Vụ hè thu năm nay, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) xuống giống trồng 227ha chủ yếu là cây ngô nếp và ngô lai. Tuy nhiên, do thiếu nước tưới, hơn 80% diện tích cây trồng đã bị chết khô, nhiều hộ phải chặt ngô cho bò ăn, mất trắng vốn đầu tư.
Thiệt hại hoàn toàn
Ngày 27/8, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, để ghi nhận tình hình. Đi dọc tuyến tỉnh lộ 707, điều dễ nhận thấy là hàng trăm héc-ta cây ngô đang trong thời kỳ thu hoạch đã chết khô, thiệt hại hoàn toàn.
Chỉ tay về phía đám ngô đang chết khô, ông Báo Văn Tâm, Cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Phước Hòa cho biết: "Phần lớn các diện tích ngô ở đây chủ yếu dựa vào nước trời. Năm nay, hạn hán kéo dài, nên bà con bị thiệt hại nặng nề do thiếu nước tưới".
Dẫn PV đến tận rẫy ngô đang xơ xác, đất nứt nẻ, thân cây ngô có đậu quả, nhưng hầu hết không có hạt, chị Pi Năng Thị Lan ở thôn Chà Panh buồn bã, nói: “Tôi xuống giống hồi tháng 5, nhưng đến thời kỳ ngô đậu trái thì không có mưa, cây thiếu nước tưới nên chết khô, giờ trắng tay, chỉ mong sớm được hỗ trợ để tiếp tục sản xuất”.
Gia đình chị Pi Năng Thị Lan từ đầu vụ đến nay đã đầu tư hơn 10 triệu đồng cho 4 sào (4.000m²) ngô. Thế nhưng, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích ngô của gia đình chị đã bị chết khô.
Cách gia đình chị Lan khoảng 500m, gia đình chị Pi Năng Thị Hoa ngụ thôn Chà Panh, cũng trong tình cảnh tương tự. Hơn một tháng qua, 6 sào trồng ngô nếp của gia đình chị Hoa cũng chết dần, chết mòn vì thiếu nước tưới. Thiếu dinh dưỡng khiến quả ngô không có hạt. Mỗi ngày, chị Hoa ngậm ngùi chặt dần hết cả ruộng ngô khô héo cho bò ăn.
“Vụ trước, tôi thu hoạch gần 3 tấn, bán được 45 triệu đồng, lãi gần chục triệu đồng, mùa này thì mất trắng. Mùa vụ sắp tới chắc bỏ đất hoang vì đã hết vốn để đầu tư sản xuất” - chị Pi Năng Thị Hoa buồn rầu nói.
Để cứu cây trồng, nhiều hộ dân ở đây đã chạy vạy khắp nơi vay hàng chục triệu đồng mua máy bơm nhằm hút nước từ các con suối gần đó “giải khát” cho ngô, lúa, nhưng cũng không thể giải quyết được gì.
Anh Mang Cu thôn Chà Panh than vãn: “Hiện tại, tôi trồng 2 sào ngô và 2 sào lúa nước. Tôi bỏ hơn 20 triệu đồng mua máy bơm chạy bằng dầu hút nước dưới con suối Chà Panh gần ruộng để tưới hoa màu. Mỗi ngày mua thêm 200.000 đồng tiền dầu để khởi động máy bơm. Nhưng, giờ suối đã hết nước, đành chấp nhận cảnh ngô, lúa đang chết dần chết mòn”.
Cần sớm đầu tư mương thủy lợi
Anh Chamaléa Xíu, Trưởng thôn Chà Panh cho biết: “Nhiều năm nay, bà con liên tục kiến nghị tỉnh, huyện sớm đầu tư hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện cho bà con an tâm sản xuất, từng bước vượt qua thời điểm “đói giáp hạt” hàng năm. Thế nhưng, đến nay, nguyện vọng của người dân chưa được quan tâm, nên đời sống vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Anh Chamaléa Xíu cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn thôn không chỉ có cây ngô chết vì thiếu nước mà nhiều diện tích trồng lúa nước của bà con cũng bị thiệt hại nặng. Một số hộ tìm cách cứu lúa, cứu ngô bằng cách vay mượn hàng chục triệu đồng để mua máy bơm điện, máy bơm dầu để hút nước dưới suối. Nhưng, trời không mưa, mạch nước ngầm ít, chỉ tưới cầm chừng được chục ngày thì mạch ngầm cũng cạn và cây cũng chết.
Theo tìm hiểu của PV, xã Phước Hòa có trạm bơm lấy nguồn nước từ Sông Cái. Thế nhưng, trạm chủ yếu cung cấp nước tưới cho một số hộ dân thôn Tà Lọt và vài hộ dân liền kề khu vực này, chứ chưa được đầu tư hệ thống dẫn nước tưới đến thôn Chà Panh. Vì vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phức tạp, tình hình sản xuất của người dân xã Phước Hòa càng gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, xã Phước Hòa có gần 112ha ngô bị chết khô hoàn toàn, ước tính thiệt hại đầu tư khoảng 4 tỷ đồng (chưa tính hơn 500 tấn năng suất mất trắng).
Trao đổi với PV, ông Báo Văn Tâm, Cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Địa phương đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng suối Chà Panh để tăng lượng nước tưới cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh, huyện cần đầu tư hệ thống thủy lợi bài bản để bảo đảm nguồn nước tưới ổn định cho khoảng 500ha trồng ngô, lúa nước, sắn, mía, rau quả… của bà con. Có như thế, đồng bào Ra Glai nơi đây mới có điều kiện vượt qua thời điểm đói giáp hạt hàng năm và vươn lên thoát nghèo bền vững”.