Nhiều luật gia, luật sư, người làm việc trong các cơ quan pháp luật nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự buông lỏng quản lý, làm việc tắc trách của một bộ phận không nhỏ cán bộ làm việc tại chính quyền địa phương.
Hàng chục ngôi nhà đã xây dựng, người dân ở ổn định nhiều năm (tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng) bỗng dưng bị cưỡng chế san phẳng để cho vào... “quỹ đất” của quận. Ảnh: Bảo Lâm
Đất mộ tổ bỗng trở thành sân chơi
Cứ mỗi ngày lễ Tết, gia đình bà Nguyễn Thị Liễu ở thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội lại ra thắp hương tại ngôi mộ tổ rất lớn nằm trên diện tích đất của gia đình được Nhà nước xác nhận từ những năm 1960. Theo tờ bản đồ năm 1960 đang được lưu giữ tại UBND xã Minh Khai thể hiện thửa đất số 199, tờ bản đồ số 07, diện tích 155m2, chủ sử dụng đứng tên ông Nguyễn Văn Nhạ (bố đẻ bà Liễu- PV). Vì quản lý đất mộ tổ liên tục, không có sự chuyển nhượng hay tranh chấp, gia đình bà Liễu hoàn toàn yên tâm vào sự quản lý hồ sơ đất đai của gia đình tại chính quyền phường sở tại. Cho đến một ngày cuối năm 2012, gia đình bà Nguyễn Thị Liễu hoàn toàn sửng sốt trước việc UBND xã Minh Khai tổ chức cưỡng chế đối với diện tích đất có ngôi mộ tổ của gia đình, để làm nơi vui chơi của thôn.
Cho rằng quyền lợi của gia đình bị xâm phạm nghiêm trọng, hơn nữa lại là đất mồ mả của dòng họ, gia đình bà Nguyễn Thị Liễu đã khiếu nại lên xã Minh Khai. Trả lời đơn thư khiếu nại của bà Liễu, UBND xã Minh Khai thừa nhận tờ bản đồ năm 1960 người đứng tên diện tích đất nói trên đứng tên chủ sử dụng là ông Nguyễn Văn Nhạ. Đến năm 1994, thửa đất của gia đình bà Liễu thể hiện là đất nghĩa địa (vì có duy nhất một ngôi mộ tổ của gia đình bà Liễu). Ngạc nhiên là, đến năm 2000, chủ sử dụng thửa đất này lại là UBND xã ?!!. Trả lời công dân Nguyễn Thị Liễu là vậy, nhưng chính quyền xã Minh Khai không đưa ra được lý do chứng minh vì sao lại có sự thay đổi chủ sử dụng thửa đất từ gia đình bà Liễu sang UBND xã.
Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, lãnh đạo xã Minh Khai cũng không thể giải thích nổi vì sao lại có sự thay tên, đổi chủ như vậy. Điều đáng nói, xã Minh Khai quản lý toàn bộ giấy tờ đất đai của gia đình bà Liễu, mọi biến động hay có thay đổi gì, gia đình bà Liễu hoàn toàn không được biết. Thực tế, nếu khi làm lại bản đồ quản lý đất đai, UBND xã Minh Khai mà thông báo với gia đình bà Liễu, thì tin rằng mọi chuyện đã rõ ràng. Vì bức xúc, gia đình bà Liễu đã khiếu nại lên UBND huyện Từ Liêm, song vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.
Khu mộ tổ của gia đình bà Liễu bỗng dưng biến thành sân vui chơi. Ảnh: Bảo Lâm.
Cưỡng chế theo kiểu “đánh úp”
Thời gian qua, dư luận TP. Hà Nội cũng khá ồn ào với vụ cưỡng chế gây nhiều bức xúc xảy ra hồi tháng 3/2013 tại tổ 1, cụm 1 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Hàng chục gia đình đang có nhà cửa đàng hoàng bỗng rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, cuộc sống rơi vào bế tắc, trong khi đó không được bồi thường, hỗ trợ theo Luật Đất đai hiện hành. Có gia đình khó khăn phải đưa vợ con về quê sinh sống, còn chồng ở lại theo đuổi việc khiếu nại. Được biết, những thửa đất ven chân đê (nay là cụm 1, cụm 1 phường Phú Thượng) được người dân khai hoang, phục hóa từ những năm 1960, một số hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Qua nhiều thời kỳ, người ta chuyển nhượng diện tích đất nói trên cho những người đến sau xây nhà, xây cửa để sinh sống. Nhiều hộ gia đình này được nhập khẩu và đóng thuế đất đầy đủ. Bất ngờ chính quyền đến thu hồi đất, trong khi người dân không được xem xét, bồi thường theo đúng Luật Đất đai và các quy định hiện hành.
