Giải mã “lời nguyền”
Việc có hay không một thế giới bí ẩn nằm dưới lòng Hồ Tây như quan niệm của một số người dân sinh sống lâu năm quanh danh lam này hiện vẫn còn là bí ẩn. Càng bí ẩn hơn, khi hiện tượng “cuồng phong” bất thường trên Hồ Tây đã nhấm chìm không ít người.
Từng xảy ra nhiều tai nạn thương tâm ở Hồ Tây...
Theo tìm hiểu của PV, hiện tượng lốc xoáy bất thường trên Hồ Tây là có thật, tuy ít khi xảy ra nhưng luôn đến bất ngờ và kỳ lạ. Từ xa xưa, hiện tượng này đã đi kèm với những câu chuyện kể dân gian và ngay trong bản thân danh xưng của Hồ Tây qua các thời kỳ cũng mang hàm nghĩa chỉ về hiện tượng “cuồng phong”, giông lốc này. Được biết, danh xưng của Hồ Tây như: Lãng Bạt, Dâm Đàm... thực chất muốn nhấn mạnh và liên quan đến hiện tượng tự nhiên bí hiểm này trên Hồ Tây. Cụ thể, tên gọi Lãng Bạt có nghĩa hồ đầy sóng lớn, hay tên gọi Dâm Đàm có nghĩa mặt hồ âm u, mờ ảo. Hai danh xưng này đã gắn với Hồ Tây trong quá khứ, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, tại sao Hồ Tây vốn bình yên nhưng lại mang những danh xưng đầy u ám như vậy? Bí ẩn đằng sau những danh xưng này là gì và thực sự Hồ Tây có chứa đựng những bí ẩn chết người?
Trong quá trình tìm hiểu về hiện tượng lốc xoáy kỳ lạ ở Hồ Tây, chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị An, một nguời đã gắn bó với Hồ Tây nhiều chục năm, chia sẻ: “Hiện tượng sóng lớn trên Hồ Tây là có thật và rất khó để đoán định trước. Có lúc, trời đang nắng, sương mù đột nhiên kéo đến phủ lấp hết mặt hồ. Sóng bắt đầu nổi lên. Thông thường, thời điểm này ít ai dám chèo thuyền ra Hồ Tây, bởi ai cũng hiểu, đây là lúc Hồ Tây rất nguy hiểm”. Chính bà An cũng cho rằng, hàng năm không ít người bị đuối nước, bỏ mạng, vì họ không nắm được sự nguy hiểm ẩn mình trước vẻ đẹp thơ mộng, quyến rũ của Hồ Tây. Nhiều người yêu Hồ Tây lại cho rằng, lúc sóng lớn nổi lên, mặt hồ phủ một lớp sương dày, cũng là lúc Hồ Tây khoe vẻ huyền bí của mình. Tuy mang đến cho người ta cảm giác sợ hãi, nhưng nhiều người coi đó là thời điểm Hồ Tây mang đến vẻ đẹp cuốn hút hơn bao giờ hết.
Cũng theo bà An, có nhiều trận giông lốc đã diễn ra ở Hồ Tây nằm ngoài mọi quy luật. Sóng không lớn, trời không âm u, sương không phủ nhưng Hồ Tây bỗng dưng nổi giông lốc cục bộ- Hồ Tây vẫn bình yên duy chỉ một điểm sóng đột ngột dâng cao, gió xoáy rồi sau đó vụt tắt, trở lại bình thường. Để minh chứng cho lời nói của mình, bà An kể lại vụ tai nạn kinh hoàng nhất bà từng chứng kiến trên Hồ Tây và với bà trận giông lốc đó mãi là bí ẩn không thể lý giải. Trận giông lốc kinh hoàng này gắn liền với ký ức buồn về đoàn văn công nước ngoài sang biểu diễn ở Hà Nội mừng ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng. Bà An băn khoăn rằng, không hiểu sao đoàn văn công đang chèo thuyền trên Hồ Tây, trời rất đẹp, không có biểu hiện của sóng, đột nhiên lốc xoáy lại kéo đến và nhiều người đã bị lốc xoáy nhấn chìm.
Bà An cho biết: “Sự kiện này không chỉ tôi mà nhiều người dân Hà Nội thời điểm đó đều biết đến và thấy bất ngờ. Thời đó, người dân bàng hoàng không hiểu tại sao sóng Hồ Tây lại dữ tợn, bất ngờ đến thế?”. Bà An còn cho chúng tôi biết thêm: “Nếu muốn tìm hiểu về vụ tai nạn này nên tìm đọc cuốn sách viết về Tướng Nguyễn Sơn”. Cũng như bà An, nhiều người gắn bó với Hồ Tây lâu năm đều cho rằng hiện tượng lốc xoáy bất thường trên Hồ Tây là có thực. Theo cách lý giải của họ, vì hiện tượng tự nhiên nguy hiểm, nên người dân xung quanh Hồ Tây hàng trăm năm qua đã thờ thần Mục Thận - một vị thần có khả năng đi xuyên qua tâm bão để cứu vớt những nạn nhân bị lốc xoáy do Hồ Tây đánh chìm.
