Gái bán dâm, gái điếm, gái bán hoa, “cave”… là những từ chỉ một nghề nhạy cảm, nhiều góc khuất Công việc này luôn khiến nhiều người tò mò và các cuốn sách tự truyện của những "kẻ trong nghề" - dù số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay - vẫn luôn trở thành best-seller.
“Tự truyện của gái mại dâm” của Ấn Độ phát hành năm 2005, bán được hơn 10.000 bản chỉ trong 6 tháng đầu, trong khi ở Ấn Độ, số lượng 5.000 bản đã được coi là sách bán chạy nhất. “Nọc độc ngọt ngào của bọ cạp: Nhật ký gái gọi” (Brazil) thậm chí còn ấn tượng hơn khi trong một tháng bán được khoảng 30.000 bản, xếp hạng ba trong danh sách best-seller ở nước này.
“Tôi là Ê-ri” của Thái Lan đoạt giải nhất giải thưởng văn học dành cho nữ giới Chommanard năm 2010. Ngay khi xuất bản, “Tôi là Ê-ri” đã trở thành hiện tượng ở Thái. Cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam trong tháng 7.
Ở Việt Nam, cuốn “Gái điếm” của Nguyễn Văn Học cũng gây sốt ở đề tài này - dù đây không phải tự truyện.
Phơi bày sự thật trần trụi
Điểm chung của những cuốn sách này là đều phản ánh chân thực và bóc trần cuộc sống dưới đáy xã hội. “Tự truyện của gái mại dâm” là chuyện đời của Nalini Jameela, người phụ nữ hành nghề bán dâm 25 năm và quan hệ với hơn 1.000 đàn ông. Lời văn chân thực đến độ người đọc phải e ngại: Nếu không có chúng tôi, xã hội sẽ lâm vào một tình trạng giống như một cái nồi áp suất bị khóa van an toàn. Người đàn bà thất học này tạo ra nhiều tranh cãi trong quốc gia bảo thủ như Ấn Độ vì đã mô tả chính xác cuộc sống lộn xộn và hỗn loạn của thế giới gái mại dâm: Gái mại dâm được tự do ở bốn điều: Chúng tôi không phải nấu ăn cho chồng; không phải giặt quần áo bẩn; không phải xin phép chồng cách nuôi dạy con cái; không phải chạy theo chồng sau khi anh ta tuyên bố quyền hợp pháp tài sản.
"Gái điếm" - tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học - chứa đựng hiện thực trần trụi về nghề mại dâm.
Tác giả của “Nọc độc ngọt ngào của bọ cạp: Nhật ký gái gọi” - Raquel Pacheco - viết sách khi cô mới 21 tuổi và có ba năm hành nghề mại dâm. Cô miêu tả sống động và chân thực, thậm chí còn cung cấp cho độc giả những bí quyết cải thiện đời sống tình dục. Raquel Pacheco nhanh chóng trở thành hiện tượng văn hóa ở Brazil, nổi tiếng bởi sự thẳng thắn và không hề cảm thấy hối hận với nghề nghiệp của mình: Phụ nữ Brazil có hình ảnh sexy, khá dễ dãi và không bị ngăn cấm trên giường. Tuy nhiên, bất cứ ai sống ở đây điều biết điều này không phải sự thật.
Ở Việt Nam, tiểu thuyết “Gái điếm” tuy không phải là tự truyện của một cô gái đích danh nhưng nhà văn Nguyễn Văn Học đã miêu tả các cuộc trao đổi, ngã giá trần trụi khiến độc giả có thể đỏ mặt: Để moi được tiền từ trong túi hắn, trong túi tất cả những gã đàn ông, tôi chịu đựng tất cả. Cái bụng sệ kềnh càng hắn đè lên người, lên chân, lên cả đầu, nằng nặng, ngạt thở. Tôi chấp nhận cả cái miệng thum thủm của hắn hôn hít lên môi, lên da thịt, lên bầu vú… Mùi hôi miệng phả nồng nặc. Nguyễn Văn Học là nhà văn luôn đau đáu về thân phận gái bán hoa và viết rất nhiều về đề tài này. “Gái điếm” của anh dường như nhìn thấu mọi đau đớn và tâm tư của lớp người đáy xã hội.
