Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Về nguồn gốc, “giao thừa”, có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy –năm cũ qua, năm mới đến".
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), trong đêm giao thừa, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng đặt lên ban thờ tổ tiên.
Việc cúng lễ giao thừa thường được coi trọng và chuẩn bị cầu kỳ. Cúng giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ cúng giao thừa thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức 12 giờ đêm 30 (hoặc 29) tháng Chạp.
Người Việt tin rằng, mỗi năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới. Vì vậy, người dân làm lễ Trừ tịch với ý nghĩa để vị thần cũ giao lại công việc để thần mới tiếp nhận (trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm).
Do đó, cúng giao thừa trong dân gian như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới. Xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc.
Ngoài ra, nhiều người còn quan niệm mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Do đó, sau lễ cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà, thông thường gia chủ sẽ xuất hành ra khỏi nhà theo hướng và thời gian đã chọn để cầu may cho bản thân cũng như cả gia đình
Lễ chùa, lễ đền miếu là lựa chọn của nhiều gia đình trong chuyến xuất hành sau giao thừa. Người dân thường đi lễ chùa cầu xin Thần Phật phù hộ cho gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc.
Mua muối đêm giao thừa cũng là quan niệm được nhiều thế hệ truyền lại. Các cụ có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối không chỉ có ý nghĩa xua đuổi tà ma, điềm rủi mà chúng còn mang ý nghĩa thể hiện sự gắn kết tình cảm quan hệ gia đình mặn mà, con cái khỏe mạnh, thuận hòa.
Do vậy, sau đêm giao thừa người ta thường mua những bịch muối nhỏ được gói trong bao giấy màu vàng, màu đỏ ở các khu phố, khu chợ.
Bên cạnh đó, trong đêm giao thừa, xông đất cũng là một trong những tục lệ truyền thống lâu đời không thể thiếu. Người xông đất là người đến chúc tết đầu tiên của gia đình có thể là ngẫu nhiên đến hoặc được gia chủ lựa chọn trước sẽ hợp tuổi hợp mệnh.
Hầu hết gia đình Việt rất coi trọng tục này vì họ tin rằng người đầu tiên nếu như hợp tuổi có thể đem lại may mắn, tài lộc cho cả năm.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo
Minh Hoa (t/h)