Lý do của phường Phú Thượng đưa ra với báo chí là do những hộ dân này “lấn chiếm đất công” nên không được xem xét bồi thường, hay tái định cư và việc tổ chức cưỡng chế để đưa diện tích hàng ngàn m2 này vào... trung tâm phát triển quỹ đất của quận Tây Hồ. Trong khi chưa trả lời thỏa đáng khiếu nại của người dân, chính quyền huyện Tây Hồ đã tổ chức cưỡng chế, phá dỡ, san phẳng hàng chục ngôi nhà của các hộ dân để... thu hồi đất. Để làm rõ đúng sai, đề nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc làm rõ.
Hoặc như trường hợp xảy ra năm 2005, đối với ông Lê Hùng Minh (thương binh 4/4, ngụ khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cũng là một ví dụ. Một thời, ông Minh được mệnh danh là “Vua rắn miền Tây”. Song trang trại của “vua rắn” đã bị “bức tử” khi chính quyền cưỡng chế lấy đất. Theo đó, diện tích đất mà ông đầu tư nuôi rắn rộng 2.065m2 đã bị thu hồi do dự án xây cầu Nhu Gia. Trong đó, giá đền bù lúc đầu là 8.000/m2, sau khi ông khiếu kiện thì được nâng lên 500.000đ/m2. Ông không đồng ý vì cho rằng giá này quá thấp so với giá quy định của UBND tỉnh Sóc Trăng, đến 28/12/2005, ông nhận được bản thống kê đền bù với giá... 18.000đ/m2. Bức xúc hơn là trại nuôi rắn của ông được cơ quan chức năng xác minh thiệt hại, hỗ trợ 626.797.500 đồng. Sau đó UBND tỉnh lại không cho ông nhận tiền. Ngày 26/4/2010, UBND tỉnh ra quyết định bác khiếu nại của ông, buộc ông phải nhận tiền đền bù do các ban ngành “vẽ ra”. Sau đó bộ Tài nguyên và Môi trường có kết luận những sai phạm của UBND huyện Mỹ Xuyên, và yêu cầu giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại của ông Lê Hùng Minh.
Công khai xin lỗi dân
Cuối năm 2012, một vụ cưỡng chế sai quy định vườn ươm cây cảnh xảy ra tại huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) khiến ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh phải công khai xin lỗi gia đình ông Đỗ Hữu Trí. Theo ông Đỗ Hữu Trí (SN 1968, trú TP. Quảng Ngãi), năm 2003 gia đình ông đã mua lại 1,5ha đất nông nghiệp của 23 hộ dân tại địa phương. Sau khi nhận đầy đủ tiền, 23 hộ này đã giao toàn bộ “sổ đỏ” cùng hợp đồng bán đất bằng giấy viết tay cho ông Trí. Tháng 7/2003, gia đình ông Trí cải tạo và trồng hàng ngàn cây cảnh quý tại đây. Tháng 11/2003, thấy khu vực đất của gia đình có bãi bồi hoang (khoảng 2ha, chứa rác thải địa phương) nên ông Trí khai hoang, san bằng, mở rộng khu trồng cây cảnh. Đến thời điểm đó, giá trị vườn cây cảnh của ông lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Sáng 19/7/2011, UBND huyện Sơn Tịnh đưa hàng chục xe cơ giới đến cưỡng chế vườn cây cảnh của ông Trí, với lý do “vi phạm trong lĩnh vực đất đai”. Chỉ sau 4 ngày, vườn ươm chỉ còn là một bãi củi khổng lồ. Sau vụ cưỡng chế, gia đình ông và người dân bất bình, gửi đơn khiếu kiện lên các cơ quan chức năng. Ngày 12/12/2011, Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Quảng Ngãi, và tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn cho thấy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng trong vụ cưỡng chế vườn ươm cây cảnh của gia đình ông Đỗ Hữu Trí. Buộc Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh phải công khai xin lỗi gia đình ông Trí, đồng thời các cơ quan liên quan có trách nhiệm bồi thường trách nhiệm Nhà nước cho gia đình ông.
Thiên Long – Lam Nguyên