Ông Mohamed Bazoum tới Paris gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 16/2/2023.
Chính quyền quân sự tuyên bố đã thu thập bằng chứng phục vụ "truy tố Tổng thống bị phế truất cùng các đồng phạm ở trong và ngoài nước vì tội phản quốc và gây tổn hại an ninh quốc gia", đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự, thông báo trên kênh truyền hình quốc gia.
Động thái mới của chính quyền quân sự đã "dội gáo nước lạnh" vào nỗ lực của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) nhằm khôi phục quyền lực cho ông Bazoum.
Kể từ khi đảo chính xảy ra, ông Bazoum cùng vợ và con trai đã bị phe đảo chính giam lỏng ở dinh Tổng thống. Hôm 13/8, chính quyền quân sự khẳng định không can thiệp vào cuộc sống của ông Bazoum. Tổng thống Niger bị lật đổ được tự do liên lạc với bên ngoài và thường được các bác sĩ tới kiểm tra sức khỏe.
Ông Bazoum đã được bác sĩ tới kiểm tra sức khỏe vào ngày 12/8. "Sau khi kiểm tra, bác sĩ nói ông Bazoum và các thành viên gia đình không gặp vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe", chính quyền quân sự cho biết.
Trước đó, ông Bazoum gửi thông điệp nói mình bị "bắt làm con tin", sống trong cảnh không có điện và lương thực sắp cạn kiệt.
Trong tuyên bố ngày 13/8, chính quyền quân sự chỉ trích các lệnh trừng phạt "trái phép và vô nhân đạo" mà ECOWAS áp đặt với Niger sau cuộc đảo chính.
Niger phụ thuộc phần lớn vào lượng điện do Nigeria cung cấp còn Benin đóng vai trò giúp Niger xuất khẩu hàng hóa qua đường biển. Hai quốc gia này đã tuyên bố đóng cửa biên giới, ngừng giao thương và ngừng cung cấp điện cho Niger.
Chính quyền quân sự Niger cho biết, các biện pháp trừng phạt đã tước đi nguồn cung cấp thuốc men, thực phẩm và điện của quốc gia.
Hôm 10/8, phe đảo chính tuyên bố thành lập chính phủ mới. Salifou Modi và Mohamed Toumba, hai tướng quân đội tham gia cuộc đảo chính, lần lượt được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ. Người đứng đầu cuộc đảo chính, tướng Abdourahamane Tiani trước đó đã tự tuyên bố trở thành Tổng thống mới của Niger.
Đăng Nguyễn - Al Arabiya