Theo thống kê, cho tới nay chỉ có 113 cường kích Su-22 bị rơi do tai nạn hoặc bị bắn hạ trên tổng số 2.867 chiếc được chế tạo, chiếm tỉ lệ rất nhỏ là 3,9%. Có thể nói Su-22 là một trong những dòng cường kích có khả năng hoạt động bền bỉ và đáng tin cậy, cùng với các phiên bản Su-17 hay Su-20.
Tỉ lệ gặp nạn của Su-22 thấp hơn nhiều so với những loại chiến đấu cơ có năng lực tương tự của phương Tây sản xuất như F-15 Eagle hay F-16 Fighting Falcon... Trên thế giới, Syria là quốc gia mất nhiều cường kích Su-22 nhất. Cho tới nay có khoảng 20 chiếc bị rơi hoặc bị bắn hạ ở quốc gia này do đang có chiến sự. Sau Syria là Ba Lan và Liên Xô với con số lần lượt là 17 và 15 chiếc gặp nạn.
Gần đây nhất, hôm 24/7 vừa qua, cường kích Su-22 của Quân đội Syria (SAA) đã bị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sử dụng tên lửa Patriot bắn hạ. Một phi công đã thiệt mạng sau vụ việc này, đó là Đại tá Omran Muri, trong khi số phận viên phi công còn lại vẫn chưa rõ.
Ngày 11/11 năm ngoái, một chiếc Su-22 của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng đã bị rơi ở thành phố Sarvestan ở phía Nam quốc gia này. Không quân Iran cho hay chiếc máy bay gặp nạn khi đang bay huấn luyện, khiến phi công thiệt mạng. Nguyên nhân vụ việc không được tuyên bố song báo chí nước này cho rằng trục trặc kỹ thuật đã khiến máy bay gặp nạn.
Trước đó, tháng 2/2013, chiếc Su-22M-4 của Không quân Yemen cũng bị rơi và đâm thẳng vào một tòa nhà ở Thủ đô Sanaa khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, gồm cả phi công, và nhiều người bị thương. Chiếc máy bay này cũng gặp nạn khi đang tham gia huấn luyện.
Ngày 20/7/2011, chiếc Su-22UM của Không quân Yemen cũng bị lỗi động cơ khiến máy bay trượt ra khỏi đường băng và bốc cháy, khiến hai phi công bị thương nặng.
Xem thêm: Syria: Lần đầu điều Tổng tham mưu trưởng tới Pháp, Đức, ông Putin phát thông điệp cứng rắn