“Khúc dạo đầu” cho hoạt động quân sự lớn hơn
Trong khi thế giới biết về cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên bay qua Nhật Bản vào sáng ngày 29/8, tại Bình Nhưỡng, tuyên bố chính thức chỉ được phát đi cho người dân biết vào chiều hôm sau.
Tại một quảng trường bên ngoài nhà ga xe lửa trung tâm của Bình Nhưỡng ngày 30/8, đám đông hối hả di chuyển qua các đoàn tàu bỗng dừng lại để theo dõi trên màn hình lớn khi một tin tức quan trọng chuẩn bị được thông báo.
Mọi người bắt đầu vỗ tay hoan hô khi phát thanh viên kỳ cựu Ri Chun Hee trong chiếc váy truyền thống màu hồng duyên dáng đưa thông tin về nhà lãnh đạo Kim Jong-un – người vừa đích thân chỉ đạo vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Kim Su-jong đang chăm chú theo dõi bản tin cùng với các bạn cùng lớp của cô - những cô bé trong bộ quân phục màu xanh đậm đặc trưng của trường Cách mạng Kang Ban Sok, ngôi trường danh tiếng được đặt theo tên người mẹ của cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành.
“Chừng nào sức mạnh của Quân đội Nhân dân Triều Tiên và sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un còn đó, sẽ không có bất kỳ kẻ thù nào mà chúng tôi không thể chinh phục", Su-jong nói với CNN, khi cô và các bạn cùng lớp đang trên đường đến núi Trường Bạch, nơi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và là nơi sinh của cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Tak Yong-sok – một quan chức làm việc trong ngành đường sắt cho biết: "Tôi cảm thấy rất tự hào về thành tích rực rỡ này. Với màn trình diễn lần này, sức mạnh quân đội của chúng tôi đang được cải thiện. Tôi cảm thấy rất tự hào khi là người Triều Tiên".
Phương tiện truyền thông Nhà nước Triều Tiên đã cảnh báo màn thử nghiệm hôm thứ Ba là “khúc dạo đầu” cho hoạt động quân sự lớn hơn, nhắm vào lãnh thổ Guam của Mỹ.
Tuần trước, cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc diễn ra bất chấp mọi căng thẳng.
Các cuộc tập trận hàng năm luôn là động thái khiến Bình Nhưỡng phản đối và một số người tin rằng, nó có thể là điều kiện để Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Theo truyền thông phương Tây, chính quyền Kim Jong-un rất muốn giảm bớt các biện pháp trừng phạt nặng tay đang áp đặt nền kinh tế, nhưng vẫn kiên quyết với lập trường không từ bỏ vũ khí hạt nhân trong bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra.
Bình Nhưỡng coi sức mạnh hạt nhân như giải pháp quan trọng để ngăn chặn âm mưu lật đổ chế độ của Mỹ.
Tại Bình Nhưỡng, một áp phích tuyên truyền mới được trưng ra gần đây đã mô tả đôi bàn tay đang xé tập tài liệu, với khẩu hiệu "Chúng ta dứt khoát bác bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc".
Một tấm áp phích khác lại tiếp tục với hình ảnh đe dọa nước Mỹ. Trong đó hình ảnh được cho là tên lửa Triều Tiên bay về phía Nhà Trắng và phát nổ, với chú thích "phản ứng của Triều Tiên trước lời hùng biện của Mỹ”.
“Chúng tôi yêu hòa bình”
Mặc dù những lời lẽ gay gắt từ truyền thông Nhà nước Triều Tiên nhận lại phản ứng giận dữ từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc song cuộc sống của người dân ở Bình Nhưỡng vẫn diễn ra một cách bình thường.
Người Hàn Quốc có thể lo sợ trước tình cảnh sống chung với mối đe dọa đến từ người hàng xóm miền Bắc, nhưng với người Triều Tiên, họ không cảm thấy phiền nếu như đất nước họ xảy ra chiến tranh.
Những người dân nơi đây cho biết, họ luôn sống trong tình thế sẵn sàng trước việc Mỹ xâm chiếm đất nước bất cứ lúc nào.
Chia sẻ với CNN trên đường phố của Thủ đô Bình Nhưỡng đang rộn rã ăn mừng vụ phóng tên lửa, một người dân có tên Jong-hak khẳng định, người Triều Tiên “rất yêu hòa bình".
"Nếu một cuộc chiến tranh xảy ra, người Triều Tiên và người Mỹ (cả hai) sẽ bị ảnh hưởng", ông nói. "Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ đi cầu xin để được hòa bình".
Một số ý kiến khác có vẻ tích cực hơn, như Ri Hyon - il cho biết, trước khi mọi thứ diễn ra, hai bên cần có những "hành động thực tế" một cách cần thiết.
Vụ thử thành công hôm 29/8 đã mang lại sự tự tin của Triều Tiên về công nghệ tên lửa đang dần được họ làm chủ và gửi một thông điệp tới Mỹ, những rủi ro Hoa Kỳ phải hứng chịu là rất lớn.
Trở lại nhà ga, tài xế xe điện Kim Sung-hyon cười với CNN và cho biết, CHDCND Triều Tiên "chỉ đơn giản là hành động tự vệ".