Rừng bị tàn phá do lực lượng mỏng?
Như đã đưa tin, vào giữa tháng 3/2019, khi lực lượng kiểm lâm huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tuần tra thì phát hiện tại tiểu khu 329, phần rừng Trường Sơn, gần cầu Dìn Dìn, trên nhánh tây đường Hồ Chí Minh, xã Trường Sơn, xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng. Theo đó, đoàn kiểrn tra xác định có 45 cây gỗ có đường kính từ 40 đến 120cm đã bị chặt hạ trái phép, trong đó có 26 cây gỗ lim, 17 cây gõ và hai cây gỗ chua. Hiện trường còn lại 45 súc gỗ có khối lượng hơn 16m3, riêng gỗ lim là 13,6m3 và nhiều bìa bắp, cành nhánh. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng phát hiện thêm gần đó còn có 67 hộp gỗ lim và gõ với khối lượng gần 5m3 được cất giấu kỹ càng trong rừng.
Khu vực rừng này do Lâm trường Trường Sơn, thuộc công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại quản lý. Vụ phá rừng này được xác định xảy ra trong khoảng cuối năm 2018, tuy nhiên đến giữa tháng 3/2019, lực lượng Kiểm lâm huyện Quảng Ninh tuần tra rừng mới phát hiện được.
Theo ghi nhận, khoảng cách từ cây gỗ đầu tiên bị đốn hạ đến đường dẫn ra cầu Dìn Dìn, trên nhánh tây đường Hồ Chính Minh thuộc xã Trường Sơn, chỉ tầm 2km. Sau khoảng 20 phút đi bộ, chúng tôi đã tiếp cận được một cây gõ, gốc có đường kính khoảng 80cm, phần dưới của cây gỗ đã bị lâm tặc lấy đi, riêng một phần ngọn còn lại vẫn nằm tại tại hiện trường, phần này cũng có đường kính lên đến 60cm.
Cách đó chưa đầy 1km, 2 cây gỗ khác cũng vừa bị đốn hạ, một phần của cây gỗ lớn vẫn còn nằm lại gần khe suối.
Tại hiện trường, cũng ghi nhận nhiều phách gỗ vứt ngổn ngang giữa khe nước, những cành cây lớn đổ xuống chắn cả lối mòn xuyên rừng.
Ông Châu Ngọc Dương, Giám đốc Lâm trường Trường Sơn cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng nghiêm trọng ở trên, một phần do lực lượng của đơn vị quá mỏng; bên cạnh đó, thời điểm lâm tặc chặt phá rừng cũng rơi vào thời gian lâm trường đang tiến hành khai thác rừng trồng, có sử dụng cưa xăng nên khó phát hiện tiếng máy cưa của lâm tặc.
“Lực lượng liên ngành sau khi hoàn thành nhiệm vụ họ lại rút đi, lâm trường chỉ có 26 người quản lý gần 30 ngàn ha nên lực lượng tương đối mỏng, dẫn đến việc tuần tra kiểm soát không kịp thời để xảy ra phá rừng tại tiểu khu 329”, ông Dương giải thích.
Cách chức trạm trưởng
Sau khi nhận thông tin về vụ phá rừng gỗ lim quý ở Tiểu khu 329, lâm phận Trường Sơn, công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại đã chỉ đạo Giám đốc Chi nhánh lâm trường Trường Sơn kỷ luật cách chức đối với ông Hoàng Văn Toản, Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng.
Được biết, ông Toản và 3 nhân viên của trạm bị thuyên chuyển qua công tác khác, không được phụ trách mảng bảo vệ rừng ở khu vực giàu lâm sản.
Theo tìm hiểu, khu vực rừng gỗ lim quý bị chặt phá nằm trong rừng sản xuất trồng cây keo lai. Rừng lim có khoảng cách rất gần với tram quản lý và bảo vệ rừng. Việc phá rừng xảy ra vào thời điểm cuối năm 2018 nhưng đến giữa tháng 3, cơ quan chức năng mới phát hiện. Lãnh đạo công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại thừa nhận, việc tuần tra, báo cáo về công tác bảo vệ rừng của Trạm Trường Sơn có sự chậm trễ, không kịp thời.
Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã chỉ đạo hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh khẩn trương hoàn tất hồ sơ vụ phá rừng để chuyển giao cho Công an huyện Quảng Ninh khởi tố vụ án.
Theo ông Ngô Như Khoa, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại thì với tư cách là chủ rừng, phía công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại trước hết nhận trách nhiệm. Còn về việc lâm tặc là những đối tượng nào, Trạm bảo vệ rừng, chủ rừng có móc nối, cấu kết với các đối tượng phá rừng hay không thì Công an huyện Quảng Ninh, đang vào cuộc điều tra, làm rõ. Khi có kết luận chính thức thì Công ty sẽ tiến hành xử lý công khai, minh bạch.
“Khi phát hiện chậm thì rõ ràng lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp có lỗi trong vấn đề này, việc tuần tra báo cáo không kịp thời. Khoảng thời gian xảy ra xâm hại rừng có liên ngành chốt ở đó. Chúng tôi cũng đang chờ kết quả điều tra từ phía công an để có xử lý tiếp theo”, ông Khoa thông tin với báo chí.