Giả danh phóng viên VTV “vòi tiền” doanh nghiệp
Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa bắt quả tang 3 đối tượng mạo danh phóng viên VTV "vòi tiền" của công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai đóng tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ba đối tượng gồm: Bùi Xuân Hiệu (SN 1973, trú tại phường Nam Thành, TP Ninh Bình) là phóng viên thời sự Đài truyền hình Ninh Bình, Phan Bùi Khang (SN 1985, quê ở Nghệ An, hiện trú tại phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) là nhân viên công ty truyền thông thương hiệu Việt có địa chỉ tại Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội) và Dương Thị Kiều Trang (SN 1991, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Ba nghi can Hiệu (áo kẻ xanh), Trang và Khanh bị bắt quả tang (ảnh: Petrotimes).
Theo đó, vào ngày 27/12/2013, cả ba đối tượng trên đã mạo danh phóng viên Ban thời sự chính trị - Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) liên lạc với ông Đỗ Tuấn Việt – Tổng giám đốc công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai (INDECO) đề nghị được đến công ty quay phim, thu thập tài liệu để viết phóng sự về tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại công ty.
Chiều tối cùng ngày, tại TP Đà Nẵng, sau khi trao đổi thống nhất nội dung và thời gian làm việc, ba đối tượng đã nhận 3 phong bì bên trong mỗi phong bì có 5 triệu đồng của công ty.
Đến ngày 4/1/2014, ba đối tượng trên làm giả giấy giới thiệu của trung tâm phim tài liệu, phóng sự của VTV, trực tiếp đến công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai quay phim, phỏng vấn. Sau khi tác nghiệp, theo gợi ý của nhóm phóng viên về tiền chi phi vé máy bay, kinh phí đi lại, kinh phí duyệt bài ông Tuấn đã đưa cho Bùi Xuân Hiệu 1 phong bì bên trong có 3.000 USD. Khi ông Hiệu nhận phong bì bỏ túi thì bị bắt quả tang.
Khám xét tại chỗ và nơi ở của các đối tượng trên, lực lượng công an thu giữ nhiều giấy giới thiệu khống, con dấu giả của một số cơ quan nội chính và cơ quan báo chí Trung ương.
Qua đấu tranh khai thác ban đầu, các đối tượng này khai nhận đã nhận tiền của một doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất ở tỉnh Ninh Bình để vu khống, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của Indevco ở địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Sau khi bị bắt cả ba được di lý về cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Giả danh phóng viên, tống tiền hàng loạt trường học
Được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần Truyền thông tuổi trẻ Việt Nam, nhiệm vụ của Nguyễn Văn Cương (SN 1984, HKTT ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) là đi đến các đơn vị để mời chào đăng bài, quảng cáo tuyên truyền.
Do công ty truyền thông hợp đồng với báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc đăng bài tuyên truyền trên báo nên Cương và một số nhân viên khác được coi là cộng tác viên của báo. Trong thời gian làm việc tại công ty truyền thông, do không hoàn thành nhiệm vụ nên cuối năm 2012, Cương đã bị buộc thôi việc.
Hai bị cáo Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Văn Cường trước vành móng ngựa.
Tuy nhiên, công ty vẫn liên lạc với Cương để thu hồi công nợ của Cương và vẫn cho đăng bài tuyên truyền. Trong quá trình làm việc tại đây, do sơ hở trong việc quản lý và cấp giấy giới thiệu nên Cương đã lấy được nhiều giấy giới thiệu của báo.
Với tư cách là phóng viên, đầu tháng 3/2013, Cương đã rủ Nguyễn Văn Cường (SN 1989, HKTT ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đi đến trường Mầm non xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên.
Khi đến, Cương và Cường xuất trình giấy giới thiệu và giới thiệu là Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đến làm việc với nhà trường. Sau khi tìm hiểu, Cương quy kết cho nhà trường có các sai phạm như thu tiền sai quy định, hai cô giáo của nhà trường đánh học sinh, nhà trường thải rác thải bừa bãi.
Ngày 18/3/2013, Cương và Cường tiếp tục quay lại trường đe dọa sẽ viết bài nói xấu về nhà trường, nếu không muốn viết bài thì nhà trường phải nộp cho Cương và Cường 15 triệu đồng. Vì sợ ảnh hưởng đến uy tín nhà trường nên ban giám hiệu đã đồng ý nộp tiền nhưng xin rút xuống 8 triệu đồng và nộp trước 2 triệu đồng.
