Cách đây vài tuần có một cuộc tranh luận trên mạng về câu chuyện cụm công tắc còi một dòng xe tay ga được sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam. Nút còi được đẩy tuốt lên trên, vị trí quen thuộc thuận tay bấm pim pim là nút đèn tín hiệu signal. Người ta chửi hãng sản xuất hết lời.
“Thiết kế chỗ bấm còi quá tệ”, “Mỗi lần định bấm còi là phải lắc não 4 lần mới nhớ ra nút còi chỗ nào”…. Đó mới chỉ là một số ít trong những lời phàn nàn khiến tôi đặc biệt chú ý. Phải chăng cái nút còi là một tiêu chuẩn an toàn, thiết yếu như ô-xy đến mức người điều khiển xe máy trong cái đô thị ồn ào này phải bức xúc đến thế? Tôi tin rằng nhà thiết kế vị trí nút còi trên chiếc xe tay ga kể trên là hoàn toàn có tính toán, phải chăng nó mang một thông điệp cho chúng ta trong việc hạn chế sử dụng còi, sâu xa hơn có thể là bớt đi những tiếng mắng chửi nhau trên mạng.
Hôm lâu chở anh bạn xa xứ gần 30 năm, luồn lách đủ “đặc sản” đường phố ngột ngạt giờ cao điểm, về đến nhà, 2 bên mạng sườn tôi tím hoa sim vì anh ngồi sau bấu. Biết anh ấy sợ, tôi hỏi đểu nếu phải miêu tả giao thông quê em bằng mấy chữ, anh nói gì? Đáp lại chỉ là một tiếng chửi tục.
Mới đây, Chính phủ đã có chủ trương hạn chế xe máy tại Hà Nội và TP.HCM vào năm 2030. Là một người yêu xe máy tôi rất băn khoăn cùng hàng triệu anh chị em nhà trong hẻm khác. Ùn tắc do ý thức tham gia kém cỏi là chắc chắn rồi, cái này tuyên truyền được.
Về mặt công nghệ cần nhiều hãng xe có những thiết kế đặc thù cho người Việt, bỏ hẳn còi đi cũng được hoặc như Yamaha lắp động cơ Bluecore tiết kiệm đến 50% tiêu hao nhiên liệu, công nghệ Stop & start system – tự tắt máy khi dừng lại quá 5 giây khi đỗ đèn đỏ hay tắc đường chẳng hạn và tự động khởi động lại khi vít ga.
Đi đường nhường nhau một tí, đúng làn một tí, bớt còi bớt khói một tí, Hà Nội mùa thu chắc chắn đẹp và đáng yêu hơn Hoa hậu Đại dương.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Hoàng Minh Trí