Với người Việt, không gian thờ tự là nơi thiêng liêng bậc nhất, nơi thể hiện tình cảm giữa các thế hệ và sự tôn nghiêm trong gia đình. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân lại hối hả dọn dẹp, bài trí ban thờ để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu cách bày biện ban thờ như thế nào cho đúng, cho đủ. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với sư thầy Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng (Hà Nam) về vấn đề này.
Theo thầy Thích Minh Quang, trên ban thờ cần phải có đủ 6 vật phẩm sau: Nhang, đăng, quả, thực, nước, hoa.
1. Nhang (hương)
Nhiều người thường thắc mắc, trong một gia đình nên có bao nhiêu bát nhang (bát hương)? Khi nào thì nhổ chân nhang? Cách thắp nhang thế nào cho đúng? Và ý nghĩa của việc làm này?
Theo sư thầy Thích Minh Quang, một gia đình chỉ nên có một hoặc ba bát nhang. Nếu gia đình có hai ban thờ thì nên có hai bát nhang nhưng cố gắng càng ít càng tốt. Bởi vì bát nhang chỉ là vật để cắm nhang, nhang dùng để thể hiện tâm thành của mình mà thôi.
Thông thường người dân sẽ đợi đến ngày 23 tháng Chạp để hóa chân nhang. Tuy nhiên, thực tế không cần phải như vậy. Bởi khi thắp nhang, hương là phần tinh túy, chân nhang và tàn nhang giống như phần thừa. Thế nên, khi bát hương nhiều chân nhang, người dân có thể nhổ bỏ. Khi nhổ chân nhang, người dân không cần thắp nhang mà chỉ cần khấn: “Con lạy thần thổ công, lạy các cụ, hôm nay cho con được bao sái (tức dọn dẹp ban thờ)”. Người nào kĩ tính hơn có thể dùng nước gừng vẩy vào bát nhang để thể hiện cho sự thanh tịnh.
Khi thắp nhang, người dân thường thắp 3 nén nhưng lưu ý là không nên cắm chụm lại. Bởi ba cây nhang biểu tượng cho quá khứ - hiện tại – vị lại. Cây nhang thứ nhất thắp cho các cụ tổ tiên, tiền tổ đã mất trong đời quá khứ. Cây nhang thứ hai cầu cho đời bình, cho con cháu hiện tại được mạnh khỏe. Cây nhang thứ ba cầu cho cháu chắt tương lai được duy trì và tiếp nối.
2. Đăng (đèn)
Trong đời sống hiện đại, nhiều hộ gia đình hay sử dụng nến hoặc đèn điện để thắp sáng ban thờ. Tuy nhiên theo sư thầy Thích Minh Quang thì việc này không nên và người dân nên để một đôi đèn dầu trên ban thờ.
Đèn dầu biểu tượng cho đèn lửa – đại diện cho trí tuệ truyền đời. Nếu hai cây đèn thắp ở chùa thì một cây đại diện cho trí tuệ Phật, một cây đại diện cho trí tuệ chúng sinh. Hai cây đèn ở ban thờ, một cây đại diện cho trí tuệ của tổ tiên, một cây đại diện cho trí tuệ con cháu tại thế. Tất cả đều bình đẳng, tiếp nối nhau đời đời.
3. Quả
Nhiều người hay thắc mắc hoặc tranh cãi về những loại quả nào sẽ được bày biện trên ban thờ tổ tiên. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) thì mâm ngũ quả vốn bắt nguồn từ câu chuyện Phật giáo.
Cụ thể đó là 5 loại trái cây mà các tì khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn. Đó là: 1: Loại quả có hạt như táo, hạnh, đào, mận … 2: Loại quả có da như dưa, lê, dâu … 3: Loại quả có vỏ như dừa, hồ đào, thạch lựu … 4: Loại quả có vỏ sần sùi như tùng, bách, tô nhẫm … 5: Loại quả có góc cạnh như ấu, các loại đậu lớn nhỏ …
Năm loại trái cây trên đây vốn được dùng để cúng dâng trong pháp hội Vu lan bồn, sau dùng để cúng trong nghi lễ thờ Phật, rộng ra, trong lễ tiết cúng tế nói chung.
Sư thầy Thích Minh Quang cũng cho rằng, người dân có thể cúng quả gì cũng được miễn sao gia chủ thành tâm muốn cúng dường chư thánh thần và tổ tiên. Điều quan trọng là khi thực hiện việc này, tâm phải thanh tịnh thì đồ cúng mới thanh tịnh.
4. Thực
Thực được hiểu theo hai nghĩa là đồ cúng (gồm đồ chay và đồ mặn) và tấm lòng thành thực khi dâng cúng đồ ăn lên tổ tiên. Tuy nhiên, việc bày biện đồ cúng cần phải được lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, ban thờ là chỗ các cụ về nghỉ ngơi nên người dân không nên bày đồ mặn trên đó. Ban thờ chỉ nên bày xôi, chè hoa quả thôi.
Thứ hai, với những gia chủ muốn cúng đồ (cả đồ chay và đồ mặn) thì nên bày trên một chiếc ghế đặt dưới ban thờ.
5. Nước
Nước biểu tượng cho sự gột rửa, thanh lọc và thanh tịnh. Trên ban thờ, người dân nên đặt hai chai nước hoặc hai chóe nước nhỏ hai bên.
6. Hoa
Nhiều người cũng thường tranh cãi nên bày hoa gì trên ban thờ? Tuy vậy, người dân có thể bày những loại hoa mình thấy đẹp nhất (bất kể là hoa gì) lên ban thờ tổ tiên. Vì đó là những loại hoa mình thấy đẹp nhất nên việc cúng dường thánh thần, tổ tiên cũng có ý nghĩa nhất.
Phạm Thiệu