Thầy cô đến vận động, học sinh vượt rào, chạy vào rừng trốn
Năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Tết, học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở (THCS) ở huyện vùng cao Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) lại đồng loạt bỏ học. Thương học trò mất chữ, thầy cô giáo ở đây phải đôn đáo, tất tả chạy ngược xuôi tìm mọi cách vận động học sinh ra lớp.
Thế nhưng, không phải lúc nào sự nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô cũng được đền đáp.
Tiếp xúc PV vào những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cô Huỳnh Lê Kim Thoa, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) buồn bã nói: “Cứ sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán thì trường chúng tôi lại đối diện tình trạng học sinh bỏ học. Ít thì mười mấy, nhiều có khi lên đến hai ba chục em”.
Theo ghi nhận của PV, trong buổi sáng thứ Hai đầu tuần (11/2), trường này đã có 38 học sinh bỏ học. Những ngày tiếp theo, từ thứ Ba đến thứ Tư, con số này giảm xuống chỉ còn 10 học sinh. Chưa kịp mừng thì trong ngày thứ Năm (14/2), số lượng học sinh nghỉ học lại tăng lên 18 học sinh.
Nguyên nhân học sinh bỏ học, theo cô Kim Thoa, chủ yếu do các em rủ nhau đến các tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM,... làm thuê kiếm tiền. Thời điểm học sinh bỏ học để đi làm thuê nhiều nhất là sau Tết Nguyên đán. Hiện, nhiều em lớp 9 cũng đang có ý định bỏ học để đi làm kiếm tiền.
Để gặp phụ huynh, nhờ họ trao đổi, tác động thêm con em mình thấy được tầm quan trọng của việc đến trường, các giáo viên phải tranh thủ đến vào giờ nghỉ trưa hoặc chiều tối sau khi kết thúc giờ dạy trên trường.
Khoảng 16h30, lúc đã kết thúc môn cuối của ngày thứ Năm, cô Kim Thoa dẫn PV đến thăm nhà em Katơr Thị Liến (học sinh lớp 9, ngụ thôn Rã Trên, xã Phước Trung, huyện Bác Ái). Cô Kim Thoa cho biết, đây là học sinh có học lực khá nhưng đang có tư tưởng nghỉ học để lên TP.Đà Lạt làm thuê kiếm tiền.
“Sau khi nghe thông tin em Liến có tư tưởng nghỉ học, chúng tôi cũng đã đến nhà vận động em đến lớp. Tuy nhiên, em Liến vẫn không chịu nghe và nhất định đòi đi làm thuê”, cô Kim Thoa giọng buồn bã nói.
Tâm sự với PV, bà Katơr Thị Dách (bà nội của em Liến) cho hay: “Gia đình tôi cũng có động viên cháu đến trường, cố gắng học nhưng không ăn thua. Cháu thấy các bạn trong xóm đi làm có tiền mua điện thoại, quần áo mới,… nên cũng ham. Cháu mà nghỉ họ, gia đình cũng buồn lắm vì Liến là con đầu nên cần làm gương cho các em sau này”.
Sau 30 phút nói chuyện với gia đình em Liến, cô Kim Thoa tiếp tục dẫn PV đến thăm nhà em Chăm Thị Bé (học sinh lớp 9, ngụ thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái). “Bé cũng là một học sinh có học lực khá. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, em ấy cũng bắt đầu nghỉ học ở nhà đi chăn cừu, bò với cha mẹ”, cô Kim Thoa cho hay.
Khi PV và thầy cô trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi vừa đến cổng nhà để vận động em đến trường thì từ đằng xa, em Chăm Thị Bé đã vượt hàng rào chạy vào rừng để trốn.
Tiếp chuyện PV và thầy cô, bà Chăm Thị Sơ (mẹ em Chăm Thị Bé) cho biết : “Chúng tôi nhiều lần khuyên Bé đi học nhưng nó không chịu. Nó chỉ muốn ở nhà đi chăn bò, chăn cừu phụ ba, mẹ thôi. Gia đình cũng không biết làm sao”.
Cô Huỳnh Lê Kim Thoa cho biết thêm, trước kỳ nghỉ Tết, nhà trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, phát quà Tết. Thậm chí còn lì xì cho mỗi em từ 100.000 – 1.000.000 đồng tùy vào hoàn cảnh của mỗi em để khuyến khích các em đến trường sau Tết.