Ngày 29/3, khi hai cô giáo trong ban giám hiệu của trường đang họp tại Phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên, Cương đã gọi điện đến yêu cầu nộp nốt số tiền. Khi Cương và Cường đang nhận tiền thì bị bắt quả tang.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, với thủ đoạn tương tự, từ ngày 13/12/2012 đến ngày 6/1/2013, Cương và Cường đã giả danh phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đi đến dọa và sau đó chiếm đoạt của 6 trường mầm non thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên và huyện Phúc Xuyên (TP. Hà Nội) tổng cộng 73 triệu đồng.
Sáng 27/11, Tòa án nhân dân Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Nguyễn Văn Cương (29 tuổi) và Nguyễn Văn Cường (24 tuổi) về tội “Cưỡng đoạt tài sản. Sau khi nghị án, HĐXX Tòa án nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Văn Cương 5 năm tù, Nguyễn Văn Cường 4 năm tù.
Giả danh tổng biên tập đi "làm tiền"
Ngày 3/10/2013, Cơ quan CSĐT, CA huyện Hoài Đức cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Thuyết (SN 1981, trú tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đang thất nghiệp nên mọi nhu cầu cuộc sống bị bó buộc, Nguyễn Văn Thuyết đã được một người bạn “bày” cho cách kiếm tiền là giả danh phóng viên đến các cơ quan, tổ chức đề nghị ký hợp đồng tuyên truyền trên mặt báo. Theo đó, sau khi mang tiền về, Thuyết sẽ được hưởng 35% giá trị hợp đồng. Thuyết đồng ý bắt tay vào việc lừa đảo này. Tuy nhiên, trong lần đến trụ sở UBND xã Vân Côn, huyện Hoài Đức để “diễn” trò lừa đảo, Thuyết đã bị phát giác, bắt giữ.
Nguyễn Văn Thuyết đã mạo danh là tổng biên tập một tờ báo để lừa đảo.
Theo đó, ngày 18/9, lãnh đạo UBND xã Vân Côn nhận được điện thoại của một người tự xưng là tổng biên tập một tờ báo thuộc ngành giáo dục có trụ sở tại Hà Nội. Sau vài câu chào hỏi, người này đề nghị UBND xã Vân Côn làm hợp đồng thông tin tuyên truyền về công tác giáo dục của địa phương trong thời gian qua. Khi chưa nhận được câu trả lời chính thức, số máy lạ còn gửi tin nhắn với nội dung dọa dẫm lãnh đạo địa phương…
Do nghĩ đó là tổng biên tập tờ báo đã giới thiệu qua điện thoại, đại diện UBND xã Vân Côn đã hẹn người này đến ngày 20/9 để trao đổi cụ thể. Chiều 20/9, một người tự nhận là cán bộ cơ quan báo chí tiếp tục gọi cho lãnh đạo UBND xã đề cập về việc ký hợp đồng như đã nói. Sau đó lịch hẹn lại được chuyển sang ngày 27/9.
Ngày 27/9, Thuyết đến trụ sở UBND xã Vân Côn “làm việc theo lịch hẹn”. Khi gặp lãnh đạo xã, Thuyết đưa ra công văn có đóng dấu của tòa soạn báo kèm theo biểu giá tuyên truyền quảng cáo. Sau khi xem xét các mức giá, vị đại diện UBND xã đã chọn hợp đồng tuyên truyền có mức giá 2,5 triệu đồng nhưng Thuyết cố nài ký hợp đồng có giá 7,5 triệu đồng.
Thấy “khó”, Thuyết còn bấm điện thoại để lãnh đạo địa phương nói chuyện với một người tự xưng là tổng biên tập tờ báo. Nhận thấy có “nguy cơ” bị sập mối làm ăn này nên Thuyết đành yêu cầu ký trước một hợp đồng với giá 2 triệu đồng.
Thuyết đang hý hửng thì bị một số cán bộ xã yêu cầu xuất trình CMND và giấy giới thiệu của tòa soạn. Rơi vào tình huống bất ngờ, Thuyết ấp úng viện cớ “giấy tờ bị ướt nên không mang theo”. Trước thái độ quanh co và có nhiều biểu hiện nghi vấn của Thuyết, các cán bộ xã đã báo cho cơ quan công an.
Bị mời lên CA làm việc, Thuyết buộc phải thừa nhận mình là phóng viên “giả” và nghe lời mách của “bạn” nên mới có hành vi nêu trên.
Quá trình điều tra về vụ việc, công an còn thu giữ một số giấy tờ, biểu mẫu liên quan đến hành vi lừa đảo của Thuyết cùng 7 cuốn danh bạ của các tỉnh, TP khu vực phía Bắc.
Kim Ngân