So với những cuốn sách trên, “Tôi là Ê-ri” (Thanadda Sawangduean) có nhiều điểm khác biệt. Tác phẩm do chính gái bán dâm tự mình viết (“Tự truyện của gái mại dâm” do tác giả kể chuyện cho nhà hoạt động vì nữ quyền viết lại) và là gái mại dâm hạng “phổ thông” (R. Pacheco trong “Nọc độc ngọt ngào của bọ cạp: Nhật ký gái gọi” là gái mại dâm cao cấp) ngày tiếp mấy chục lượt khách.
Qua lời kể của Ê-ri, những thành phố phồn hoa Tokyo, HongKong, Singapore ẩn chứa đầy nỗi tủi nhục và đắng cay. Đó cũng chính là nơi cô bán thân, chiến đấu với đau đớn, cám dỗ và sa đọa: Việc ngủ với khách để đổi lấy tiền chẳng hề sung sướng giống như với người mình yêu chút nào đâu. Ngủ với người mình yêu dù có đau đớn nhưng vẫn hạnh phúc. Nhưng ngủ với khách thì nhiều lần phải rơi nước mắt vì tủi nhục. Nhiều khách rất thô lỗ, dơ bẩn nhưng vẫn phải cố gắng chịu đựng.
Cầu mong cái nhìn nhân văn
Mại dâm luôn là vấn đề nhức nhối do những hệ lụy mà nó mang lại, dù trên thế giới có hơn 20 nước đã hợp pháp hóa nghề này. Với những cô gái này, đằng sau các cuộc mua bán thân xác, vui chơi trụy lạc là tột cùng của tủi nhục và đau khổ. Và họ luôn mong xã hội cảm thông hơn. Jameela viết trong “Tự truyện của gái mại dâm”: Tôi viết cuốn sách này cho những người hành nghề mại dâm. Tôi muốn nói về nó để xóa đi những điều ô nhục. Ai cũng nghĩ chúng tôi rất xấu xa vì quan hệ tình dục để lấy tiền. Không ai có thể hiểu được những đau khổ mà chúng tôi phải trải qua.
Nhân vật trong “Gái điếm” lúc đau đến quặn lòng khi đứa con mang trong bụng đã chết, lúc nức nở tủi nhục: Là một con điếm khổ quá, không dám cầu cạnh gì bác sĩ. Người ta hỏi chồng tao đâu. Tao không nói được gì. Không có người nhà, tao biết những người ở đây họ đoán được tao là ai. Có lẽ tao chết mất. Nhưng dẫu vậy, họ vẫn có tự tôn của riêng mình: Vậy thì cave cũng có văn hóa chứ, văn hóa làm cave. Cave cũng đa dạng dăm bảy loại, cũng cảnh ngộ, cũng cười cợt, cũng khóc ngả ngớn, cũng yêu, phân ly, phản bội, ghen tuông.
Còn Ê-ri, dù phải ngủ với hàng trăm người đàn ông, cô vẫn luôn không thôi khao khát có được mái nhà hạnh phúc. Vì ước mong ấy mà người đàn bà ngoài bán thân xác và chơi cờ bạc chẳng biết làm gì, dần từ bỏ con đường đen tối, ngoan ngoãn làm người vợ hiền, nai lưng làm bánh bán khắp chợ, sống cùng người đàn ông kém 10 tuổi ngót nghét 9 năm, để rồi khi bị chính anh ta ruồng bỏ, cô lại một lần nữa quay về với nghề bán thân chẳng mấy tự hào.
Sau khi phát hành tự truyện, cuộc đời của những cô gái bán dâm bước sang trang mới, họ có tiền bạc, cơ hội xuất hiện trên truyền hình, báo chí. Sự nổi tiếng bất ngờ này tạo nên xu hướng trải lòng về nghề nghiệp của các gái bán dâm rộng rãi trên báo chí và mạng xã hội, giúp công chúng có cái nhìn đa chiều hơn về nghề nghiệp này.
Theo VnExpress.net