng. Một số dự án cũng có mức giá tầm 1,5 - 1,7 tỷ đồng/căn tuy nhiên vị trí đi lại không thuận tiện phải mất cả giờ đồng hồ mới có thể vào nơi anh làm việc và phải chờ từ 2 - 4 năm cho việc xây dựng hoàn thiện.
"Không tính tới việc đi lại, nhưng với việc mua nhà mức 2 tỷ đồng, tôi phải vay ngân hàng khoảng 1,5 tỷ, khó khăn nhất là hiện nay thu nhập chưa ổn định và lãi suất vay ngân hàng chỉ ổn định ở 2 năm đầu, hàng tháng phải trả số tiền lãi và gốc hơn 6 triệu đồng nên tôi vẫn chưa thể chọn được phương án tốt nhất", anh Nam cho hay.
Một trường hợp khác là chị Trâm (ngụ Gò Vấp, Tp.HCM) cho biết, 2 vợ chồng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng nhưng do phải nuôi con nhỏ, chi phí sinh hoạt ở thành phố rất cao nên cũng chật vật khi mua nhà.
"Hiện nay giá căn hộ 2 phòng ngủ ở khu vực Tp.HCM phải ở mức 3 - 4 tỷ đồng, nếu như lãi suất hiện nay khoảng 5 - 6%/năm thì trong hạn mức vay từ 2 - 2,5 tỷ vẫn là quá sức với chúng tôi.
Vay trong 20 năm, dù lãi suất ưu đãi 5,5%, mỗi tháng phải trả trung bình hơn 15 triệu đồng, hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi có thể lên trên 8 - 10% một năm (giảm dần theo dư nợ gốc). Việc mua nhà gần như là khó với gia đình có mức thu nhập như chúng tôi vì có quá nhiều thứ phải chi phí", chị Trâm cho hay.

Cần có thêm nguồn cung nhà ở giá rẻ, phù hợp với mức thu nhập của người dân nói chung và người trẻ hiện nay nói riêng.
Chia sẻ với PV, chị Trâm cho rằng gia đình sinh sống và làm việc tại Tp.HCM nên mong mỏi có nhà để an cư, nhưng với giá nhà hiện tại thì rất khó dù gia đình chị có thu nhập trên mức trung bình.
"Tôi nghĩ rằng, các cơ chế hỗ trợ người dân được đẩy mạnh, không riêng gì người trẻ mà tất cả những người có mong muốn nhu cầu nhà ở thực đều được hỗ trợ. Trong đó, nhà nước nên có cơ chế về vay vốn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, tăng cường xây dựng càng nhiều thì việc mua được nhà của người dân càng lớn, ngoài ra cũng sẽ kéo giảm giá nhà ở thương mại tránh các doanh nghiệp tư nhân làm nhà đẩy giá lên cao", chị Trâm cho hay.
Nhà nước cần đóng vai trò là "bà đỡ"
Chia sẻ về những giải pháp cho thị trường bất động sản và cơ hội để cho người dân, trong đó có người trẻ có thể sở hữu nhà mà không phải trả với giá phí quá cao, tại buổi tọa đàm "Nhà ở dành cho người trẻ" ngày 3/4, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, cần xác định độ tuổi là từ 45 trở xuống, thay vì 35 tuổi như hiện nay để định về người trẻ, người có nhu cầu sở hữu nhà.
Theo ông Châu, thị trường đang chứng kiến tình trạng giá nhà tăng phi mã do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu lớn. Hiện nay, số lượng nhà ở xã hội tại Tp.HCM chỉ vào khoảng 6.000 căn, quá ít so với nhu cầu thực tế.

Đẩy mạnh làm nhà giá rẻ, giải pháp căn cơ cho việc người trẻ tăng cơ hội sở hữu nhà.
Chủ tịch HoREA cho rằng, Tp.HCM và Hà Nội cần phải đẩy mạnh gia tăng nguồn cung. Nếu đề án xây dựng 1 triệu căn nhà của Chính phủ được triển khai thành công, đây sẽ là một yếu tố quan trọng giúp cân bằng thị trường.
Ông Châu mong muốn Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, như đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.
Cũng tại buổi tọa đàm, TS Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng ngoài việc thúc đẩy các vấn đề về pháp lý dự án, giải quyết thủ tục hành chính, tăng nguồn cung dự án thì giải pháp về tín dụng, ưu đãi lãi suất thấp, thời gian dài là rất cần thiết.
Theo ông Tuấn, nhóm người có độ tuổi từ 24 đến 33 là đối tượng có nhu cầu mua nhà rõ nét nhất. Luật Nhà ở hiện nay, đặc biệt là Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của nhóm này nếu triển khai đầy đủ.
Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, con số này vẫn là mức tối thiểu. Cụ thể, tại Tp.HCM – nơi có dân số khoảng 14 triệu người – đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 chỉ xây 100.000 căn nhà ở xã hội là quá ít so với nhu cầu thực tế. Do đó, cần có giải pháp xã hội hóa mạnh mẽ hơn.
Doanh nghiệp nên được tạo điều kiện để chủ động sử dụng quỹ đất của mình phát triển nhà ở xã hội, với mức giá được tính hợp lý – ví dụ, áp dụng theo khung giá đất tính thuế của năm 2024. Đồng thời, Nhà nước cần đóng vai trò là "bà đỡ", hỗ trợ chính sách để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và đầu tư hiệu quả hơn vào lĩnh vực này.
Song song đó, cần có chính sách ưu đãi riêng về nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi, tương tự như chính sách ưu đãi với nhà ở xã hội hiện nay. Ngoài sinh viên và công nhân, các đối tượng khác cũng cần được xem xét trong việc xây dựng chính sách tiếp cận nhà ở phù hợp.

TS Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
"Tôi kiến nghị xem xét khôi phục hoặc thiết kế lại gói vay dự án nhà ở xã hội, vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và thời hạn vay dài, tiếp tục hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu, hoặc cả những người mua thứ cấp trong các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện. Nếu có một gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh tài chính cho người trẻ trong hành trình sở hữu ngôi nhà đầu tiên", ông Tuấn chia sẻ.
Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng; Hiện nay, việc tiếp cận quỹ nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, do nguồn cung trong thời gian qua về số lượng dự án, căn hộ được đầu tư xây dựng và hoàn thành để bán, cho thuê hoặc thuê mua vẫn chưa nhiều.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng lại rất lớn so với nguồn cung hiện tại.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng hiện nay đang có nhiều chính sách đẻ thúc đẩy thị trường nhà ở, tạo điều kiện cho người mua nhà tiếp cận dễ dàng hơn.
Rõ ràng, với nhu cầu cao như vậy, khả năng tiếp cận của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc phát triển nhà ở xã hội đang được triển khai quyết liệt nhằm gia tăng nguồn cung, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang.
Việc phát triển nhà ở xã hội cũng đã được giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển phân khúc này. Để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định.
Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.