Loại thứ nhất là những văn bản ngô nghê, thiếu cả tính pháp lý lẫn thực tiễn cuộc sống. Loại văn bản này được soạn thảo bởi những công chức yếu kém về nghiệp vụ điển hình như các qui định ngực lép không được cấp bằng lái xe, không được bán thịt 8 giờ sau khi giết mỏ, ghi họ tên cha mẹ trong CMND, qui định về tang lễ cán bộ công chức…
Loại văn bản thứ hai là những văn bản thiếu tính khả thi, thậm chí biết là không thực hiện được nhưng vẫn ban hành. Đó là các loại văn bản như phạt người hút thuốc lá nơi công cộng (hình như cho đến nay, mới phạt được có 1,5 triệu đồng ở tận… Lào Cai), cấm sử dụng điện thoại khi mua xăng (cho đến nay không biết đã phạt được đối tượng nào chưa?).
Có cả những văn bản ban hành hình như để đối phó, kiểu “chúng tôi đã ban hành rồi đấy nhé” như cấm rượu không nhãn mác chẳng hạn. Đành rằng về lý thuyết, đây là qui định đúng nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay, cấm rượu tự nấu là điều không tưởng.
Ảnh minh họa
Loại văn bản thứ ba, đó là những văn bản mà người ban hành còn nhằm mục đích qua đó, giành cho ngành mình những đặc quyền, đặc lợi. Thậm chí, nó còn mang bóng dáng của loại hình “tham nhũng chính sách”, bị chi phối bởi lợi ích nhóm như phát biểu của ĐB Nguyễn Bá Thuyềnvà ĐB Chu Sơn Hà cùng đặt ra trong kỳ họp Thường vụ Quốc hội vừa qua.
“Tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, vậy có hay không tình trạng tham nhũng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật tức là tham nhũng chính sách? Thực tế, có nhiều văn bản mâu thuẫn nhau, có phải nhằm bảo vệ lợi ích của bộ ngành mình?” –ĐB Thuyền nêu câu hỏi. Còn ĐB Chu Sơn Hà lại băn khoăn “có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm?”.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trường Hà Hùng Cường nói:“Cũng có thể có xuất hiện, nhưng vấn đề đó rất khó vì kiểm soát rất chặt. Nhưng cũng không loại trừ khả năng có lỗ hổng trong kiểm soát”.
Tuy nhiên theo chúng tôi, đành rằng khó nhưng cũng không khó đến mức không kiểm soát được.
Xin đơn cử hai văn bản gần đây nhất của hai cơ quan tư pháp và hành pháp liên quan đến một lĩnh vực: Báo chí.
Văn bản thứ nhất là Điều 25 Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND qui định cảnh cáo hoặc phạt 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án.
Đây là một qui định vừa sai thẩm quyền, vừa lấn sân bởi Nhà báo và các cơ quan báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Ban Tuyên giáo và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ TT-TT. Hoạt động của báo chí là hoạt động theo luật Báo chí và các công uớc quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Vụ việc thứ hai đang làm xôn xao dư luận xung quanh văn bản 1042 có qui định cấm nhà báo quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Trước những phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội và sự vào cuộc của Bộ Tư pháp, vào chiều 23/8, quy định trên đã bị hủy bỏ trong văn bản 1042.
Từ hai sự việc trên, nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao sự sai trái này lại xảy ra ở hai cơ quan hành pháp và tư pháp?
Có hay không sự lo sợ trước phản ánh đúng của báo chí về một số sai phạm nên muốn “che mắt”, “bịt” bằng chứng?
Phải chăng đây chính là sự chi phối của “lợi ích nhóm”, tự ban cho mình những “đặc quyền, đặc lợi” như ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đã nêu ở trên?
Tóm lại là nguyên nhân sâu xa của việc ban hành các văn bản sai trái này là gì bởi chả lẽ cơ quan tư pháp và hành pháp lại có thể non kém đến thế?
Theo Dân Trí