Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình doanh nghiệp cũng như đánh giá triển vọng kinh doanh cuối năm 2024 nửa đầu năm 2025.
Kết quả khảo sát trước đó do Ban IV tiến hành cho thấy bối cảnh tích cực hơn nhiều so với các kỳ khảo sát trước và xu hướng phục hồi niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tương đối ổn định.
Tuy vậy, sự phục hồi còn chưa thực sự bền vững; doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, rất cần sự vun bồi về nội lực để phát triển cũng như đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Những mảng màu sáng - tối đan xen
Về mặt tích cực, so với các con số của khảo sát tháng 4/2023, tình hình của doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường.
Cụ thể, tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực/rất tích cực" tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 5 lần so với khảo sát tháng 4/2023; tỉ lệ đánh giá "tích cực/rất tích cực" về kinh tế ngành hiện tại gấp 4 lần; tỉ lệ đánh giá "tích cực" về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 5 lần; tỉ lệ đánh giá "tích cực" về kinh tế ngành gấp 4 lần; tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô mạnh mẽ tăng gấp gần 2,5 lần; tỉ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,7 lần.
Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỉ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát tháng 4/2023.
Ở chiều ngược lại, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức.
Trong tổng số 891 doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tuyến, vẫn có 60% doanh nghiệp đánh giá "tiêu cực/rất tiêu cực" về tình hình kinh tế hiện nay so với cùng kỳ; 45% đánh giá "tiêu cực/rất tiêu cực" về triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 68.5% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới. Trong đó: tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể: 9,4%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh: 9,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô: 29,2% và dự kiến giảm nhẹ quy mô: 20,5%.
Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động trong nửa cuối năm 2024, có 58,6% giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 14% giảm trên 50%; và 62,8% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỉ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra "hụt hơi" so với các khu vực kinh tế khác trong quá trình phục hồi, thể hiện qua cả 3 kỳ khảo sát từ tháng 4/2023.
Kết quả khảo sát kỳ này cho thấy: 20,4% doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay "rất tiêu cực" so với cùng kỳ 2023 (tỉ lệ của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 9,7% và 14,8%); 42% doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá tình hình hiện tại "tiêu cực" (so với 17% của doanh nghiệp nhà nước và 39,5% của doanh nghiệp FDI).
Nếu so với các kỳ khảo sát trước, điểm trung bình của doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá về tình hình kinh tế cũng thấp hơn các khu vực doanh nghiệp khác và có tốc độ phục hồi niềm tin kinh doanh chậm hơn.
Do vậy, trọng tâm chính sách rất cần quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân vì đây là "nội lực" của nền kinh tế, có vai trò quyết định đến việc nâng cao năng suất lao động và đưa Việt Nam vượt qua bẫy nghèo, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Liên quan tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sự đánh giá của doanh nghiệp kỳ này nhìn chung tích cực hơn so với khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023 ở tất cả các khía cạnh. Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất; cơ cấu nhóm nợ.
Tuy nhiên, cũng có những chính sách chưa thực sự được doanh nghiệp đánh giá cao như chương trình cho vay mua nhà xã hội.
Đối với các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025 nhiều biến số, các vấn đề được "gọi tên" không mới nhưng có thay đổi về thứ tự gồm: Khó khăn về đơn hàng (56,1%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (47%); Thủ tục hành chính (44,4%); Khó khăn về dòng tiền (37,7%); Thông tin thị trường (31,7%); Tiếp cận vốn vay (30,8%).
Thời điểm khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp
Theo Ban IV, nửa cuối năm 2024 và dự báo năm 2025 vẫn là một năm nhiều biến số trong khi nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do Covid-19, do lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của bão Yagi.
Do đó, sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "vì dân, vì doanh nghiệp" thực sự là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và doanh nghiệp và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở để đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi.
Các giải pháp giãn giảm áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vun bồi nội lực vẫn cần được quan tâm thiết kế và đẩy mạnh thực thi vì đây vẫn là thời điểm phải cân nhắc "khoan thư sức dân".
Bên cạnh đó, qua gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã có các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện ngày càng rõ nét các xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kĩ thuật - thương mại mới, rất cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế.
Do đó, Ban IV đề xuất, định hướng chính sách không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn "hiện hữu" mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt.
Việc đặt ra các bài toán lớn quốc gia theo cơ chế "đặt hàng" với yêu cầu "liên kết chuỗi giá trị nội địa", đồng thời với các cơ chế minh bạch và đảm bảo sự công bằng, không phân biệt giữa các doanh nghiệp khu vực nhà nước với khu vực tư nhân là xu hướng được nhiều doanh nghiệp kì vọng.
Đặc biệt, bên cạnh mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam còn có mục tiêu đạt được Net-zero vào 2050. Trong bối cảnh thế giới chuyển trọng tâm sang phát triển bền vững, Việt Nam nếu quyết tâm đi tiên phong có thể tạo ra các cơ hội bước ngoặt cho phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh việc Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo…
Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh các cơ chế hợp lực công - tư, đồng thời có các nghiên cứu, đánh giá về một số sáng kiến mang tính đột phá cho Việt Nam để chuyển đổi nền kinh tế sang xanh.
Cụ thể, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực nhờ tận dụng lợi thế gần xích đạo, nắng và gió gần như vô tận nhằm cung cấp năng lượng xanh trong nước và thương mại với một số nước trong khu vực.
Phát triển các cụm công nghiệp - dịch vụ xanh và khuyến khích các ngành đột phá như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn nhưng cũng gắn kết với các yêu cầu xanh hóa để thu hút các nhà đầu tư/dòng đầu tư chất lượng.
Nghiên cứu phát triển/sản xuất hydro/ammonia xanh có giá cạnh tranh để cung cấp cho các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản...