Niềm tin sau vụ SVB phá sản - “giọt nước tràn ly” khiến Credit Suisse lao đao

Niềm tin sau vụ SVB phá sản - “giọt nước tràn ly” khiến Credit Suisse lao đao

Nguyễn Thị Tuyết

Nguyễn Thị Tuyết

Thứ 5, 16/03/2023 17:01

Credit Suisse và Ngân hàng Thung lũng Silicon có một điểm chung, đó là cả hai đều phải dựa vào niềm tin để duy trì hoạt động.

Những rắc rối âm ỉ kéo dài tại Credit Suisse đã bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng toàn diện hôm 15/3 khi cổ phiếu và trái phiếu của ngân hàng này lao dốc và một số ngân hàng lớn nhất thế giới chạy đua để bảo vệ nguồn tài chính của họ khỏi nguy cơ sụp đổ.

Cổ phiếu của Credit Suisse giảm tới gần 31%, chạm mức thấp kỷ lục, và giá trái phiếu chuẩn của ngân hàng này giảm xuống mức cho thấy người cho vay Thụy Sĩ đang gặp căng thẳng tài chính sâu sắc. Điều này hiếm khi xảy ra tại một ngân hàng lớn kể từ năm cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

Sau cuộc khủng hoảng làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, các nhà chức trách Thụy Sĩ đã tìm cách ngăn chặn thiệt hại, đưa ra cam kết cung cấp tài chính khẩn cấp cho Credit Suisse nếu thật sự cần thiết.

Giới tài chính đang thấp thỏm chờ đợi những diễn biến tiếp theo tại ngân hàng lớn thứ 8 thế giới.

“Quan trọng về mặt hệ thống”

Credit Suisse là một tổ chức toàn cầu với khối tài sản trị giá khoảng 530 tỷ Franc Thụy Sĩ (575 tỷ USD) trên bảng cân đối kế toán vào cuối năm 2022. Ngân hàng này hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, quản lý tài sản và một số lĩnh vực kinh doanh khác với hơn 50,000 nhân viên trên khắp các châu lục.

Với quy mô lớn như vậy, việc ngân hàng này sụp đổ gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào là điều không cần phải bàn cãi.

Thế giới - Niềm tin sau vụ SVB phá sản - “giọt nước tràn ly” khiến Credit Suisse lao đao

Credit Suisse sẽ vay 54 tỷ USD từ ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ để trấn an nhà đầu tư. Ảnh: ing.com

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature chỉ là 2 ngân hàng nhỏ ở quy mô khu vực, nhưng sự phá sản của 2 ngân hàng này cũng đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Credit Suisse là một trong những công ty cho vay lớn nhất ở châu Âu, có liên kết với toàn cầu thông qua nhiều công ty con bên ngoài Thụy Sĩ, bao gồm cả ở Mỹ. Do đó, vấn đề của Credit Suisse không chỉ là vấn đề của Thụy Sĩ, mà là vấn đề toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Credit Suisse là thành viên “ốm yếu” nhất của ngành ngân hàng châu Âu. Sau một loạt sai lầm trong những năm qua, danh tiếng của ngân hàng này đã bị tổn hại, khiến các nhà đầu tư và khách hàng mất niềm tin.

Khoảng 123 tỷ franc Thụy Sĩ (133 tỷ USD) đã bị rút ra khỏi Credit Suisse vào năm 2022, chủ yếu trong quý IV. Cũng trong năm này ngân hàng đã báo cáo khoản lỗ ròng hàng năm gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD), mức lỗ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ tài chính của chính quyền Thụy Sĩ, vẫn còn rất nhiều rủi ro bủa vây Credit Suisse, khiến nhà đầu tư lo ngại.

“Tôi nghĩ rằng thật ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ được kiềm chế bởi một vài ngân hàng khu vực, bởi vì rõ ràng vẫn còn những cú sốc dội lại trong hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy rằng nó có khả năng lây lan sang các ngân hàng có quy mô rất lớn”, giáo sư Arthur Wilmarth tại Trường Luật George Washington dự đoán.

“Giọt nước làm tràn ly”

Vụ việc liên quan đến Credit Suisse khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Làm thế nào mà sự thất bại của SVB, một ngân hàng khu vực trị giá 212 tỷ USD với cơ sở tiền gửi tập trung, lại ảnh hưởng đến Credit Suisse và hệ thống ngân hàng thế giới, khi 2 ngân hàng này dường như không có nhiều điểm chung?

Nguyên nhân cổ phiếu Credit Suisse sụt giảm trên danh nghĩa là việc ngân hàng này thừa nhận “những điểm yếu quan trọng” trong báo cáo tài chính năm 2021 và 2022 hôm 14/3, sau đó là tuyên bố của ngân hàng quốc gia Ả Rập Xê-út hôm 15/3 rằng họ sẽ không tăng thêm vốn tại Credit Suisse mà duy trì tỉ lệ sở hữu cổ phần ở ngân hàng này mức dưới 10%.

Tuy nhiên, trên thực tế, Credit Suisse đang phải đối mặt với những vấn đề đã âm ỉ trong nhiều năm, và vụ phá sản của SVB hay Signature chỉ tình cờ xảy ra đúng thời điểm, khiến những vấn đề này trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.

Thế giới - Niềm tin sau vụ SVB phá sản - “giọt nước tràn ly” khiến Credit Suisse lao đao (Hình 2).

SVB và Signature chỉ là 2 ngân hàng nhỏ ở quy mô khu vực, nhưng sự phá sản của 2 ngân hàng này vẫn làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu. Ảnh: cityamcom

Mặc dù SVB và Credit Suisse gặp những vấn đề khác nhau, nhưng cả hai đều phải dựa vào niềm tin để duy trì hoạt động, giống như nhiều ngân hàng khác.

Khi niềm tin vào một vài ngân hàng bị lung lay, các nhà đầu tư sẽ ráo riết tìm kiếm nạn nhân tiềm năng tiếp theo, đẩy cổ phiếu ngân hàng đó xuống trên diện rộng. Đó chính xác là những gì đang xảy ra với Credit Suisse sau khi SVB phá sản.

Sự sụp đổ của SVB không kéo Credit Suisse xuống vực, nhưng nó khiến ngân hàng Thụy Sĩ bị giám sát chặt chẽ hơn, và khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu của ngân hàng này.

“Các vấn đề mà Credit Suisse phải đối mặt khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng toàn cầu hay chỉ là một trường hợp đặc thù khác”, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics cho biết.

“Đây đã là sự cố “hy hữu” thứ 3 trong vài tháng, sau cuộc khủng hoảng thị trường vàng của Vương quốc Anh vào tháng 9/2022 và sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực của Mỹ vào tuần trước. Vì vậy, chỉ có kẻ ngốc mới cho rằng không còn sự cố nào khác xảy ra”, ông Kenningham nhận định.

Tâm lý đám đông có một sức mạnh vô cùng lớn trong thế giới tài chính vốn vận động liên tục. Giờ đây, nhiệm vụ của các nhà quản lý là ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện trên toàn thế giới.

Nguyễn Tuyết (Theo Barron’s, CNN, India Times)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.