Ngoài ra, các thầy cô cũng đã đến tận nhà các học sinh bỏ học khuyên nhủ các em quay lại lớp. Tuy nhiên, hiếm hoi lắm mới thuyết phục được 1 - 2 em. Có những gia đình khi thầy cô đến thì cả nhà đã bỏ lên trên núi để làm rẫy, nên nhà trường cũng đành bất lực.
Bị bạn bè rủ rê là nghỉ học
Nếu như những năm trước, việc vắng học sau Tết rơi vào những em có học lực yếu, một số em khác theo cha mẹ lên rẫy thì năm nay, đa số học sinh chưa đi học là do theo bạn bè đi làm thuê ở các tỉnh khác.
Trước Tết, con gái chị Katơr Thị Đâm là em Katơr Thị Giang (học sinh lớp 8, trường PTDTBT THCS Ngô Quyền xã Phước Tiến, huyện Bác Ái) đã theo bạn bè lên Đà Lạt làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, sau khi làm xong, mặc dù đã về quê và được các thầy cô trong trường đến nhà vận động 2 lần để đến trường nhưng em vẫn không chịu đi học. Mẹ em cho biết, em học rất giỏi nhưng do thấy đi làm có tiền nên vẫn bị bạn bè rủ bỏ học để vào TP.HCM làm việc.
Chia sẻ với PV, bà Katơr Thị Đâm cho biết: “Đúng ra thứ Hai đã đi học rồi nhưng nó nói đi TP.HCM làm để có tiền sửa nhà. Tôi có nói nó cố gắng đi học, học tới lớp 9 rồi muốn làm gì làm nhưng nó không nghe. Nhà mình nghèo, con phải đi làm kiếm tiền sửa nhà, nó nói vậy đó”.
Theo các giáo viên, việc học sinh nghỉ học quá nhiều sau kỳ nghỉ Tết thì dù có quay trở lại lớp học, các em vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp thu bài. Mặt khác, nếu các em nghỉ lâu dễ gây nên tâm lý chán nản, không muốn học nữa. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng bỏ học.
Em Katơr Bảo (học sinh lớp 7A, PTDTBT THCS Ngô Quyền) cho biết: “Lớp em sỉ số là 23 nhưng trong buổi học ngày thứ Năm đã có 6 bạn vắng học. Các bạn nghỉ học do bị các anh chị trong xóm rủ rê cùng đi làm để kiếm tiền tiêu xài”.
Theo thống kê, riêng trường PTDTBT THCS Ngô Quyền sĩ số đầu năm học 2018 – 2019 có 217 học sinh nhưng sau Tết đã có 117 học sinh chưa đến trường. Tính đến hôm nay (15/2), con số này đã giảm chỉ còn 47 em học sinh chưa đến trường. Tuy nhiên, em có nguy cơ bỏ học.
Theo thống kê của phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, hiện nay, toàn huyện có 34 trường từ cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, cấp mầm non có 176/1893 học sinh chưa ra lớp, cấp tiểu học có 303/3443 học sinh và cấp trung học cơ sở có 260/1507 học sinh chưa ra lớp.
Trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Phụ trách - Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết: “Hiện nay, chúng tôi còn hơn 500 học sinh chưa ra lớp chủ yếu là học sinh THCS, lớp 8 và lớp 9. Nguyên nhân là thời gian nghỉ Tết quá sớm và sau Tết cũng sớm. Những năm trước, đến mùng 10 mới học lại nhưng năm nay chỉ mùng 7".
"Thời gian nghỉ Tết, các em đi làm thuê, các em chưa quay lại trường để học. Việc bỏ học này còn do sự rủ rê giữa các em với nhau, hoặc do người thân trong họ hàng về đưa các em đi làm ăn xa hoặc lên núi để làm rẫy. Nhiều gia đình cho rằng con họ học xong cũng không có việc làm, nên để các em đi làm sớm vẫn hơn”, ông Hải nói thêm.
Giáo viên chủ nhiệm tại các trường ở huyện Bác Ái đã ra sức vận động, nhưng số học sinh đến lớp trong những ngày sau Tết vẫn còn hạn chế. Một số lớp đông nhất cũng chỉ ở mức từ 20 - 23 học sinh. Những giải pháp các trường đang nỗ lực thực hiện chỉ là tạm thời, về lâu dài cần những giải pháp khả thi hơn với điều kiện của một huyện miền núi.