Ngày 13/9, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đang vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin hàng chục nữ sinh Trường THPT Trương Hán Siêu và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) lao vào hỗn chiến, đuổi đánh nhau trên đường đê.
Theo thông tin ban đầu, sự việc được cho là xảy ra vào khoảng 15h ngày 12/9 tại khu vực đê Hoàng Long đoạn qua địa bàn xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Theo nội dung đoạn clip ghi lại, hàng chục nữ sinh đã lao vào đánh nhau, nhiều nữ sinh bị bạn cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu. Thậm chí có rất nhiều gậy sắt mà 2 nhóm nữ sinh này mang tới đê Hoàng Long để giải quyết mâu thuẫn.
Sau khi chứng kiến sự việc, nhiều người đã gọi điện báo công an. Khi lực lượng Công an huyện Hoa Lư có mặt tại hiện trường thì đám đông đã giải tán. Do số học sinh tham gia đông và ở nhiều trường khác nhau nên lực lượng Công an huyện Hoa Lư đang tiến hành điều tra, xác minh.
Ông Lưu Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, xác nhận có sự việc trên và cho biết, theo báo cáo ông nhận được thì đây là vụ xô xát không có thương tích về người. "Vụ việc đang được nhà trường, chính quyền và công an tiếp tục giải quyết", ông Minh thông tin.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cũng đã nắm được sự việc và đang giao cho các đơn vị liên quan phối hợp với Công an huyện Hoa Lư làm rõ.
Nhức nhối chuyện nữ sinh đánh nhau
Những năm gần đây, bạo lực học đường và đặc biệt hơn cả là nữ sinh đánh nhau đang trở thành một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Thêm vào đó, việc mạng xã hội phát triển nhanh chóng cũng khiến thói hư này có chiều hướng “lây lan”.
Những vụ nữ sinh đánh nhau không chỉ gây phản cảm đối với hình ảnh nữ sinh mà còn để lại nhiều hệ lụy khó lường cho nạn nhân. Nhiều cô cậu học trò sau khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường đã sống khép kín hay thậm chí là sợ tiếp xúc với người khác. "Bóng ma" tâm lý đó sẽ trở thành một trong những yếu tố cản trở tương lai của các em sau này.
Không những vậy, chúng ta thậm chí còn phải bàn đến mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Sau hàng loạt những nữ sinh đánh hội đồng hay hỗn chiến thì mối quan hệ này phải càng trở nên khăng khít hơn để giáo dục học sinh. Phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cả những mâu thuẫn, xích mích giữa các học sinh để có định hướng giải quyết; phải dạy để học sinh biết về mạng xã hội, lợi ích và tác hại của nó mang lại, trong trường hợp cần thiết thì phụ huynh phải có biện pháp phù hợp để kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của học sinh. Có như vậy, mới góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh tham gia đánh nhau.
Han (t/h từ Người Lao Động, Phụ nữ Việt Nam)