Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023), Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ đầy thú vị từ TS.BS Lê Việt Khánh – Phó khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến- người đã gắn bó hơn 20 năm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về câu chuyện nghề, chuyện của những bác sĩ cấp cứu.
Vất vả nhưng xen lẫn tự hào
NĐT: Chào bác sĩ, đầu tiên xin ông có thể chia sẻ một ngày làm việc của bác sĩ cấp cứu bắt đầu như thế nào?
TS.BS Lê Việt Khánh: Một ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ rất sớm, thường tôi dậy lúc 5h sáng, 6h30 có mặt tại bệnh viện. Sau đó, tôi cùng các bác sĩ trong khoa đi đến các buồng bệnh nhân thăm khám, kiểm tra, giao ban khoa, giao ban bệnh viện và đi mổ. Tùy từng ca mổ mà thời gian khác nhau, có ca mổ thông trưa, thậm chí có ca đến chiều mới kết thúc. Còn giờ về nhà không cố định, có thể sau 18h hoặc có thể muộn hơn. Vì thế, một ngày kết thúc công việc của bác sĩ không biết trước được.
Còn đối với ngày trực, chúng tôi làm việc 24/24h, công việc của các bác sĩ trực cấp cứu đó là tiếp đón các bệnh nhân đến, phân loại bệnh nhân trường hợp nào phải mổ cấp cứu thì sẽ tiến hành luôn.
Theo tôi một ngày bắt đầu sớm thì công việc sẽ suôn sẻ hơn, đó là bí quyết để tôi luôn có một ngày làm việc nhiều năng lượng. Khi bác sĩ nhiều năng lượng thì mới truyền được những năng lượng tích cực cho bệnh nhân.
NĐT: Công việc của một bác sĩ đã vất vả, đặc biệt lại là bác sĩ cấp cứu thì áp lực, căng thẳng lại càng nhân lên gấp bội. Vậy, cơ duyên nào dẫn lối bác sĩ theo học và công tác trong ngành y?
TS.BS Lê Việt Khánh: Tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm ngành y, nhìn thấy bố cứu sống được bệnh nhân và được bệnh nhân vô cùng cảm kích, biết ơn. Công việc của ông nội, của bố mẹ đã thôi thúc tôi muốn trở thành bác sĩ để cứu sống bệnh nhân.
NĐT: Là con nhà nòi, bản thân bác sĩ có áp lực với việc phải trở thành một bác sĩ có tay nghề cao hơn?
TS.BS Lê Việt Khánh: Ông bà, bố mẹ luôn động viên tôi kể cả lúc công việc áp lực nhất. Nên tôi không bị áp lực.
NĐT: Đã có làn sóng cán bộ nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư hoặc nghỉ việc. Là người công tác trong ngành y lâu năm, ông có nhận thấy ngành y là một ngành vô cùng vất vả?
TS.BS Lê Việt Khánh: Hai con có nói với tôi là “con không làm nghề bố đâu, vì thấy bố vất vả quá”. Tôi cho rằng đúng là ngành y vất vả, nhưng cũng có những niềm vinh quang, sự tự hào, mang lại cho mình rất nhiều người thân. Tôi có thêm 2 con nuôi – chính là bệnh nhân của tôi.
NĐT: Trong hơn 20 năm công tác, chắc hẳn ông đã tiếp nhận rất rất nhiều ca cấp cứu, vậy ca cấp cứu nào khiến ông nhớ mãi đến bây giờ?
TS.BS Lê Việt Khánh: Có một trường hợp đến tận bây giờ tôi rất nhớ đó là có một bệnh nhân nữ bị tai nạn giữa ô tô và xe máy, vào cấp cứu trong tình trạng sốc. Khi đó tôi đang trực phụ cùng GS.TS Trần Bình Giang – nay là giám đốc bệnh viện chỉ định mổ luôn trường hợp này. Khi đó, tôi chưa hiểu nên hỏi lại “vì sao lại mổ?” thì GS.TS Trần Bình Giang có nói lại “vào mổ thì sẽ biết”. Vào ca mổ tôi mới nhận thấy là bệnh nhân rất nặng, vỡ toàn bộ tá tràng, đầu tụy. Chính GS. Giang là người đã mổ cắt khối tá tụy cấp cứu lần đầu tiên ở Việt Nam. Đó là điều tôi ấn tượng nhất, tôi học được ở ông kinh nghiệm trong việc khám lâm sàng, chẩn đoán, đưa ra phương án điều trị kịp thời cho bệnh nhân một cách nhanh chóng và chuẩn xác.
Thêm một câu chuyện đáng nhớ nữa đó là đợt dịch Covid-19, khoa chúng tôi là khoa bị phong tỏa toàn bộ, 2/3 số lượng nhân viên, bác sĩ và người bệnh đều bị phong tỏa. Cũng như một tua trực, nhưng đợt trực này không chỉ kéo dài một ngày mà là gần 20 ngày, vừa sống vừa làm việc tại chỗ. Đây là thời điểm mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được.
NĐT: Cảm xúc của ông từ lúc nhận được điện thoại có ca cấp cứu cho đến khi bệnh nhân đến bệnh viện ra sao?
TS.BS Lê Việt Khánh: Tôi cũng đang công tác ở phòng chỉ đạo tuyến, nơi tiếp nhận thông tin từ tuyến dưới lên để đề nghị hỗ trợ các ca bệnh, khi nhận được những thông tin có ca cấp cứu thì tôi cũng như các bác sĩ trực cấp cứu đều chuẩn bị tinh thần rất đầy đủ, sẵn sàng đón tiếp, tiến hành chẩn đoán, xử lý nhanh nhất để cấp cứu bệnh nhân.
