Làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp
Khi thất nghiệp nghĩa là bạn không còn một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Tuy nhiên, theo Luật Việc làm 2013, bạn vẫn có thể nhận được một khoản tiền nhất định do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trong thời gian thất nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng, trước khi nghỉ việc.
- Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, từ ngày nộp hồ sơ.
Mức trợ cấp thất nghiệp mà bạn được hưởng là 60% mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp.
Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.
Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, hàng tháng, người lao động có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng trợ cấp với mức:
Mức trợ cấp thất nghiệp = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp
Lưu ý, mức trợ cấp hàng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Cụ thể, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2020 được tính như sau:
- Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 1,49 triệu đồng/tháng = 7,45 triệu đồng/tháng.
- Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
+ Mức lương tối thiểu vùng của vùng I là 4,42 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 4,42 triệu đồng/tháng = 22,1 triệu đồng/tháng.
+ Mức lương tối thiểu vùng của vùng II là 3,92 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,92 triệu đồng/tháng = 19,6 triệu đồng/tháng.
+ Mức lương tối thiểu vùng của vùng III là 3,43 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,43 triệu đồng/tháng = 17,15 triệu đồng/tháng.
+ Mức lương tối thiểu vùng của vùng IV là 3,07 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,07 triệu đồng/tháng = 15,35 triệu đồng/tháng.
Nhận hỗ trợ để tham gia học nghề
Nếu như người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hiện đang thất nghiệp và có nhu cầu học nghề để nâng cao tay nghề trước khi tìm việc làm mới thì thuộc diện nhận được hỗ trợ theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Quyết định này chỉ rõ, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng để học nghề. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề.
Người lao động có thể đăng ký học nghề tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật.
Đến Trung tâm dịch vụ việc làm để tìm việc mới
Người lao động không thể kéo dài tình trạng thất nghiệp lâu để khiến cuộc sống khó khăn và là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Để tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc thông qua người thân, bạn bè, qua internet…, người lao động cũng có thể đến các Trung tâm dịch vụ việc làm để được hỗ trợ tìm việc.
Theo Nghị định 196/2013/NĐ-CP của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ chính của các Trung tâm dịch vụ việc làm là tư vấn cho người lao động về lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về tự tạo việc làm và tìm việc làm trong nước, nước ngoài.
Thông tư 72/2016/TT-BTC quy định, việc tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm được miễn phí hoàn toàn. Riêng tại doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, mức phí tư vấn chỉ không quá 10.000 đồng/người/lần và phí giới thiệu việc làm không quá 200.000 đồng/người/lần.
Hoàng Mai