Sự suy yếu trong các lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ đẩy chỉ số niềm tin xuống mức thấp hơn mức trung bình lịch sử, khiến khả năng thoát khỏi tình trạng đình trệ của khu vực này trở nên bấp bênh.
Theo báo cáo được Ủy ban châu Âu công bố hôm thứ Sáu (28/3), Chỉ số Niềm tin Kinh tế (ESI) của tháng 3 đã giảm 0,9 điểm trong Liên minh châu Âu (EU) xuống còn 96,0 và giảm 1,1 điểm trong khu vực đồng euro xuống 95,2 - thấp hơn đáng kể so với mức trung bình dài hạn là 100. Con số này cũng thấp hơn kỳ vọng của giới kinh tế về một sự phục hồi lên mức 97.
Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này suy giảm, làm gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế ngắn hạn của châu Âu.
Nguyên nhân chính khiến niềm tin sụt giảm
Sự suy giảm niềm tin chủ yếu đến từ các lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ và hộ gia đình.
Dịch vụ, trụ cột của nền kinh tế khu vực đồng euro, chứng kiến niềm tin giảm mạnh từ 5,1 xuống còn 2,4 điểm - mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất trong bốn tháng qua. Con số này cũng thấp hơn mức dự đoán là 6,7. Các nhà quản lý báo cáo rằng tình hình kinh doanh, nhu cầu trong quá khứ và kỳ vọng về nhu cầu tương lai đều xấu đi, cho thấy lĩnh vực này đang bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy yếu.

(Ảnh: Boris Rössler/EPA)
Niềm tin trong lĩnh vực bán lẻ giảm 1,8 điểm, do tâm lý bi quan về kỳ vọng tương lai, tình hình hiện tại và mức độ tồn kho.
Niềm tin của người tiêu dùng cũng quay trở lại xu hướng giảm sau một thời gian tạm ngưng. Chỉ số này giảm 0,9 điểm xuống -14,5, phù hợp với dự đoán, khi các hộ gia đình ngày càng bi quan hơn về triển vọng kinh tế của quốc gia và tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, vẫn có một tín hiệu tích cực khi ý định mua sắm lớn có sự gia tăng nhẹ, cho thấy sức mua vẫn có khả năng phục hồi, có thể nhờ lạm phát giảm và kỳ vọng tiền lương tăng.
Doanh nghiệp châu Âu có còn tuyển dụng?
Chỉ số Kỳ vọng việc làm (EEI) cũng giảm 0,7 điểm ở cả EU và khu vực đồng euro, tiếp tục thấp hơn mức trung bình lịch sử. Mức giảm chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, trong khi kỳ vọng tuyển dụng của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhìn chung vẫn ổn định.
Mặc dù kế hoạch tuyển dụng giảm nhưng người tiêu dùng lại có cái nhìn lạc quan hơn một chút về tình trạng thất nghiệp, cho thấy thị trường lao động vẫn được coi là khá ổn định.
Một điểm đáng chú ý là Chỉ số Giữ chân Lao động vẫn duy trì ở mức 10,4, cao hơn mức trung bình dài hạn là 9,7. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn ngần ngại sa thải lao động, có thể do khó khăn trong việc tuyển dụng lại hoặc kỳ vọng vào sự phục hồi trong tương lai.
Giá cả có ổn định không?
Áp lực giá cả vẫn ở mức cao, dù có sự khác biệt giữa các ngành. Kỳ vọng về giá bán của các nhà quản lý tăng trong ngành công nghiệp và xây dựng, giảm nhẹ trong lĩnh vực dịch vụ, ổn định trong ngành bán lẻ. Dù vậy, tất cả các lĩnh vực vẫn có kỳ vọng giá cao hơn mức trung bình dài hạn.
Từ góc độ người tiêu dùng, kỳ vọng về giá cả trong tương lai tiếp tục tăng mạnh, tiếp nối xu hướng bắt đầu từ tháng 9/2024. Trong khi đó, cảm nhận về mức giá trong quá khứ giữ nguyên nhưng vẫn ở mức cao.
Cổ phiếu châu Âu giảm do lo ngại về thuế quan ô tô
Cổ phiếu châu Âu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Sáu, khi tâm lý nhà đầu tư vẫn ảm đạm sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu - dự kiến có hiệu lực cùng với loạt thuế "có đi có lại" vào tuần tới.
Chỉ số Euro STOXX 50 giảm 0,7%, nâng tổng mức lỗ trong tuần lên 1,6%, chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mạnh của các ngân hàng lớn và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu. Cổ phiếu của Commerzbank giảm 3,9%, Deutsche Bank giảm 2,6%, BBVA giảm 2,2% và Unicredit giảm 1,8%. Trong nhóm ô tô, Volkswagen mất 1,7%, BMW giảm 1,5%, Mercedes-Benz giảm 1%.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha là chỉ số giảm mạnh nhất khu vực, mất 0,9%.
Đồng euro suy yếu 0,3% xuống mức 1,0770 USD, hướng tới ngày thứ Sáu giảm giá trong 7 ngày gần đây.
Lê Anh (Theo Euronews)