NĐT: Trong quá trình công tác, có những áp lực nào mà bản thân bác sĩ trực cấp cứu phải đối diện?
TS.BS Lê Việt Khánh: Phương pháp của tôi là hiểu tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đặt mình vào vị trí của họ.
Tôi sẽ kể một câu chuyện, hôm đó là vào 2h sáng, tôi ở trong phòng mổ đi ra có bác sĩ báo là ở ngoài kia có một nhóm người nhà bao vây rất đông. Có một trường hợp đòi mổ ngay lập tức tuy nhiên ca bệnh này là vết thương sọ não hở, còn trong lịch trực danh sách bệnh nhân mổ cấp cứu sọ não rất nhiều, nặng hơn, thậm chí có cả bệnh nhân lớn tuổi.
Tôi đi ra thì thấy rất đông người nhà đứng quây, tôi cũng hiểu tâm lý của người nhà họ lo lắng, mong người thân được mổ nhanh nhất. Lúc đó, tôi đã bình tĩnh giải thích cho họ biết tình trạng người bệnh hiện tại, sau khi giải thích xong thì họ đã hiểu và đồng ý chờ đợi.
Làm bác sĩ cấp cứu cần “bình tĩnh”
NĐT: Là bác sĩ cấp cứu, luôn phải tiếp xúc với những ca bệnh, người nhà bệnh nhân, thậm chí cả những đối tượng có thể hành hung bác sĩ bất cứ lúc nào. Vậy theo ông, điều gì cần phải tôi luyện khi làm bác sĩ cấp cứu?
TS.BS Lê Việt Khánh: Bác sĩ cấp cứu điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh. Trong cơn nguy cấp, càng gấp thì tôi càng phải bình tĩnh để tìm ra được phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân. Nhớ lại cách đây ít lâu có một vụ tai nạn hàng loạt, tôi nhận được thông tin nạn nhân trong vụ tai nạn có cả người quen của mình. Khi ra đến phòng khám, thấy rất đông bệnh nhân và tôi mất bình tĩnh, nhưng chỉ một lúc tôi bình tĩnh trở lại, cùng với các bác sĩ trong kíp trực phân loại bệnh nhân. Qua đó để thấy rằng cần phải có một “tinh thần thép”, nếu mất bình tĩnh thì có thể làm chậm quá trình cứu chữa bệnh nhân và làm giảm hy vọng cứu sống bệnh nhân.
NĐT: Trong quá trình làm việc, có trường hợp nào khiến bác sĩ phải day dứt, nuối tiếc?
TS.BS Lê Việt Khánh: Có chứ, đó là khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã quá nặng rồi và các y bác sĩ không thể cứu chữa được nữa.
Day dứt nhất đó là một trường hợp có một cô bé đi xe đạp và tai nạn trước cửa trường học, bị xe buýt cán vào. Khi đưa vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim đã đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu nhưng không cứu được bệnh nhân, cô bé còn rất nhỏ chỉ chạc tuổi con tôi nên đó là điều tôi rất lấy làm tiếc.
Làm ở khoa cấp cứu sẽ không thiếu những hình ảnh nhìn thấy bệnh nhân không qua khỏi cơn nguy kịch, đó là điều tiếc nuối.
Và tiếc nuối hơn nữa là khi những bệnh nhân có thể cứu, nhưng người bệnh, người nhà bệnh nhân lại bỏ lỡ thời điểm vàng để có thể cứu chữa.
Với cương vị là một người bác sĩ, chúng tôi luôn tâm niệm cứu sống, giúp đỡ được càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Đối với những ca bệnh khi lỡ bỏ cơ hội vàng để điều trị thì không chỉ khó khăn cho bác sĩ điều trị mà chính bệnh nhân là người phải chịu hậu quả trực tiếp.
NĐT: Ngành y là ngành rất đặc thù, nhiều áp lực nhưng điều gì tạo động lực cho bác sĩ luôn tận tâm với nghề?
TS.BS Lê Việt Khánh: Làm nghề y phải có sự kiên trì, yêu nghề và trách nhiệm với nghề. Trong tua trực của tôi có một cháu bé được chuyển lên trong tình trạng sốc nặng, người nhà đã có ý định xin cho cháu về. Nhưng, tua trực đã giải thích để người nhà đồng ý phẫu thuật cho bệnh nhân. Nhận được sự ủng hộ từ gia đình, tôi trực tiếp phẫu thuật cho bé sau đó diễn tiến của bé dần ổn định, sau này gia đình đã nhận tôi là bố đỡ đầu của bé – đó là niềm vui lớn nhất của tôi. Làm công việc này bên cạnh việc cấp cứu người bệnh, chúng tôi còn nhận được sự yêu thương, đồng cảm và sự quý trọng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đó là niềm động viên rất lớn.
NĐT: Điều gì khiến bác sĩ tự hào nhất trong sự nghiệp của mình cho đến bây giờ?
TS.BS Lê Việt Khánh: Điều làm cho tôi tự hào nhất bây giờ là mình cứu được nhiều bệnh nhân, mang lại lợi ích có ích cho xã hội, cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và đem lại niềm vui cho họ. Tôi chỉ mong các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sẽ được phổ biến, phổ cập nhiều hơn đến người dân. Tôi cũng mong bản thân duy trì được sức khỏe tốt, cứu chữa được nhiều người hơn và cống hiến nhiều hơn cho ngành y.
NĐT: Xin cảm ơn bác sĩ.