Đến sáng nay nhiều nơi tại Ninh Thuận vẫn còn ngập nặng.
Theo báo cáo nhanh của ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, trong đợt lũ lần này không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, do mưa lớn kèm theo nước lụt đã làm hàng nghìn căn nhà bị ngập nước; sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bị thiệt hại nặng.
Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 4.266ha lúa và hoa màu bị ngập nặng; hàng trăm ha nuôi tôm thịt mất trắng do bị ngập, sạt lở; 5.116 con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 200 lồng nuôi tôm hùm, cá bốp bị thiệt hại. Nhiều công trình đang thi công bị nước lũ cuốn trôi vật tư, phương tiện và gây sạt lở nặng, nhiều đoạn trên các tuyến đường giao thông Quốc lộ 1, Quốc lộ 27, đường tỉnh lộ bị ngập nước sâu hơn 0,5m.
Ngoài ra, một số nơi sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã…. ước tính thiệt hại ban đầu gần 300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: “Đến trưa 26/11, huyện Ninh Phước đã sơ tán 9.041 người dân sống trong vùng bị ngập đến nơi an toàn. Địa phương đã chỉ đạo lực lượng xung kích và người dân dùng bao có đựng cát, đá để gia cố 70m bờ sông Lu (đoạn thị trấn Phước Dân và xã Phước Hải) bị sạt lở; xã Phước Vinh đang gia cố bờ suối Tầm Rá bị sạt lở hơn 15m để ngăn lũ tràn; khơi thông đống lục bình vướng vào thành cầu tại các điểm cầu dân sinh xã Phước Hải và cầu Chá đường đi từ xã Phước Hậu đến xã Phước Thái, ngăn nguy cơ uy hiếp sập cầu”.
Tại huyện Ninh Sơn, nước ngập tại tuyến giao thông liên tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng (đoạn qua thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn) cũng như các tuyến đường liên xã, liên thôn đã rút nhiều.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho hay: “Giao thông đã thông suốt, huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cử người tuần tra, kiểm soát tại các đoạn đường có nguy cơ bị ngập úng trở lại để cấm các phương tiện qua lại đảm bảo an toàn cho người và tài sản”.
Ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã làm cho 355 lồng nuôi thủy sản của 61 hộ nuôi tôm hùm, nuôi cá bốp, cá mú ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải gần như mất trắng. Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải xác nhận: “Từ đêm 24 đến ngày 25/11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm thay đổi độ mặn đột ngột, làm cho tôm, cá toàn khu vực nuôi bị sốc nước, chết hàng loạt. Ứớc tính thiệt hại ban đầu hơn 12 tỷ đồng”.
Huyện Ninh Hải cũng đang tập trung khắc phục hệ thống nước ngọt bị hư hỏng để ổn định nước sinh hoạt cho người dân ở thôn Cầu Gẫy, xã Vĩnh Hải. Lực lượng xung kích tại các địa phương triển khai việc gia cố, sửa chữa tạm thời những vùng bị ngập nước và sạt lở, giúp người dân di chuyển lồng nuôi thủy sản còn sót lại đến nơi có nguồn nước tốt hơn để tránh thiệt hại.
Ngày 26/11, PV Người Đưa Tin cũng đã đến xã Phước Hải ghi nhận tình hình mưa lũ tại đây. Điều dễ nhận thấy là nhiều nơi vẫn còn ngập nước. Nhiều diện tích hoa màu của người dân bị nước lũ nhấn chìm, gần như thiệt hại hoàn toàn.
Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) buồn bã nói: “2.000m2 nho bị ngập 2 ngày nay, bây giờ coi như mất trắng hàng chục triệu đồng tiền đầu tư”.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết: “Trong sáng nay (26/11), 3 thôn là Từ Tâm 1, Thành Tín và Hòa Thủy vẫn còn bị chia cắt, nước ngập khoảng 1m. Người dân vẫn đang ở xã để tránh trú lũ quét. Hôm nay, xã cũng sẽ tiếp tục cho lực lượng túc trực và căng dây tại các bờ tràn không cho người dân qua lại để tránh bị nước lũ cuốn”.
“Trong ngày nay nếu nước rút địa phương cũng cử lực lượng đưa người dân về nhà để dọn dẹp nhà cửa”, ông Thái nói thêm.
Trong hôm nay, sự cố sạt lở đường sắt đoạn qua tỉnh Ninh Thuận cũng đã được khắc phục xong. Theo lãnh đạo công ty CP Đường sắt Thuận Hải, đến trưa nay, đã thông tuyến đường sắt Bắc - Nam bảo đảm cho việc đi lại.