Những chuyến tàu Bắc - Nam và ngược lại hàng ngày vẫn nối chuyến. Các thành viên trên tàu SE1 thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại câu chuyện ấm lòng vào dịp tết vừa qua. Trưởng tàu Phạm Văn Chung kể, trong những ngày giáp tết, số lượng khách rất đông, anh em thành viên đoàn phải làm việc cật lực.
Trưởng tàu nhận được thông tin từ tiếp viên Nguyễn Thị Thanh, về việc có nhặt được một hành lý của khách. Khoảng 2 tiếng sau, tổng đài phát đi thông báo tới các tàu, anh Đ.H.Đ (ngụ Hà Nội) bị mất hành lý khi đi từ Hà Nội về quê ngoại ở tỉnh Quảng Bình. Lúc này, tàu đang trên đường về Huế nên phải gửi hành lý lưu lạc tại ga thuộc địa bàn. Sau đó, hành lý này được một chuyến tàu khác đi chiều ngược lại trao trả cho anh Đ. tại ga Đồng Hới.
Về sau, anh Chung được biết, anh Đ. là thầu xây dựng, làm việc tại Hà Nội. Khi về quê ngoại, anh mang theo gần 80 triệu đồng để trả tiền cho anh em công nhân ăn tết. Khi xuống tàu, anh bỏ quên hành lý nên rất lo lắng. Chỉ khi nhận được lại tài sản, vị khách này mới cảm thấy thở phào nhẹ nhõm.
Trưởng tàu Vũ Thanh Minh chia sẻ: "Hành khách vẫn thường để quên hành lý trên tàu, đặc biệt là túi quà, sạc pin điện thoại… Nhiều người bỏ quên ví, túi xách, gọi điện trình báo chỉ với mong muốn được lấy lại giấy tờ, còn tiền thì không hy vọng. Tuy nhiên, là thành viên của đoàn tàu, chúng tôi phải có trách nhiệm trả đầy đủ tất cả tài sản của khách cho dù chỉ vài trăm đồng".
Anh Hoàng Ngọc Thành, Trưởng tàu SE3 cho biết, mỗi khi phát hiện có hành lý thất lạc, thành viên đoàn sẽ phát loa thông báo tìm chủ nhân. Nếu không có hành khách nhận thì tổ tàu sẽ kiểm tra tài sản, ghi lại đầy đủ trong biên bản trước sự chứng kiến của nhiều người.
"Nhiều hành khách vui mừng nhận lại được hành lý thất lạc đã gửi ít tiền “bồi dưỡng” cho tổ tàu. Tuy nhiên, anh em vẫn thường nhắn nhủ với hành khách, việc trả lại tài sản thất lạc là trách nhiệm của chúng tôi. Nếu anh/chị cảm thấy hài lòng, hãy viết một lá thư cảm ơn để tổ tàu được ghi nhận. Như vậy là chúng tôi vui lắm rồi. Còn tiền thì tổ tàu xin được từ chối”, anh Thành chia sẻ thêm.
Hiện tại, vẫn còn nhiều tài sản bị đánh rơi trên tàu, hành khách chưa tới nhận. Ví dụ, chuyến tàu SE1, xuất phát từ Đà Nẵng vào ngày 21/9/2015, tiếp viên nhặt được một ví tiền có phong bì ghi tên Nguyễn Trịnh Hoàng Phúc, bên trong có 10 triệu đồng. Hay trên chuyến tàu SNT1 xuất phát từ Nha Trang ngày 27/4, tiếp viên nhặt gần 6 triệu đồng tại toa số 9, giường số 25.
Trong cuộc trò chuyện, Trưởng tàu Vũ Thanh Minh vẫn nhớ về cuộc gặp gỡ với cụ Nguyễn Thị Mộng (70 tuổi), trú tại tỉnh Hà Nam. Cụ Mộng có con cháu ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Mỗi khi nhớ con cháu, cụ lại bắt tàu vào thăm. Cách đây khá lâu, tàu dừng tại ga Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, cụ Mộng chuẩn bị lên tàu thì phát hiện bị mất ví, giấy tờ, vé tàu. Cụ đứng khóc.
Anh Minh thấy vậy, lấy danh nghĩa Trưởng tàu bảo lãnh để cụ được lên toa của mình nằm. Đồng thời, anh gọi điện liên lạc về ga Phủ Lý nhờ đồng nghiệp tìm tài sản của cụ Mộng bị thất lạc hộ. Rất may, chỉ vài tiếng sau, đồng nghiệp thông báo, đã tìm được tài sản của cụ Mộng. Cụ đánh rơi khi vào nhà vệ sinh.
Đầu năm 2017, anh Minh lại gặp cụ Mộng trên một chuyến tàu từ Vinh ra Hà Nội. Anh nhận được tin, ở toa số 9, có một cụ già đau bụng kêu la thảm thiết. Anh chạy đến xem xét tình hình. Có một chút kiến thức về y học, anh nhận định, cụ bị đau ruột thừa nên dùng loa phát thanh kêu gọi hành khách có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế giúp đỡ.
Rất may, trên chuyến tàu có một bác sĩ công tác ở bệnh viện lớn tại Hà Nội. Vị bác sĩ cùng Trưởng tàu liên hệ với lãnh đạo ga Thanh Hóa đề nghị được giúp đỡ. Sau đó, cụ Mộng được đưa xuống chiếc xe cứu thương chờ sẵn. Ba ngày sau, anh Minh được người nhà cụ Mộng thông báo, cụ đã qua cơn nguy kịch. Từ đó, vị trưởng tàu và cụ Mộng khá thân thiết.
“Làm trưởng tàu, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng có lẽ, điều may mắn và cảm thấy vui nhất là đã đưa được rất nhiều hành khách đi và đến an toàn”, Trưởng tàu Vũ Thanh Minh chia sẻ.
Huy Cường - Nhâm Thân