Thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an Tp.HCM (PC07) cho biết, mới đây, đơn vị vừa xử lý thành công tổ ong vò vẻ “khủng” trên cây xanh tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1).
Theo đại diện Thảo Cầm Viên, tổ ong vò vẽ đã được phát hiện cách đây hơn một tuần. Tổ ong này có đường kính hơn 0,5m, làm tổ ở độ cao 30m trên cây, gần sân khấu Thảo Cầm Viên.
Xác định đây là loại ong đặc biệt nguy hiểm, nhất là lại nằm trong khu vực có đông người đến tham quan, nhất là trẻ em. Nếu tổ ong rớt xuống lúc có khách tham quan sẽ rất nguy hiểm, nên Ban Quản lý Thảo Cẩm Viên đã thông báo đến cơ quan chức năng nhờ xử lý.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chiều ngày 23/11, hơn 20 chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07, Công an Tp.HCM) do trung tá Đào Quốc Trung làm chỉ huy, cùng 3 xe chuyên dụng đã đến Thảo Cầm Viên triển khai phương án bắt tổ ong.
Trung tá Đào Quốc Trung cho biết, ong vò vẽ rất nguy hiểm. Người bị ong đốt có thể bị choáng váng nên việc bắt cần hết sức cẩn thận. Phải đợi đến khi trời nhá nhem tối, 3 chiến sĩ cảnh sát được trang bị đồ bảo hộ lên xe thang để tiếp cận vị trí tổ ong vò vẽ.
“Lúc đầu chúng tôi đưa ra 2 phương án là dùng vợt để bắt nguyên cả tổ hoặc dùng lửa đốt. Sau khi hội ý, chúng tôi chọn phương án dùng vợt. Việc tiếp cận và bắt ong thành công, các chiến sĩ đều an toàn", Trung tá Trung cho biết.
Cũng theo Trung tá Trung, buổi tối ong sẽ về tổ nên việc xử lý vào ban đêm sẽ hiệu quả hơn vào ban ngày. Ngoài ra, vào ban đêm ong bay ra sẽ bám vào ánh đèn. Quan trọng hơn cả là sự phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ và những người xung quanh.
Theo các bác sĩ, người bị ong vò vẽ chích dễ dẫn tới khả năng bị sốc phản vệ, nổi mề đay, tay chân lạnh, mạch yếu, các biến chứng suy gan, thận. Độc tố của ong có thể gây tử vong sau 15 phút. Loài này sau khi đốt không để lại vòi nên có thể chích thêm nhiều người. Thực tế, thời gian qua, có không ít trường hợp bị ong vò vẽ đốt bị sốc phản vệ dẫn tới tử vong chỉ với vài vết chích do loại ong này có chứa rất nhiều độc chất.
Cần làm ngay điều này nếu chẳng may bị ong đốt
Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.
Uống nhiều nước để loại thải độc tố.
Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
Sau đó phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng tránh ong đốt, mọi người nên cố gắng tránh tiếp xúc với ong. Không chọc phá tổ ong. Trẻ em là đối tượng thường bị ong đốt do trẻ được nghỉ học đi chơi và thường hay tò mò, chọc phá tổ ong.
Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa). Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.
Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.
TÚ ANH (T/h theo Zing, Vietnamnet )