Xuất phát từ mong muốn được san sẻ nỗi vất vả của bà con vùng cao phải thức khuya, dậy sớm giã ngô bằng cối chày tay, năm 2012, ý tưởng sáng chế máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô hình thành trong ông Thái Văn Âu (ngụ thôn Ú, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận).
Qua 2 năm nghiên cứu với 6 lần thất bại, mãi đến năm 2015, chiếc máy thứ 7 của ông mới hoàn chỉnh và được đưa vào chạy thử nghiệm.
Đứng bên chiếc máy đang vận hành, ông Âu chia sẻ: “Việc chế tạo máy không đơn giản như suy nghĩ. Quá nhiều lần thất bại, vợ tôi đâm ra nản lòng vì tốn nhiều chi phí. Nhưng thấy tôi quá đam mê, cô ấy chiều theo ý. Thế là tôi tiếp tục mày mò, tham khảo kiến thức trong các sách kỹ thuật để chế tạo. Cuối cùng, tôi cũng toại nguyện”.
Để PV hình dung rõ hơn về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của chiếc máy, ông lấy một quyển vở học sinh vẽ lại sơ đồ của chiếc máy và thuyết trình lại khá bài bản.
Ông nói: “Cấu tạo của máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô gồm 8 bộ phận chính: Khung máy để giữ cho máy ổn định; Toa chứa hạt ngô để đưa hạt ngô vào buồng bóc vỏ; Thùng bóc vỏ có 1 dao bóc ngang, 4 dao đứng; Hộp truyền động với tỉ lệ 1/1; Quạt gió 4 cánh; Sàng 2 tấm gồm tấm phía trên là sàng lưới hạt ngô thành phẩm và được chứa bằng thau, chậu. Phía dưới là khay hứng và truyền cám, cũng chứa bằng thau, chậu đặt phía dưới băng chuyền sàng lưới; Trục lắc sàng và đai truyền; 2 puly trên hộp truyền chuyển động”.
Cũng theo ông Âu, nguyên lý hoạt động của máy là dùng dòng điện 3 pha, mô-tơ điện 15 Hp có vòng quay 1400V/P. Khi mô-tơ hoạt động, trục quay kéo bộ phận dây đai đến trục truyền chuyển động làm xoay bộ bánh răng có hình nón xoay kéo trục đứng làm cho dao bóc vỏ lụa xoay theo, đồng thời trục hộp truyền chuyển động kéo dây đai và kéo quạt gió cùng sàng lắc từ lúc đổ hạt ngô vào toa chứa hạt cho đến khi mở cửa để hạt ngô đã tách vỏ lụa được lùa vỏ xuống sàng tách cám.
Khi ngô chảy qua sàng rơi xuống quạt gió, nhờ sức gió cánh quạt đẩy cám còn sót lại để lấy hạt ngô hoàn sạch trước lúc chảy xuống thau chứa ngô đặt phía dưới băng chuyền.
Điều đặc biệt, chiếc máy này rất gọn nhẹ, cấu tạo đơn giản, tránh tiếng ồn và khả năng ứng dụng cao. Công năng vượt trội của chiếc máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô là chỉ mất 8 phút để cho ra 12kg hạt ngô đã được bóc vỏ lụa sạch đẹp. Nếu giã thủ công như trước đây, bà con phải mất hơn 4 giờ. Nếu chiếc máy làm việc 8 giờ/ngày sẽ đạt năng suất gấp 30 lần của một ngày công lao động.
Chị Dơ Ngó Bông (ngụ thôn Ú, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) phấn khởi nói: “Ngày xưa, muốn có ngô nấu xôi gia đình tôi phải giã bằng cối chày tay rất vất vả. Bây giờ, có máy bóc vỏ lụa của ông Âu thì rất khỏe, còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian để đi rẫy”.
Năm 2016 – 2017, sáng chế máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô của ông Thái Văn Âu đã đạt giải Nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV và giải Khuyến khích Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIV.
Hiện tại, ông Âu đặt chiếc máy tại nhà để phục vụ bà con xã Mã Nới và một số thôn lân cận của xã khác. Mỗi lần xay ông chỉ lấy 1.000 đồng/kg để làm chi phí chi trả tiền điện cũng như chi phí để sửa chữa máy.
Ngoài thành công của máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô, nhiều năm qua, ông Âu cũng đã sáng tạo, cải tiến thành công nhiều loại máy móc, như: Máy cày tay, máy bơm nước, hệ thống tưới tiết kiệm nước…. áp dụng phù hợp với địa hình vùng núi tại địa phương.
Những sáng tạo của ông đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm liền, ông được các cấp, các ngành khen thưởng với thành tích nông dân sáng tạo; gương vượt khó làm giàu.
Tuy nhiên, hiện nay, ông Âu vẫn còn trăn trở là là làm sao sáng tạo của ông sớm được cấp giấy công nhận bản quyền sản phẩm để ông có đủ điều kiện làm giấy phép đăng ký thành lập cơ sở chế tạo máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô tại xã Phước Chiến, huyện Bác Ái. Khi được công nhận, ông sẽ cung ứng sản phẩm cho đồng bào vùng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ứng dụng vào sản xuất. Xa hơn, ông có thể chuyển giao cho các đơn vị có thể sản xuất với số lượng lớn để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh, thành phố khác.
Trao đổi với PV, ông Kiều Thành Dàng, Chủ tịch hội Nông dân xã Ma Mới cho biết: “Chiếc máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô đã giúp cho nông dân ở Ma Nới tiết kiệm được công sức, tiền bạc để làm việc khác. Qua đây, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để cho nông dân Thái Văn Âu có điều kiện phát huy tính sáng tạo và nhân rộng chiếc máy này để phục vụ bà con nông dân”.