Thí sinh thích đề văn "Nam sinh xả thân cứu người"
Nhiều thí sinh thích câu hỏi 2 của đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay và đánh giá đây là câu hỏi hay, mang tính thời sự và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đây là một câu hỏi hay, mang tính thời sự, giá trị nhân văn. Để làm tốt câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức xã hội và kỹ năng viết văn nghị luận.
“Câu 2 là câu khó nhất trong đề thi nhưng cũng là câu em thích nhất. Em đã dành tình cảm cho bài làm và em hài lòng với bài thi của em hôm nay”, Nguyễn Thị Tâm, thí sinh dự thi tại THPT Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Em Thu Hiền (học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Em thấy đề văn nghị luận rất hay, có ý nghĩa thiết thực, vừa ca ngợi được tấm gương của bạn Nam, vừa khơi gợi được tinh thần làm việc tốt trong con người mỗi học sinh”.
Thí sinh sau khi thi xong môn Văn
Em Đức Nam (học sinh trường THPT chuyên Sư phạm) cho rằng, đề văn nghị luận hay hơn đề văn nghị luận thi Đại học năm trước (vấn đề fan cuồng K-pop). Đề không động chạm đến những vấn đề nhạy cảm của giới trẻ.
Lê Thị Thúy (học sinh THPT Hồ Xuân Hương) cho biết: “Em làm bài khá tốt và rất hứng thú với đề Văn năm nay. Trước đó em cũng đã nghe thông tin về hành động của bạn Nguyễn Văn Nam nhưng không ngờ lại xuất hiện trong câu nghị luận. Các câu còn lại của đề thi đều sát với chương trình ôn tập nên em làm khá tốt. Em nghĩ mình sẽ được 7 điểm”.
Giáo viên thấy đề văn về Nguyễn Văn Nam hay nhưng còn "băn khoăn"
Đề thi môn ngữ văn kỳ tốt nghiệp THPT ngày 2-6-2013 gây ra những suy nghĩ trái chiều trong cộng đồng: hành động xả thân cứu người đáng tôn vinh nhưng liệu thầy cô, cha mẹ có khuyến khích học sinh, con em mình cứu người cả khi biết nguy hiểm đến tính mạng?
Trong giờ nghỉ trưa sau buổi thi môn ngữ văn, một cô giáo tiếng Anh chia sẻ rất thật: “Đề văn rất hay nhưng có chút gì đó buồn quá. Vẫn còn những điều trăn trở từ chính sự hi sinh đầy ý nghĩa của Nam (nhân vật trong câu 2, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn 2013).Nam cứu được nhiều em nhỏ, nhưng mang lại cho cha mẹ niềm tự hào và cả nỗi đau mất con. Chúng ta ngợi ca, nêu gương về lòng dũng cảm của Nam nhưng có hướng các em sẽ làm như Nam trong hoàn cảnh tương tự không?”.
Phải chăng đề thi chỉ hướng đến giá trị tích cực của sự kiện mà chưa nghĩ đến lời “phản biện” như trên? Liệu chúng ta (giáo viên và cả các bậc phụ huynh) có dám nói với học trò, con em mình rằng: cần noi theo tấm gương của Nam, sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu người lúc hoạn nạn dù sẽ phải đối diện với cái chết?...
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trên Tri Thức Trẻ đã chia sẻ về đề Văn, thầy Hiếu cho rằng:
Câu số 2 vừa hay mà vừa buồn. Hay vì nó chạm đến một trong những căn bệnh của xã hội chúng ta hiện nay: Sự ích kỷ dẫn đến triệu chứng là vô cảm. Buồn vì tính mạng em Nam đã mất đi không thể nào hồi sinh lại.
Cảm phục em Nam vì đã dũng cảm cứu cả 5 bạn mà hy sinh tính mạng của mình. Quả thật nhiều người lớn chúng ta cũng phải nghiêng mình trước hành động của cậu dù cậu chỉ mới học bơi được 20 ngày. Cậu đã không được dự kỳ thi tốt nghiệp dù cũng là một học sinh như bao học sinh lớp 12 khác.
Bên cạnh đó, các bạn nhỏ cũng phải lưu ý: Tránh đi chơi ở những vùng nguy hiểm, vì không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mình mà còn đến tính mạng của những người đã bỏ ra để cứu ta. Một chút cẩn thận của mình mà giữ mạng của nhiều người. Cần cảnh báo bạn bè khi bị rủ rê đi tắm sông, nhảy cầu... hay những nơi nguy hiểm.
Với lại, sau này khi cứu người, mình cũng cần có kỹ năng để vừa bảo vệ được tính mạng người được cứu, vừa bảo vệ được tính mạng mà đấng sinh thành đã trao cho mình".
Lê Vy (Tổng hợp)