Lốc xoáy - một hiện tượng tự nhiên trên Hồ Tây. (Ảnh minh họa)
Bí ẩn những vụ tai nạn lốc xoáy lạ ở Hồ Tây
Khoa học lịch sử chứng minh, Thái sư Lê Văn Thịnh không hoá hổ, giết vua Việc Thái sư Lê Văn Thịnh bị ghép tội thích nghịch giết vua ngày xưa, đến nay đã được giới sử học minh oan. Tuy nhiên, với những dữ liệu mà sử chép lại thì cho thấy, Hồ Tây luôn ẩn chứa một hiện tượng tự nhiên rất lạ, đến bất ngờ và không thể lý giải. Vậy đó chính là lốc xoáy Hồ Tây hay là gì? |
Để kiểm chứng những thông tin từ người dân, đặc biệt sau khi nhận được thông tin trong cuốn sách Tướng Nguyễn Sơn có đề cập đến vụ tai nạn thảm khốc trên Hồ Tây, chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi và có trong tay cuốn sách này. Và đúng như lời kể của bà An, vụ tai nạn này được đề cập đến trong sách qua bài viết: “Nhớ bác Sơn” của GS. Vũ Tuấn, đăng trong cuốn Tướng Nguyễn Sơn, NXB Lao Động, Hà Nội, 1994. Trong bài viết này, GS. Vũ Tuấn nhắc, năm 1955 ông nhận được lá thư của Tướng Nguyễn Sơn từ Bắc Kinh gửi về và chia sẻ tâm trạng tiếc thương của ông vì đoàn văn công sang biểu diễn ở Hà Nội đi thuyền ngắm cảnh Hồ Tây, chẳng may bị gió xoáy, có mấy người chết. Và, cũng trong hồi tưởng của GS. Vũ Tuấn, lúc đó Lưỡng quốc Tướng quân - Nguyễn Sơn rất buồn, ông cảm thấy đau đớn vì việc không may xảy ra đối với đoàn văn công.
Cũng trong quá trình tìm hiểu về hiện tượng lốc xoáy kỳ bí ở Hồ Tây, chúng tôi tiếp cận được nhiều tư liệu đề cập đến những tai nạn bắt nguồn từ lốc xoáy. Vụ tai nạn sớm nhất được ghi nhận vào năm 40- 43 khi Mã Viện đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Chuyện kể rằng, Bình Lạc hầu Hàn Vũ – một tướng dưới quyền của Mã Viện khi đi thuyền trên Hồ Tây bị lốc xoáy nhấn chìm và chết. Sự kiện này được đề cập trong sách Tây Hồ chí - cuốn sách dư địa chí về Hồ Tây. Cái chết bí hiểm của một vị tướng dưới quyền của mình, người đã nam chinh bắc chiến, trải qua bao sinh tử nhưng lại bị sóng Hồ Tây quật chìm đã ám ảnh Mã Viện. Để khắc ghi về hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này cùng cái chết lạ lùng của vị tướng dưới quyền của mình, Mã Viện đã đặt tên cho Hồ Tây là Lãng Bạt. Tên gọi này mang ý nghĩa, hồ đầy sóng dữ mặc dù Hồ Tây không phải lúc nào cũng nổi sóng.
Cũng liên quan đến Hồ Tây, trong lịch sử Việt Nam còn nhắc đến nỗi hàm oan của Thái sư Lê Văn Thịnh hoá hổ cách đây gần 800 năm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại vụ án như sau: "Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thích nghịch”.
Chuyện 7 ngày đêm cứu người trên Hồ Tây của Mục Thận Ông Phạm Văn Thuận hiện đang làm thủ từ đình Võng Thị - đình thờ thần Mục Thận cho biết: “Trong truyền thuyết còn lưu truyền cho đến nay, Mục Thận là một lão ngư rất giỏi nghề sông nước, chuyên đánh cá trên Hồ Tây. Chuyện xưa kể rằng, trong một lần mưa bão mù mịt, thuyền của cụ Mục Thuận biệt tích 7 ngày, người nhà nghĩ ông đã mất nên lập bàn thờ để thờ cúng. Bỗng nhiên, sang ngày thứ 8, ông trở về với một thuyền chở đầy ắp người. Thì ra, suốt mấy ngày mưa bão, giông lốc, nhiều thuyền của ngư dân bị trôi dạt khắp nơi, Mục Thận đã tìm khắp hồ để cứu người bị nạn. Mỗi khi vớt được người nào, cụ cũng ôm bỏ vào thuyền mình. Đến lúc không thấy người nào trên mặt hồ nữa, cụ mới chèo thuyền trở về. Dân làng cảm đức của cụ nên đã góp tiền xây miếu thờ cụ, gọi là Mục Thận Từ (nay ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội)”. |
Trinh Phúc – Hương Lan